Báo cáo cập nhật vĩ mô của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết tình hình sản xuất trong nước phục hồi, áp lực tỷ giá hạ nhiệt, nhờ đó mức tăng trưởng GDP sẽ dần phục hồi.
Theo S&P Global Market Intelligence (đơn vị cung cấp chỉ số PMI Việt Nam), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 2/2023 tăng 3,6% so với cùng kỳ, tăng 5,1% so với tháng trước. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên 51,2 điểm trong tháng 2, chấm dứt chuỗi ba tháng liên tiếp đạt ngưỡng dưới 50 điểm, báo hiệu khả năng phục hồi sản xuất trong những tháng tới.
Số đơn đặt hàng mới tăng lần đầu tiên sau 4 tháng. Đơn hàng xuất khẩu mới tăng tháng thứ hai liên tiếp nhờ nhu cầu thế giới phục hồi. Số đơn đặt hàng mới tăng đã giúp tăng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng trong tháng 2/2023. Dữ liệu thống kê cho thấy sản lượng tăng chủ yếu đến từ các nhà sản xuất hàng hóa cơ bản.
Cùng với đó, tâm lý kinh doanh được cải thiện, một số doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc nới lỏng các hạn chế COVID-19 tại Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng sản xuất trong năm tới.
Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh dòng vốn FDI sụt giảm. Vốn Nhà nước thực hiện vào tháng 2/2023 tăng 36,9% so với cùng kỳ gần 30.000 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2023, vốn Nhà nước thực hiện tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Lạm phát của Việt Nam đã giảm xuống 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 2 từ mức 4,9% so với cùng kỳ trong tháng 1. So với tháng trước, CPI Việt Nam tăng 0,45%, thấp hơn so với mức tăng 0,52% của tháng 1, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của các chỉ số thành phần bao gồm giá Lương thực & Thực phẩm (-0,2% so với tháng trước) và Giáo dục (-0,6% so với tháng trước).
Chỉ số đồng USD (DXY) giảm mạnh sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), kéo theo tỷ giá USD/VND giảm 0,1% so với đầu năm xuống 23.612 đồng. NHNN ban hành Quyết định số 313/QD-NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, nhưng giảm lãi suất tái chiết khấu 1% về 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm của NHNN đối với các TCTD cũng giảm về mức 6% từ 7%. Quyết định số 314/QDNHNN giảm 0,5% lãi suất các khoản cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD với nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ về 5%/năm.
Cùng với động thái giảm lãi suất tiền gửi, một số NHTM cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đó, NHNN đã đưa ra thông báo là các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn có thể được xem xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn các ngân hàng khác trong năm 2023.
Đối với ngành bất động sản, 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước đã thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5-2,0% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường. Bên cạnh đó, Agribank sẽ xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất vay lên tới 3% đối với khách hàng có dư nợ kinh doanh bất động sản tính đến ngày 31/1/2023.
Trên cơ sở những diễn biến này, VNDIRECT dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ trong quý I/2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,9% trong quý IV/2022. Du lịch phục hồi mạnh mẽ sẽ bù đắp cho sản xuất chậm lại.
VNDIRECT đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng tốc dần trong các quý còn lại của năm 2023 và duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 ở mức 6,2%.