(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong năm 2022, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh casa, giảm chi phí vốn và giảm CIR.
Lợi nhuận trước thuế của MSB năm 2021 đạt 5.088 tỷ đồng, gấp đôi năm trước, thu nhập ngoài lãi tăng mạnh mẽ, Casa nằm trong Top 3 thị trường.
Tăng trưởng bền vững dựa trên dịch vụ cốt lõi
Chiều ngày 11/2, tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB tóm tắt bức tranh tăng trưởng của ngân hàng trong năm 2021 với những con số ấn tượng. Trong đó, đáng chú ý là sự bứt phá rõ rệt của thu thuần ngoài lãi với mức đóng góp 4.372 tỷ đồng, tăng hơn 85% chiếm tỷ trọng hơn 40% trong tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng. Sự tăng trưởng này đến từ hai mảng chính là thu phí và kinh doanh ngoại hối với tốc độ tăng trưởng thu nhập so với năm ngoái lần lượt là 250% và 41,8%.
Ở mảng thu phí, MSB ghi nhận khoản thu lớn từ hợp đồng Banca với Prudential. Doanh số bán bảo hiểm cũng tăng trưởng tốt, luôn nằm trong top 10 của thị trường, dự kiến doanh thu phí Banca năm 2022 tăng 50-51%. Doanh số ngoại hối cũng ghi nhận kỷ lục mới đạt 7,209 triệu USD, tăng gần 40% so với năm 2020. Do ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ, sản phẩm mới với nền tảng số hóa nên kỳ vọng tăng trưởng doanh thu phí lõi vẫn khoảng 30% cho năm 2022.
Ở mảng thu nhập từ lãi, năm MSB tăng trưởng thu nhập lãi thuần xấp xỉ 29%. Nhờ cơ cấu nguồn vốn hiệu quả và chi phí vốn giảm mạnh từ 3,6% năm 2020 xuống còn 2,33% nên NIM được cải thiện tích cực từ 3,35% lên 3,63% năm 2021. Ông Linh cho biết, kỳ vọng trong năm 2022 MSB sẽ được NHNN cấp room tín dụng ở mức trên 20%. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất của MSB năm 2021 cũng thuộc top 3 trên thị trường.
Tổng huy động từ khách hàng đạt hơn 107 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó Casa của ngân hàng đạt 35,84% tổng tiền gửi, nằm trong Top 3 thị trường. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc khối Quản lý tài chính của MSB cho biết, Casa tăng trưởng tốt chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân và SME. Nhờ đẩy mạnh số hóa, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên nền tảng giao dịch online, đáp ứng nhu cầu của khách hàng đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19, số lượng và giá trị giao dịch e-banking của khách hàng cá nhân đã tăng vọt tương ứng 46,6% và 79% so với năm 2021. Cũng nhờ đẩy mạnh số hóa mà tỷ lệ CIR của ngân hàng giảm mạnh từ 49,2% năm 2020 xuống còn 37,1% cuối năm 2021.
Ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về hoạt động nguồn vốn, phản ánh rõ nét qua mảng Trái phiếu chính phủ khi MSB giữ vững Top 1 thị phần giao dịch TPCP từ năm 2020 đến nay với doanh số 2021 đạt 611 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng cũng đa dạng nguồn vốn thông qua nguồn vốn ngoại với đối tác nước ngoài như COMMERZBANK và MIZUHO.
Quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế và kiểm soát tốt nợ xấu
Ông Linh cho biết, lý do MSB được NHNN phê duyệt “room” tín dụng cao trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì cao trong năm 2022 chính là nhờ vào việc đáp ứng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro, CAR, đồng thời hướng dòng vốn tín dụng vào các ngành nghề ít rủi ro và tham gia hỗ trợ vào các chính sách chung của NHNN trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
MSB vẫn theo đuổi khẩu vị rủi ro chặt chẽ và áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị rủi ro. Hiện ngân hàng đã hoàn thành Basel II phương pháp xếp hạng nội bộ IRb với rủi ro tín dụng và Basel III đối với rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro thanh khoản; đồng thời ngân hàng đang trong quá trình triển khai thực hiện lập Báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế IFRS, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
MSB hiện có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tương đối cao ở mức 95%, tỷ lệ nợ cơ cấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 3% ở thời điểm ngày 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,15%. Dự kiến trong quý I/2022, MSB sẽ giảm tỷ lệ NPL xuống dưới 1% khi thu hồi được các khoản nợ xấu của năm 2021.
Những kế hoạch lớn cho năm 2022
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong năm 2022, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và SME, ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh casa, giảm chi phí vốn và giảm CIR.
Hai dự án chiến lược là thay mới Core-banking và “Nhà máy số” được kích hoạt trong năm 2021 sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong năm 2022 với mục tiêu nâng tỷ lệ số hóa các dịch vụ của ngân hàng lên khoảng 60% trong 3 năm tới. Bên cạnh đó, trong sự thích ứng linh hoạt với xu thế mới hậu COVID-19, ngân hàng cũng đang phối hợp với đối tác chiến lược BCG để triển khai dự án làm việc linh hoạt cho cán bộ nhân viên, đưa tinh thần số hóa vào phương thức làm việc để nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc trên toàn hệ thống.
Về kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức, lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Các kế hoạch liên quan tăng vốn MSB sẽ xin ĐHCĐ thông qua và triển khai trong 2022 trong đó, ngân hàng đang hướng đến các nguồn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài và đang làm việc với một số bên để có kế hoạch cụ thể.
Ngân hàng đặt mục tiêu 2022 đạt quy mô tài sản 233 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tín dụng tăng 20-25% tùy vào phê duyệt của NHNN, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%. Tiết lộ về kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 1/2022, bà Hằng cho biết con số khởi đầu khả quan với Casa tăng 2.350 tỷ đồng so với ngày 31/12/2021 và lợi nhuận trước thuế 577 tỷ đồng.