Vấn đề - Nhận định

Tăng trưởng tín dụng năm 2023: Nỗ lực cần đến từ nhiều phía

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp 29/10/2023 07:47

Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống TCTD, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác

Tăng trưởng tín dụng là một yếu tố có quan hệ chặt chẽ và tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc điều hành kế hoạch tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm luôn là vấn đề được Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) coi trọng.

Nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng đã được triển khai

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 phải tăng trưởng khoảng 6,5% so với năm 2022. Để đáp ứng yêu cầu về vốn tín dụng cho mục tiêu tăng trưởng này, NHNN dự kiến kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt khoảng 14-15%. Đây là một mục tiêu không phải là quá cao kết quả thực hiện năm 2022 song nhìn chung vẫn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế của các năm gần đây.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng nói trên, ngay từ những tháng đầu năm, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế, như: ban hành và sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng (Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng); triển khai các chương trình tín dụng có quy mô lớn đối với một số lĩnh vực (nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản); liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số lĩnh vực ưu tiên…), đồng thời yêu cầu các TCTD phấn đấu giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm…

Tăng trưởng tín dụng chưa đạt như kỳ vọng

Mặc dù có nhiều giải pháp quyết liệt được NHNN triển khai như trên, song tăng trưởng tín dụng năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của NHNN cho thấy đến hết tháng 9/2023, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,92% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra (14-15%). Tính bình quân, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 0,64%/tháng, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng tháng của các năm gần đây.

Lý giải nguyên nhân làm hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2023, tại Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ được NHNN tổ chức ngày 27/10/2023, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống TCTD, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác.

Nhận định nói trên của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ có thể được nhìn nhận khá rõ qua số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó, tốc độ tăng GDP 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước chỉ cao hơn tốc độ tăng GDP 9 tháng các năm 2020-2021 và thấp hơn tốc độ tăng GDP 9 tháng của tất cả các năm còn lại trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng GDP khá khiêm tốn nói trên, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp nói chung và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng 9 tháng năm 2023 cũng chỉ tăng 1,65% và 1,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.

Đi cùng với sự tăng trưởng chậm của sản xuất trong nước, hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2023 cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm và hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng có thể được nhận ra thông qua tình hình biến động số lượng doanh nghiệp gia nhập hoặc rời khỏi thị trường trong năm, mà theo đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 9 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 3,2%, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 21,2% và doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 26,9%...

Tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm: Cần nỗ lực từ nhiều phía

Đến hết năm 2022, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 11,924 triệu tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% mà NHNN đặt ra cho năm 2023, thì dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến hết tháng 12/2023 phải đạt 13,594-13,713 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2023, dư nợ tín dụng chỉ mới đạt 12,63 triệu tỷ đồng, và để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng như kế hoạch mà NHNN đặt ra, thì trong 3 tháng cuối năm 2023, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế phải tăng trưởng đạt đạt tốc độ bình quân 2,482-2,781%/tháng. Đây là một mục tiêu khá cao nếu so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 0,641%/tháng của 9 tháng đầu năm 2023 hoặc 1,111%/tháng của năm 2022 và 1,069%/tháng của năm 2021.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng của các tháng cuối năm 2023 phải đạt tốc độ tương đối cao như trên, song có thể thấy, việc đạt được mục tiêu này cũng không phải là dễ dàng, bởi theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới trong những tháng tới vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Trong các báo cáo được đưa ra gần đây, các tổ chức quốc tế có uy tín đều hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam so với các dự báo được đưa ra trước đó. Chẳng hạn, OECD hạ dự báo 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2023, trong khi ADB và IMF giảm dự báo tăng trưởng 0,7 và 1,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023, còn WB hạ dự báo tăng trưởng 1,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6/2023…

Trong bối cảnh đó, để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đã được đặt ra nhằm hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nỗ lực của NHNN và hệ thống ngân hàng trong việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đã được NHNN triển khai nói trên, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cũng cần quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức kinh tế cũng như hoạt động tiêu dùng của người dân, trong đó đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án, phương án đầu tư, xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ từ ngành ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước như trên, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu vay vốn từ hệ thống ngân hàng cũng cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của ngành ngân hàng, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng và tính khả thi của các kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cũng như độ tin cậy của các báo cáo về tài chính, bởi theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ tại Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg, việc các TCTD đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng cao hơn sau một thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, trong khi khách hàng lại hạn chế về năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành, không chứng minh được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh… cũng là nguyên nhân làm tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt được ở mức thấp mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023
  2. Báo cáo số 373/BC-TCTK ngày 28/9/2023 của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023
  3. “Quyết liệt triển khai các giải pháp cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế”, Cổng thông tin điện tử NHNN, truy cập ngày 28/10/2023, tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/links/cm100?dDocName=SBV580061
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng tín dụng năm 2023: Nỗ lực cần đến từ nhiều phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO