Hoạt động ngân hàng

Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số

Quỳnh Lê 06/10/2023 17:27

Ngày 6/10 tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp cùng Tập đoàn IEC tổ chức Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2023 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và khung pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời gắn với hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong định hình tương lai ngân hàng trong kỷ nguyên số

Sự phát triển sâu rộng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tạo ra những thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, chính trị, xã hội một cách toàn diện. Trong quá trình phát triển đó, dữ liệu là yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong tiến trình chuyển đổi số.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm trở lại đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số.

Hiện có 95% tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, trong đó có những tổ chức tín dụng đạt 90% giao dịch khách hàng trên kênh số. Nhờ chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí trên thu nhập của một số ngân hàng giảm xuống 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực đang hướng tới.

nqh05633.jpg
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại phiên toàn thể

Phát biểu tại phiên toàn thể với chủ đề "Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, trong quá trình phát triển của CMCN 4.0, dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn tài nguyên mới, là yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong tiến trình chuyển đổi số. Đối với ngành Ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động. Với tầm quan trọng của dữ liệu, Phó Thống đốc đề nghị, các ngân hàng tập trung làm sạch, số hoá những dữ liệu đã có bởi nếu không có dữ liệu sạch thì không có câu chuyện tiếp sau. Bên cạnh đó, dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

"Trong quá trình khách hàng thực hiện giao dịch, phải ứng dụng dữ liệu để đảm bảo người thực hiện giao dịch là người đã đăng ký dịch vụ với ngân hàng. Không để tình trạng lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng yêu cầu.

nqh05519.jpg
Ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện

Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thành viên HĐQT VietinBank cũng nhấn mạnh, dữ liệu là tài sản quý giá, tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu số trong ngành ngân hàng nằm ở việc đây là yếu tố giúp cải thiện quyết định kinh doanh, nâng cao hiệu suất và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Bằng cách thu thập, phân tích và ứng dụng thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau, ngân hàng có thể hiểu rõ hơn về khách hàng cũng như dự đoán xu hướng thị trường và tối ưu hóa quy trình kinh doanh

“Sự phát triển nhanh chóng của chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu trong ngành ngân hàng đã tạo ra những lợi ích đáng kể. Cụ thể, các ngân hàng có thể tăng cường việc tiếp cận khách hàng, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tính cá nhân hóa cao; đồng thời tối ưu hóa quy trình phát hiện rủi ro và phòng ngừa gian lận, cải thiện quy trình vay và xử lý hồ sơ vay vốn; tăng cường khả năng dự đoán và phân tích thị trường”, ông Trần Văn Tần cho biết.

Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…

"Toàn ngành đã tập trung làm sạch hàng chục triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và các tổ chức tín dụng, đảm bảo dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho hay.

nqh05792.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ tại sự kiện

Thông tin cụ thể hơn về việc khai thác dữ liệu số, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 297/QĐ-NHNN ngày 01/3/2022 về Kế hoạch triển khai và công bố danh mục dữ liệu mở của Ngân hàng Nhà nước và Quyết định 305/QĐ-NHNN ngày 03/3/2022 về Kế hoạch triển khai và công bố Danh mục dữ liệu chia sẻ theo hình thức mặc định của Ngân hàng Nhà nước.

"Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư: 27 TCTD đã triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng; 42 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng CCCD gắn chip (4 TCTD đã ký kết hợp đồng và 1 TCTD đã chính thức triển khai dịch vụ),.. Các TCTD cũng đã xây dựng kho tập trung dữ liệu (Data Warehouse, Datalake); triển khai API Portal để kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu", Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết.

Giải pháp nào để tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu thông suốt, đồng bộ, hiệu quả?

nqh05911.jpg
Ông Alexy Thomas, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dữ liệu, EY Ấn Độ chia sẻ góc nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Chia sẻ tại sự kiện, ông Alexy Thomas, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dữ liệu, E&Y Ấn Độ cho biết: “Hàng ngày có rất nhiều dữ liệu được cung cấp, tất cả đều có thể sử dụng, tận dụng và cần được khai thác bởi đây là nguồn nguyên liệu để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, câu chuyện thực tế không phải lúc nào cũng đẹp như mong muốn”.

Cũng theo ông Alexy Thoma, các ngân hàng truyền thống thực tế chưa tập trung nhiều vào dữ liệu. Khảo sát của E&Y cho biết, 71% ngân hàng thừa nhận trong hệ thống dữ liệu không được chia sẻ với nhau, tức là dữ liệu được chia mảnh khắp nơi mà không được tập trung. Điều này có nghĩa là các tổ chức phải thu thập tập trung dữ liệu, làm sạch hoá dữ liệu.

“Các ngân hàng vẫn đang rất hạn chế trong vấn đề này dù xu hướng là đầu tư nhiều vào cấu trúc dữ liệu, nâng cao khả năng lưu trữ, chuyển lên cloud nhằm đảm bảo lưu trữ tập trung để tối ưu hoá hoạt động”, ông Alexy Thoma nói.

Từ góc nhìn của 1 ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, xu hướng ngân hàng mở có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tạo ra cơ hội kinh doanh mới, tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng.

Ngân hàng mở là mô hình cho phép ngân hàng (dưới sự đồng ý của khách hàng) được quyền chia sẻ thông tin tài chính an toàn với các tổ chức khác qua các giao thức mở (API/SDK ..) để từ đó tạo ra cơ hội cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách toàn diện

"Ngân hàng luôn coi trọng vấn đề bảo mật thông tin khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng mở lại cần phải chia sẻ thông tin. Do đó, ngân hàng cần đáp ứng tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo an toàn thông tin khách hàng và nhận được sự đồng thuận của khách hàng", ông Nguyễn Hưng chia sẻ.

Về thực trạng công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra công khai trên không gian mạng; số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tói gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm; các đối tượng sử dụng dữ liệu các nhân của người khác để mở hàng loạt tài khoản ngân hàng, ví điện tử, bán thu lợi bất chính.

evt04726.jpg
Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ tại sự kiện

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có biện pháp bảo vệ chặt chẽ, tương xứng trong quá trình thu thập, khai thác, chuyển giao dữ liệu của khách hàng; hoặc người sử dụng, nhận thức và ý thức bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân của người dân chưa cao, tâm lý chủ quan, chưa coi trọng việc bảo mật thông tin, thậm chí sẵn sàng đánh thông tin, dữ liệu của mình để lấy tiện ích của các dịch vụ; công ty công nghệ trong và ngoài nước âm thầm thu thập, khai thác trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam bằng cách sử dụng phần mềm, công cụ chuyên dụng…

Vì vậy, ngày 17/4/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa những nguy cơ và hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Về phía ngành Ngân hàng, thời gian qua, xác định vai trò quan trọng của dữ liệu trong chuyển đổi số ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối, khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thanh toán trong hoạt động ngân hàng.

Chia sẻ về định hướng các giải pháp trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý. Luật các TCTD (sửa đổi), dự án Luật các hệ thống thanh toán, Nghị định thay thế nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản hướng dẫn, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox); sửa đổi Quyết định 630/QĐ-NHNN theo hướng phân cấp hạn mức giao dịch, áp dụng các biện pháp xác thực bằng sinh trắc học;...

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch phối hợp 01 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng...

Tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số như hạ tầng thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; hạ tầng thông tin tín dụng CIC;...

Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tiện lợi, chi phí thấp; nâng cấp, mở rộng kết nối mở rộng hệ sinh thái số lấy khách hàng làm trung tâm.

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân, bố trí nguồn lực cho công tác chuyển đổi số …

evt06245.jpg

Trong khuôn khổ phiên toàn thể, tại phần tọa đàm bàn tròn, các diễn giả là các lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số cùng các đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp công nghệ thông tin tiêu biểu trong ngành đã cùng nhau thảo luận về vai trò của dữ liệu trong việc đưa ra quyết định; cách thức trí tuệ nhân tạo thay đổi ngành ngân hàng; các ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần chuẩn bị gì để thích ứng với cuộc cách mạng chuyển đổi số; mô hình triển khai, các khó khăn, thách thức và kinh nghiệm trong vấn đề quản trị dữ liệu; đề xuất và khuyến nghị về hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong ngành ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO