(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện 5 nội dung sau.
Thứ nhất: Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, trong đó chú trọng:
Mở rộng tín dụng dụng tập trung và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN;
Phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp;
Quán triệt triển khai nghiêm túc trong toàn hệ thống tổ chức tín dung, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính; Xem xét áp dụng sâu Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định 11/QĐ-HHNH ngày 25/2/2019 của Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam;
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân;
Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục rà soát các chương trình tín dụng chính sách để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thí điểm cho vay tiêu dùng; chú trọng phân bổ nguồn vốn vào các khu vực tập trung nhiều hộ nghèo, hộ cần nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ hai: Các công ty tài chính tổ chức thực hiện, chấp hành nghiêm các quy định về cho vay tiêu dùng theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về cho vay tiêu cùng của công ty tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN ngày 4/11/2019) và các quy định của NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; đảm bảo công khai, minh bạch về lãi suất cho vay tiêu dùng, phí và phương pháp tính lãi; cung cấp, giải thích chính xác, đầy đủ các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng.
Thứ ba: Tăng cường chất lượng công tác thẩm định, thực hiện việc kiểm tra trước, trong và sau cho vay; thường xuyên đánh giá khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng; chủ động thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ tư: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi,
Thứ năm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công bố công khai trên trang điện tử của các tổ chức tín dụng và các biện pháp truyền thông phù hợp khác nhằm thông tin, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cân nguồn vốn tín dụng ngân hàng.