Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

Thanh Hải| 28/05/2020 18:01
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 28/5, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo trước Quốc hội

Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018 đã hoàn thành dự toán được Quốc hội quyết định, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Thu NSNN vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. 

Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 đã được đối chiếu, xác nhận của Kho bạc Nhà nước và đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong điều kiện phải tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt phòng, chống đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban TCNS nhận thấy còn một số vấn đề sau: Nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020; tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục;

Về chi NSNN, Ủy ban TCNS thấy rằng, trong năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.

Mặc dù vậy vẫn còn một số hạn chế như: công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để; giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm; cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra; chi chuyển nguồn NSNN và kết dư ngân sách địa phương lớn, có xu hướng gia tăng làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS, bội chi giảm so với dự toán Quốc hội quyết định, thể hiện sự nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay nên Chính phủ cần lưu ý có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành NSNN.

Đối với quản lý nợ công, năm 2018, Chính phủ đã tích cực triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất huy động vốn trái phiếu chính phủ, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước và trong giới hạn Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, dư nợ công năm 2018 tiếp tục tăng thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, hồ sơ quyết toán NSNN năm 2018 chưa có báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017. “Tồn tại này đã xảy ra nhiều năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc nhở song Chính phủ chưa chỉ đạo kiên quyết để khắc phục”, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Từ tình hình trên, Ủy ban TCNS kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 của Quốc hội; không để tình trạng thiếu báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội xảy ra ở các năm sau.

Đồng thời, kiến nghị Quốc hội chấp thuận, quyết định phân bổ chi tiết cho 33 bộ, ngành khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại và cho phép quyết toán NSNN năm 2018 theo quy định; điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, tăng dự toán chi đầu tư phát triển của Bộ Tài chính và cho phép quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2018. Đồng thời, cho phép quyết toán NSNN năm 2018 khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Trước đó, trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội cho biết, quyết toán thu NSNN tăng 8,5% so với dự toán và bằng 110,7% thực hiện năm 2017, song kết quả tăng thu chủ yếu từ thu tiền sử dụng đất. Nếu loại trừ các khoản thu trên thu nội địa chỉ đạt 96,7% dự toán giao.

Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 26% GDP, vượt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (23,5% GDP), song cơ cấu thu NSNN chuyển dịch chậm: tỷ lệ thu nội địa năm 2018 đạt 81% tổng thu NSNN tăng so với năm 2017, song chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020 (84-85%); tỷ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí chỉ đạt 19,1% GDP thấp hơn mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020 (khoảng 21% GDP).

Về chi ngân sách nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự toán chi NSNN 1.523.200 tỷ đồng, quyết toán 1.435.435 tỷ đồng (bằng 94,2% dự toán giao). Trong đó: quyết toán chi đầu tư phát triển bằng 27,4% tổng chi NSNN; quyết toán chi thường xuyên giảm 4,4% so với dự toán bằng 64,9% tổng số chi NSNN, vẫn duy trì ở mức cao và cao hơn mục tiêu Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (dưới 64% tổng chi NSNN).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ: “còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán...”

Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này, nổi bật là: cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập…

Về bội chi NSNN và kết dư ngân sách địa phương (NSĐP), Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, bội chi NSNN bằng 2,8% GDP thực hiện, kết dư ngân sách địa phương bằng 46,8% tổng số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, trong đó 47/47 địa phương được bổ sung cân đối đều có kết dư ngân sách địa phương bằng 14,4% số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Về nợ công, dư nợ công đến 31/12/2018 bằng 58,3% GDP thực hiện; nợ Chính phủ bằng 49,9% GDP thực hiện. Dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với NSNN.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước… Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước kính đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO