Thanh toán số còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ

Phan Mai - Đỗ Trang (thực hiện)| 25/01/2023 07:29
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Nếu như châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực có tỉ lệ chấp nhận các giải pháp thanh toán số cao nhất trên thế giới, thì Việt Nam luôn là một trong những thị trường đầy hứa hẹn đối với lĩnh vực thanh toán số ở khu vực này”, khẳng định của bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Phóng viên: Theo bà, lĩnh vực thanh toán trên toàn cầu đã chuyển dịch ra sao sau đại dịch COVID-19?

Bà Winnie Wong:  Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta tương tác và thực hiện các giao dịch, một phần xuất phát từ nhu cầu hàng ngày. Khi cả thế giới thực hiện các biện pháp phong tỏa do đại dịch vào năm 2020, người tiêu dùng đã nhanh chóng thay đổi cách sống, cách thanh toán và áp dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc, mua sắm và thậm chí cả “đi chợ” trực tuyến. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục phát triển cho đến nay.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy rõ xu hướng không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ. Theo Báo cáo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2022, khảo sát trên 40 thị trường tại 5 khu vực trên thế giới, có 35% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ ít sử dụng tiền mặt hơn trong năm vừa qua, trong khi chỉ có hơn 25% cho biết họ sử dụng tiền mặt nhiều hơn. Trung bình cứ 10 người được hỏi thì có hơn 3 người không sử dụng tiền mặt trong một số loại giao dịch.

85% số người được khảo sát cho biết họ sử dụng ít nhất một hình thức thanh toán số mới nổi để thay thế tiền mặt trong năm qua. 93% cho biết sẽ cân nhắc sử dụng một trong các hình thức thanh toán số trong năm tới, bao gồm chuyển khoản ngân hàng trực tiếp, mua ngay trả sau (BNPL), ứng dụng chuyển tiền, tiền điện tử, mã QR hay thanh toán bằng thiết bị di động.

 

Dù đã chuyển sang các hình thức thanh toán số, người tiêu dùng cho biết họ vẫn e ngại về tính an toàn và bảo mật của các hình thức thanh toán này. Điều này hiện có ảnh hưởng lớn nhất đến các lựa chọn thanh toán của người tiêu dùng, nhiều hơn cả các chương trình giảm giá/khuyến mãi, giải thưởng và thậm chí là lãi suất thấp.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về tốc độ áp dụng công nghệ thanh toán số tại Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực?

Bà Winnie Wong:  Có một điều thú vị là nếu như châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực có tỉ lệ chấp nhận các giải pháp thanh toán số cao nhất trên thế giới, thì Việt Nam luôn là một trong những thị trường đầy hứa hẹn đối với lĩnh vực thanh toán số ở khu vực này.

Không thể phủ nhận đại dịch COVID-19 đã giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam đã chủ động tìm kiếm các hình thức thanh toán số và không dùng tiền mặt ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam áp dụng các giải pháp thanh toán di động đã tăng từ 37% vào năm 2018 lên 61% vào năm 20191. Hậu đại dịch, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7%, thanh toán di động tăng 97,65% và thanh toán bằng mã QR tăng 56,52%2  so với cùng kỳ năm 2021.

Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các công cụ số để quản lý tài chính cá nhân, từ thanh toán hóa đơn, giao dịch ngân hàng, cho tới mở tài khoản ngân hàng mới hay lập kế hoạch tài chính. 89% số người được khảo sát cho biết đã chuyển sang sử dụng các công cụ số để giải quyết ít nhất một hoạt động tài chính trong năm qua, nhờ vào sự tiện lợi, an toàn và bảo mật. Các giải pháp này cũng giúp họ tránh việc bỏ lỡ hoặc thanh toán muộn.

Người tiêu dùng Việt Nam cởi mở và nhiệt tình trong việc đón nhận các công nghệ thanh toán điện tử nhiều hơn so với mức trung bình trong khu vực

Khảo sát của Mastercard cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt Nam cởi mở và nhiệt tình trong việc đón nhận các công nghệ thanh toán điện tử nhiều hơn so với mức trung bình trong khu vực. 94% người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng ít nhất một hình thức thanh toán số như ví điện tử, mã QR, mua ngay trả sau (BNPL), sinh trắc học và các hình thức thanh toán số khác vào năm qua - so với mức trung bình 88% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 78% người tiêu dùng Việt Nam đã tăng tần suất sử dụng cùng lúc hơn một hình thức thanh toán điện tử, cho thấy việc sử dụng các phương pháp thanh toán số đang trên đà phát triển. 

Tất cả đều cho thấy sự gia tăng trong việc áp dụng các công nghệ thanh toán mới cũng như nhu cầu của người tiêu dùng đối với các trải nghiệm kỹ thuật số mới, nhanh chóng và linh hoạt. Với việc Chính phủ đẩy mạnh các chương trình nghị sự hướng tới không dùng tiền mặt và chuyển đổi kỹ thuật số và người tiêu dùng đòi hỏi nhiều lựa chọn và sự linh hoạt trong các phương thức thanh toán, các doanh nghiệp cũng sẽ ứng dụng nhiều hình thức mua sắm và thanh toán khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và chuẩn bị cho những thách thức mới.

Quá trình này sẽ còn tăng tốc trong tương lai và Mastercard mong muốn được tiếp tục đóng góp vào những tiến bộ sẽ đạt được từ những thay đổi mới trong cách nhận thức và thích nghi với công nghệ của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Phóng viên: Theo bà, đâu là lợi thế để Việt Nam chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt?

Bà Winnie Wong:  Tôi tin rằng Việt Nam có đủ tiềm năng để trở thành một “nền kinh tế không dùng tiền mặt” trong tương lai với các yếu tố nổi bật nhất giúp thúc đẩy việc áp dụng các hình thức thanh toán số tại Việt Nam có thể kể tới:  Dân số trẻ và am hiểu kỹ thuật số; Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao; Chính phủ áp dụng tư duy ưu tiên kỹ thuật số và đầu tư vào các chương trình và cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao hiểu biết và mức độ sử dụng internet thành thạo trên toàn quốc; Người tiêu dùng Việt Nam cũng nằm trong nhóm tiêu dùng cởi mở và nhiệt tình đón nhận các công nghệ thanh toán mới nhất trong khu vực, từ ví di động trên điện thoại thông minh cho đến thanh toán qua tài khoản và mã QR.

Tuy vậy, vẫn tồn tại thói quen sử dùng tiền mặt trong sinh hoạt hàng ngày và thanh toán những hóa đơn giá trị thấp tại các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Vẫn có một tỷ lệ dân số chưa được phổ cập về cách thức hoạt động của các giải pháp thanh toán số, dẫn đến việc người dân chưa tin tưởng vào hình thức này. Đồng thời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tài chính vẫn còn hạn chế ở khu vực nông thôn, dẫn đến rào cản lớn đối với việc áp dụng và tiếp cận thương mại điện tử và công nghệ thanh toán số.

Tổng kết lại, tuy thanh toán số đang có xu hướng bùng nổ, lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Dựa trên kinh nghiệm khi làm việc nhiều năm tại nhiều thị trường khác trên thế giới, Mastercard cho rằng, lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam đang thực sự sôi động và đầy hứa hẹn. Chúng tôi kỳ vọng tốc độ chuyển đổi từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt sẽ diễn ra nhanh hơn tại Việt Nam trong vài năm tới.

Phóng viên: Các ngân hàng, Fintech và các đối tác trong lĩnh vực thanh toán có thể làm gì để duy trì xu hướng chuyển dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, cũng như giúp cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người và doanh nghiệp?

Bà Winnie Wong:  Để hiện thực hóa một Việt Nam “không tiền mặt”, cần đến sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Mục tiêu này đòi hỏi sự cam kết chung của tất cả các đối tác trong lĩnh vực thanh toán – bao gồm chính phủ, các ngân hàng, các tổ chức công nghệ tài chính (Fintech) và các đơn vị cung cấp công nghệ thanh toán để xây dựng một hệ sinh thái thanh toán toàn diện.

Chính phủ, ngân hàng và Fintech: Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ khung pháp lý thúc đẩy đổi mới các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa các đơn vị hoạt động trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau, bao gồm ngân hàng, Fintech và Chính phủ để thúc đẩy tất cả phát triển các kênh thanh toán không dùng tiền mặt mới cho người bán và xây dựng một hệ sinh thái thanh toán toàn diện tại Việt Nam.

Doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN): Bổ sung các kiến thức về lợi ích mà thanh toán số mang lại cho doanh nghiệp, giúp tăng hiệu suất hoạt động và giảm thiểu chi phí, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thêm các khách hàng mới.

Người tiêu dùng: Cần có nhiều hơn các sáng kiến giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và làm nổi bật lợi ích cũng như tính bảo mật của các hình thức thanh toán không tiền mặt, bao gồm cả thanh toán số cho các mặt hàng giá rẻ thường ngày. Điều này là cần thiết để xây dựng niềm tin và sự an tâm cho người tiêu dùng khi áp dụng các công nghệ thanh toán không tiền mặt.

Là công ty công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới, Mastercard đang và sẽ tiếp tục hoạt động tích cực trong vai trò đối tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như phối hợp chặt chẽ các đối tác liên quan để thúc đẩy xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán số còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO