Phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri đang mong chờ những giải pháp cụ thể, hiệu quả, thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Cử tri chờ giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản
Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đối với nội dung về phát triển thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2022, thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền và tiếp cận nguồn vốn, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân.
Trong năm 2023, tuy có vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản,…
Bước sang tháng 4/2023, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4/2023 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế,…
Một số dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sớm được đưa vào khai thác cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng quý II và cả năm 2023.
Phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri kiến nghị Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý đất đai để khắc phục tình trạng ở nhiều địa phương hiện nay tranh thủ thực hiện quy hoạch đất nông nghiệp thành các khu công nghiệp lớn trước khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; trước các vướng mắc thực tiễn, các vấn đề mà cuộc sống đặt ra thì phải ưu tiên giải quyết ngay. Rà soát, có giải pháp phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi của người mua nhà ở các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị bị thu hồi dự án do chậm tiến độ đã kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua không được bảo vệ.
Cần thống kê cụ thể và công khai các dự án sử dụng đất để quá hạn chưa thực hiện đầu tư, đầu tư kéo dài, hiện tượng làm giả đưa thông tin không chính xác, xuyên tạc làm ảnh hưởng lũng loạn thị trường nhất là thị trường bất động sản.
Cử tri và nhân dân cũng kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Những nội dung không tiếp thu được, cơ quan soạn thảo có phản hồi lại để cơ quan phản biện được rõ vì những luật này có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi của người dân.
Cần điều tiết nguồn cung, cơ cấu lại thị trường bất động sản
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công và khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế.
Qua khảo sát thực tế và làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, dòng tiền vẫn còn nghẽn, các biện pháp đã thực hiện chưa phát huy hết tác dụng, nếu nhận định, đánh giá quá lạc quan thì sẽ khó khăn trong xác định biện pháp điều hành.
“Những tồn tại, yếu kém nội tại đã bộc lộ rõ như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế, nên chỉ cần biến động nhỏ của thế giới sẽ gây ra tác động rất lớn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng từ cuối quý II/2022. Những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, các giao dịch bị trì hoãn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu; nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
Hệ quả là, thị trường bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp huy động vốn với số lượng lớn thời gian qua làm tăng dư nợ của nền kinh tế dẫn đến bong bóng với thị trường bất động sản; thị trường bất động sản khó khăn là chưa phản ánh đúng bản chất khi chỉ có thị trường bất động sản ở phân khúc cao cấp tăng cao và đến nay gặp khó còn thị trường bất động sản dành cho số đông thì vẫn thiếu hụt.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, những tháng đầu năm 2023, thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu ; một số vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn gây bức xúc dư luận, giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021, tuy nhiên nếu tình hình kinh tế không được cải thiện thì nợ xấu sẽ tăng và năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ bị bào mòn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, những tồn tại, yếu kém từ nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ ràng, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế.
Sức chịu đựng của các doanh nghiệp bị bào mòn sau tác động của dịch COVID-19 nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Một số tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý: việc xử lý ngân hàng yếu kém; việc chậm phê duyệt, quyết định các quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Với nhận định từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ lưu ý kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Đồng thời, cơ cấu lại thị trường bất động sản thông qua điều tiết nguồn cung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu bất động sản cao cấp và bất động sản bình dân bằng công cụ quy hoạch.