Tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án TP. Hà Nội

Bùi Trang- Ngô Hải| 22/06/2022 22:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 22/6, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo “Các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và giải quyết tranh chấp tại Tòa án”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Chính, Thành ủy viên, Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội; đại diện Tòa án Nhân dân tối cao; đại diện Tòa án Nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội… cùng ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh án Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TP Hà Nội; ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh tòa Tòa Hình sự - Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội; đại diện Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, quận Cầu Giấy, huyện Đông Anh. Tham dự hội thảo còn có đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp;Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế… thuộc Ngân hàng Nhà nước cùng đại diện các tổ chức hội viên.

Án tín dụng kéo dài, nhiều vướng mắc quanh tài sản bảo đảm

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã nhận được nhiều đơn phản ánh từ các TCTD hội viên đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng. Hiệp hội đã có rất nhiều văn bản gửi cho phía tòa án trong quá trình xét xử.

“Có một số vụ án sau khi nhận được văn bản của Hiệp hội, tòa án đã xem xét, thậm chí hoãn xét xử để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, trong quá trình đó, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều phát sinh vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại tòa án các cấp còn rất khác nhau, chưa có sự thống nhất”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Hội thảo được tổ chức hôm nay nhằm góp phần tạo điều kiện cho các TCTD hội viên có cơ hội trao đổi, thảo luận với các cơ quan tố tụng về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa.

Trên cơ sở đó, Hội thảo tập trung vào các nội dung xung quanh thực trạng giải quyết tranh chấp các vụ án kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại Hà Nội, những vấn đề còn có quan điểm khác nhau, các vấn đề pháp lý dẫn đến mâu thuẫn trong xử lý tranh chấp, chia sẻ kinh nghiệm về việc xử lý các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng thời gian qua, các biện pháp phòng tránh cho các ngân hàng; gợi ý cho các ngân hàng khi xác lập hợp đồng, các vấn đề cần lưu ý.

Đồng thời, Hội thảo cũng là cơ hội để các bên thống nhất, xem xét đề xuất Tòa án Nhân dân tối cao phát triển các bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực ngân hàng thành án lệ và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê, trong số 5.419 vụ án mà Tòa án Hà Nội đang giải quyết trong 6 tháng đầu năm 2022 thì có tới 1.223 vụ án tranh chấp tín dụng, chiếm 23%. Trong số 2.400 vụ kinh doanh thương mại mà Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội thụ lý thì có 778 vụ việc tranh chấp về đầu tư tài chính, ngân hàng, chiếm 32,5%.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Chính, giải quyết án tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. Tuy nhiên, qua việc giải quyết án tín dụng cũng thấy nổi lên một số vấn đề, có thể kể đến như: Thứ nhất, có sự khác biệt về quan điểm giữa Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội và ngân hàng. Thứ hai, thống kê lượng án tín dụng không thể xử ngày càng tăng. Thứ ba, việc giải quyết các vụ án của tòa án đối với các vụ án tín dụng có phần chậm, chưa kịp thời với các vụ việc khiếu kiện, có những vụ tồn hàng năm.

“Khó khăn trong giải quyết án tín dụng là vấn đề chúng ta cần bàn trong hội nghị ngày hôm nay, tìm ra giải pháp tích cực, để đảm bảo, giải quyết triệt để án tín dụng”, ông Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn: “Các ngân hàng mạnh dạn đưa ra nguyên nhân, tồn tại, vướng mắc đối với ngành Tòa án. Bên cạnh đó, phía Tòa án cũng đưa ra những quan điểm để làm sao có sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng giữa tòa án và ngân hàng, để tập trung giải quyết tốt các vụ án tín dụng, tránh tình trạng chậm xử lý, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, tài sản của các ngân hàng”.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng báo cáo tổng hợp vướng mắc liên quan giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho biết, qua tập hợp các vướng mắc liên quan giải quyết các tranh chấp dân sự từ các ngân hàng cho thấy có 3 nhóm vướng mắc đang tồn tại, bao gồm: nhóm vướng mắc cần thống nhất nhận thức và áp dụng quy định pháp luật trong thực tiễn xét xử; nhóm vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính tố tụng; nhóm vướng mắc xác định trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự.

Trao đổi về các vướng mắc cụ thể, ông Nguyễn Thành Long đề cập vấn đề bảo vệ quyền lợi của ngân hàng khi là người thứ ba ngay tình. Thực tế xét xử, nhiều giao dịch bảo đảm của các TCTD, trong đó tập trung vào tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất bị Tòa án tuyên vô hiệu do giao dịch liên quan đến tài sản trước đó bị tuyên vô hiệu (giao dịch về mua bán, thừa kế, tặng cho… do bên bảo đảm thực hiện).

Khi ngân hàng nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất, các TCTD căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp để xác định chủ sở hữu tài sản và thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, các TCTD không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa Bên bảo đảm và Chủ sở hữu cũ. Không có quy định nào của pháp luật quy định TCTD phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước cấp GCN; cũng như quy định TCTD có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo GCN đó.

Do đó, ông Nguyễn Thành Long đề nghị Tòa án áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các tình huống cụ thể: giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền/đại diện; mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó, trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn. Đồng thời, đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao xem xét về việc nâng các nội dung hướng dẫn trong Công văn số 64 để ban hành thành Nghị quyết; có đính chính/hủy bỏ tình huống về xác định “người thứ ba ngay tình” tại Văn bản số 02.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Long cũng nêu những vướng mắc bất cập trong việc áp mức lãi suất khi giải quyết tranh chấp, việc xác định nơi cư trú của bị đơn, tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất bị sai lệch diện tích, kích thước thửa đất thực tế so với GCN, về giao dịch trao đổi tài sản, về thời hiệu khởi kiện, về bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Đại diện một ngân hàng cho biết ngân hàng gặp nhiều khó khăn, chậm trễ trong quá trình thụ lý vụ án. Hồ sơ khởi kiện ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ theo quy định pháp luật nhưng Tòa án vẫn yêu cầu ngân hàng cung cấp giấy xác nhận địa chỉ mới nhất của bị đơn trong khi nhiều nơi chính quyền địa phương cho rằng đây không phải trách nhiệm của họ. Nhiều trường hợp khách hàng sử dụng thủ tục phá sản để kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp, né tránh nghĩa vụ trả nợ, gây khó khăn cản trở cho việc xử lý các vụ án.

Đại diện một ngân hàng khác cho rằng, thủ tục thẩm định tại chỗ yêu cầu phải mời đương sự, biên bản phải có chữ ký của đương sự nhưng thực tế nhiều trường hợp đương sự không hợp tác, không tham gia, không ký. Có tài sản là động sản như ô tô, tàu biển…, đương sự không chỉ chỗ thì không tìm được. Trong khi đó, vì lý do thủ tục thẩm định chưa hoàn thiện, Tòa án chưa đưa ra xét xử được. Hay liên quan thủ tục phá sản, Tòa án yêu cầu ngân hàng phải cung cấp Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất của bị đơn, cung cấp tài liệu về danh sách chủ nợ, khoản nợ… với những yêu cầu này ngân hàng không thể làm được…

Những lưu ý đối với ngân hàng để tránh thời gian tố tụng bị kéo dài

Tại hội thảo, đại diện một số Tòa án Nhân dân quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cũng đã phát biểu ý kiến, giải đáp một số vấn đề đang là vướng mắc của các TCTD trong thủ tục khởi kiện tại Tòa.

Ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh án Tòa án Kinh tế TP Hà Nội chia sẻ một số vấn đề liên quan tranh chấp hợp đồng tín dụng như xác định lãi suất, tư cách khởi kiện của bên mua nợ của các TCTD, thời hiệu khởi kiện, xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh là nhà đất của hộ gia đình, xử lý tài sản chung của vợ chồng, tài sản thừa kế chưa chia, tài sản thế chấp không đúng với hiện trạng ghi trong hợp đồng thế chấp, bảo lãnh ngân hàng…

Về xác định lãi suất, ông Hoàng Ngọc Thành cho rằng, hai bên có thể thỏa thuận lãi suất cố định hoặc lãi suất thay đổi. Nếu các bên thoả thuận áp dụng lãi suất cố định, thì lãi suất sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay, bất kể lãi suất thị trường có tăng lên hay giảm xuống thì cũng không điều chỉnh lãi suất. Nếu các bên thoả thuận lãi suất thay đổi thì sẽ điều chỉnh lãi suất lên, xuống dựa vào lãi suất thị trường. Trường hợp này, các ngân hàng phải xuất trình các quyết định tăng, giảm lãi làm căn cứ cho tòa án xem xét về lãi suất tính đúng hay sai.

Trong nhiều vụ án tranh chấp, bị đơn là người vay tiền của ngân hàng thường nêu ra các lý do để cho rằng hợp đồng tín dụng vô hiệu để trốn tránh việc trả lãi vay cho ngân hàng và trốn tránh việc xử lý tài sản thế chấp. Các lý do đưa ra thường là người đại diện theo pháp luật của bị đơn ký không đúng thẩm quyền, ký hợp đồng mà chưa được sự đồng ý của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên. Các ngân hàng lưu ý thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật dân sự, Luật đất đai… trước khi cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và nhận tài sản thế chấp để tránh dẫn đến hậu quả là hợp đồng vô hiệu.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế, NHNN kiến nghị, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, lãnh đạo Tòa án Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội xem xét, xử lý kịp thời, theo thẩm quyền các ý kiến của NHNN tại các văn bản đã gửi các đơn vị này. Xem xét giải quyết một số vụ việc liên quan đến các TCTD, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các TCTD, thống nhất việc áp dụng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngành Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD trong việc giải quyết các vụ việc/vụ án theo thẩm quyền. Xem xét, ghi nhận và chỉ đạo xử lý, giải quyết đối với các vướng mắc, bất cập tại các cấp toàn án trên địa bàn Hà Nội theo các vụ việc/vụ án các TCTD đề cập tại buổi Hội thảo, qua đó góp phần giúp các TCTD đẩy nhanh việc xử lý tranh chấp tại tòa, sớm thu hồi nợ vay phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đánh giá. các vướng mắc trong giải quyết án tín dụng có nguyên nhân chủ quan, khách quan. Ngân hàng cần lưu ý thẩm định tài sản thế chấp chặt chẽ; kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp để tránh những phát sinh, vướng mắc dẫn đến việc giải quyết án tín dụng còn chậm. “Qua hội thảo, đề nghị tất cả các ngân hàng tổng hợp lại các vụ án cụ thể, những vụ việc giải quyết quá chậm, phía Tòa án Hà Nội sẽ đôn đốc và giải thích rõ nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này để tránh hiểu sai về vấn đề. Tôi sẽ là người trực tiếp giải thích cho các đồng chí”, ông Nguyễn Hữu Chính khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu kết luận Hội thảo

Kết luận hội thảo, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các TCTD hội viên tập hợp những vướng  mắc, những nội dung liên quan đến các vụ việc cụ thể còn đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trên địa bàn TP Hà Nội, gửi tới Hiệp hội Ngân hàng. Sau đó, Hiệp hội sẽ tập hợp tất cả những vụ việc đang tồn đọng, vướng mắc hay còn chậm… và làm việc với Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội về những nội dung này.

“Sau cuộc họp Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị lên Thống đốc NHNN, Tòa án Nhân dân tối cao… để có hướng xử lý các vướng mắc mà TCTD đang gặp hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án TP. Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO