Thế giới trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang

ThS. Vũ Xuân Thanh| 22/06/2019 08:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau 11 vòng đàm phán không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, từ đầu tháng 5/2019, xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và có nguy cơ trở thành cuộc chiến kéo dài giữa hai quốc gia, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang lên cấp độ mới từ ngày 10/5/2019, khi Mỹ chính thức áp thuế từ mức 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do mà phía Mỹ đưa ra là Trung Quốc đã rút lại những cam kết đưa ra trước đó trên bàn đàm phán. Đồng thời, đe dọa sẽ áp thuế 25% lên lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh tiến hành các biện pháp trả đũa. 

Cũng trong ngày 10/5, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh khởi động quá trình tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 325 tỷ USD.

Bất chấp những cảnh báo của Mỹ, ngày 13/5/2019, Trung Quốc ra tuyên bố sẽ đánh thuế từ 5% đến 25% đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/6, mở đầu giai đoạn 3 của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Động thái tăng thuế lần này của Mỹ và biện pháp “ăn miếng trả miếng” của Trung Quốc phát tín hiệu cho thấy hai cường quốc kinh tế này có thể sẽ không bao giờ đạt được thỏa thuận. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Ngày 6/6, Trump tuyên bố sau Hội nghị thượng đỉnh G20 (dự kiến diễn ra ngày 28-29/6) sẽ đưa ra quyết định liên quan đến việc thực thi lời đe dọa về áp thuế quan lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Trước đó, vào đầu tháng 12/2018, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đã đồng ý về một “thỏa thuận đình chiến.” Theo đó, Hoa Kỳ đã đồng ý chưa tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc với hy vọng Washington và Bắc Kinh có thể đàm phán trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, cho đến ngày 10/5/2019 dù hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán, nhưng không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Trong một chương trình vào ngày 12/5 trên kênh truyền hình Fox News, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng, Trung Quốc cần chấp nhận những điều khoản thực thi trong thỏa thuận cuối cùng. Đồng thời cho biết, điểm nghẽn trong đàm phán là do Bắc Kinh không chấp nhận đưa vào thỏa thuận những điều chỉnh luật mà hai nước đã chấp nhận trước đó. Ông Larry Kudlow cho biết thêm, thuế quan của Mỹ sẽ được duy trì khi đàm phán tiếp diễn.

Tại vòng đàm phán diễn ra trong 2 ngày 9-10/5 tại Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc - Lưu Hạc lập luận rằng, Bắc Kinh có thể điều chỉnh chính sách thông qua các nghị định của chính phủ, thay vì điều chỉnh trực tiếp trong luật như đòi hỏi của phía Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất này không được đại diện thương mại Mỹ chấp nhận.

Ông Larry Kudlow nói rõ: Chúng tôi muốn những điều chỉnh trong thỏa thuận phải được Trung Quốc đưa vào luật, chứ không phải là chỉ bằng tuyên bố của Chính phủ. Chúng tôi muốn thứ gì đó thật rõ ràng, và cho tới khi đạt được điều đó, chúng tôi sẽ giữ nguyên thuế quan.

Một số nguồn tin cho hay, căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước cũng làm gia tăng lo ngại Trung Quốc có thể bán số lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ để trả đũa hoặc coi là một chiến thuật đàm phán chống lại Hoa Kỳ. Điều này có thể sẽ khiến USD mất giá so với những đồng tiền chủ chốt khác như Yên Nhật, Franc Thụy Sĩ.

Yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ không được phép bán các linh kiện và công nghệ cho Trung Quốc

Trước những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn chưa chịu lùi bước, ngày 15/5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Công ty Công nghệ Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách đen, yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ không được phép bán các linh kiện và công nghệ nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ. Lệnh cấm này được đánh giá là sẽ kìm hãm hoạt động của Huawei, nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp điện thoại thông minh số 2 sau Samsung Electronics.

Ngay lập tức, các tập đoàn sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã tạm ngưng bán hàng cho Huawei. Đáng chú ý, ngày 20/5, Công ty công nghệ Google của Alphabet Inc (Mỹ) quyết định tạm ngưng hợp đồng cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho Huawei. Theo đó, Huawei sẽ mất quyền truy cập vào các bản cập nhật của hệ điều hành Android. Bên cạnh đó, các dòng điện thoại mới của Huawei cũng sẽ không được truy cập các ứng dụng phổ biến, trong đó có kho phần mềm Google Play Store, Gmail, Youtube. Quyết định này của Google có thể tác động bất lợi tới hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh bên ngoài Trung Quốc của Huawei khi tập đoàn viễn thông này mất quyền tiếp cận và các cập nhật điều hành Android của Google. Sau khi ngừng bán MateBook Xpro và những sản phẩm khác của Huawei trên mạng website, Microsoft đã loại tập đoàn này ra khỏi danh sách đơn vị cung cấp máy chủ và thiết bị cho dịch vụ đám mây Azure Stack. Bên ngoài nước Mỹ, các nhà mạng tại một số thị trường cũng bắt đầu rục rịch lên kế hoạch ngừng bán điện thoại Huawei vì không còn được hỗ trợ ứng dụng Google.

Quyết định ngừng cung cấp phiên bản Android mới của Google cho Huawei được xem là khởi đầu cho một cuộc chiến công nghệ kéo dài, có thể buộc các nước châu Phi phải lựa chọn giữa công nghệ Mỹ và Trung Quốc. Hầu hết người châu Phi kết nối với internet ngày nay sử dụng điện thoại thông minh Trung Quốc, hoạt động trên hạ tầng mạng do Trung Quốc sản xuất và một nửa là do Huawei chế tạo.

Để giảm thiệt hại cho khách hàng và hiệu ứng lan tỏa trên toàn ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, ngày 21/5, các quan chức chính phủ Mỹ đã ra quyết định tạm hoãn các lệnh cấm đối với Huawei trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc bổ sung thêm 5 hãng công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm Megvii, Công ty Công nghệ Chiết Giang Dahua, Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision, Meiya Pico và Iflytek (theo New York Times). Đứng đầu danh sách là Hikvision - công ty công nghệ sản xuất thiết bị giám sát lớn nhất thế giới.

Vụ việc này làm dấy lên một mối lo ngại, thế giới đang đứng trên bờ vực của một chiến tranh lạnh kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kịch bản cực đoan là, điều này có thể khiến mảng sản xuất thiết bị mạng của các công ty công nghệ Trung Quốc bị tê liệt và kìm hãm đà phát triển của Trung Quốc trong nhiều năm.

Các biện pháp đối phó của Trung Quốc

Các lệnh cấm của Mỹ sẽ châm ngòi cho loạt biện pháp trả đũa của Trung Quốc nhằm bảo vệ các công ty công nghệ trong nước, như kêu gọi người dân tẩy chay sản phẩm Mỹ, tăng cường kiểm duyệt và gây khó khăn cho các công ty Mỹ. Trong số này, Apple được đánh giá là mục tiêu khả dĩ nhất cho đòn phản công của Trung Quốc, do sản phẩm của Apple được bán trực tiếp trên thị trường Trung Quốc. Trên phương tiện truyền thông xã hội, một số người dân Trung Quốc nói rằng họ đang tìm mua các sản phẩm của Huawei thay vì Apple. Trong quý I/2019, Trung Quốc chiếm khoảng 17% doanh thu thuần của Apple, giảm mạnh so với trước đây, và sẽ tiếp tục giảm do căng thẳng chính trị Mỹ - Trung.

Cùng với động thái đánh thuế để đáp trả, Trung Quốc còn có thể khôi phục rào cản đặc biệt nhằm vào một số sản phẩm cụ thể. Đó là những mặt hàng xuất khẩu của các tiểu bang ủng hộ Tổng thống Donald Trump, như ngừng nhập đậu tương Mỹ, buộc ô tô và xe thể thao Mỹ chịu thuế suất cao nhất 25% - những biện pháp mà Trung Quốc đã từng thực hiện cho đến khi đàm phán đem lại kết quả lạc quan hơn. Tuy nhiên, thuế quan trả đũa không đủ sức khiến Mỹ chấp nhận “xuống thang”. Một số doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp khó khăn, nhưng tác động đến toàn bộ nền kinh tế lớn nhất thế giới khá hạn chế. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu sang nước ngoài, trong đó có thị trường Mỹ.

Một phương án thuế quan nữa là đánh thuế số hàng hóa Mỹ chưa bị đáp trả, bao gồm cả sản phẩm bán dẫn và máy bay Boeing. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cần thiết bị bán dẫn - mặt hàng rất ít nguồn thay thế, còn nếu bỏ Boeing họ chỉ có thể tìm đến Airbus, từ đó phải đối mặt với nguy cơ bị tăng giá.

Biện pháp tiếp theo là, huy động người tiêu dùng trả đũa như từng sử dụng trong thời kỳ xảy ra xung đột ngoại giao với Hàn Quốc hay Nhật Bản, chính quyền Bắc Kinh có thể khuyến khích người tiêu dùng trong nước tẩy chay hàng Mỹ. Tuy nhiên, khả năng đạt thỏa thuận thương mại bị đe dọa nếu phong trào tẩy chay biến thành làn sóng biểu tình, và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mất đi lựa chọn khi mua hàng. Ngoài ra, các lao động đang làm việc cho các công ty Mỹ (như iPhone, xe hơi) cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Một lựa chọn khác là Trung Quốc có thể thông qua hải quan hoặc cơ chế kiểm tra phức tạp trì hoãn nhập khẩu từ Mỹ. Đây là lựa chọn cứng rắn, nhưng kèm theo hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Ở cấp độ cao hơn, Trung Quốc có thể trì hoãn các chuỗi cung ứng toàn cầu, do các doanh nghiệp Mỹ cần rất nhiều linh kiện và phụ kiện do các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp để tạo ra thành phẩm. Trong trường hợp này, chính quyền Bắc Kinh đạt mục đích phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cái giá phải trả là danh tiếng nhà cung cấp đáng tin cậy bị tổn hại vĩnh viễn, vị thế công xưởng thế giới trong mắt công ty nước ngoài cũng sẽ lung lay.

Cuối cùng là “tuyệt chiêu” giảm giá nhân dân tệ (CNY), giúp xuất khẩu của Trung Quốc ít đắt đỏ hơn và bù đắp phần nào chi phí thuế quan. Tuy nhiên, rủi ro kèm theo là, dầu thô và các mặt hàng nhập khẩu tăng giá, thúc đẩy lạm phát, kích động làn sóng chuyển tiền ra nước ngoài, gây bất ổn cho thị trường tài chính trong nước.

Mặc dù các quỹ đầu tư chủ chốt của Trung Quốc đã tăng cường mua cổ phiếu để chặn đà suy giảm trên thị trường chứng khoán, nhưng CNY đã mất giá khá sâu. Ngày 23/5/2019, CNY giảm xuống 6,9155 CNY/USD - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2018. Xu hướng mất giá của CNY đang khiến thị trường lo ngại, mốc tỷ giá 7 CNY/USD là ngưỡng kháng cự quá mong manh.

Theo tính toán được công bố bởi các chiến lược gia của Bank of America vào ngày 17/5, nếu chính quyền Trump quyết định áp dụng mức thuế 25% mới đối với trên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại, CNY sẽ cần mất giá về khoảng 8,12 CNY/USD để bù đắp. Tuy nhiên, CNY có thể sẽ chỉ mất giá từ từ, do cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng công bố tỷ giá tham chiếu hàng ngày sẽ góp phần chặn đà lao dốc của CNY so với những đồng tiền khác và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chỉ cần đến một lượng nhỏ dự trữ ngoại hối.

Cùng với các biện pháp trả đũa, chính phủ Trung Quốc vẫn còn năng lực để hỗ trợ tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế trong nước. Trong đó, vũ khí phòng thủ chính của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ được cho là sẽ đến từ Bộ Tài chính chứ không phải từ Ngân hàng Trung ương (PBOC). Nếu như thuế quan bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019, Trung Quốc còn dnhiều công cụ tài khóa để tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế trước khi PBOC phải cắt giảm lãi suất.

Dữ liệu ngân sách cho thấy, chính quyền trung ương và địa phương có ít nhất 25,1 nghìn tỷ CNY (3,65 nghìn tỷ USD) chưa dùng đến trong ngân sách 2019, tăng 2.000 tỷ CNY so với cùng kỳ năm trước. Cho tới nay, trên 2/3 tổng ngân sách tăng thêm vẫn chưa được sử dụng. Tuy nhiên, tăng chi tiêu công không phải là cách đối phó duy nhất của Trung Quốc nếu như chiến tranh thương mại toàn diện bùng nổ và ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc cũng có thể hỗ trợ tăng trưởng bằng cách tăng cường bán nợ thông qua các công cụ tài trợ và các ngân hàng chính sách, mặc dù điều đó đi ngược lại mục tiêu giảm nợ mà nước này đang theo đuổi.

Tuy nhiên, tăng chi tiêu ngân sách cũng dẫn đến rủi ro rất lớn, khi nợ nần tiếp tục gia tăng. Theo tính toán của Bloomberg, các công ty Trung Quốc đã vỡ nợ 39,2 tỷ CNY (5,8 tỷ USD) trái phiếu trong 4 tháng đầu năm, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2018, và tăng 3 lần so với năm 2016. Xu hướng này đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn và trừ khi có thay đổi gì đó, nếu không một mức vỡ nợ kỷ lục mới sẽ diễn ra trên thị trường trái phiếu trị giá 13 nghìn tỷ USD của quốc gia này ngay trong năm 2019.

Tác động đến tình hình kinh tế toàn cầu

Trong suốt quá trình tranh chấp thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa có tổng giá trị 250 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với hành hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD. Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn không chỉ gây thiệt hại cho hai nước, mà còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất do hãng tin Reuters thực hiện, đa số các nhà kinh tế cho rằng, nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ trong hai năm tới là 40%, tăng so với con số 35% trong cuộc khảo sát trước đó, do những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo dự báo trung bình của 120 nhà kinh tế tham gia khảo sát, đà tăng GDP tại Mỹ được cho là đã giảm đáng kể, khi nhịp độ tăng trưởng giảm từ mức tăng 3,2% trong quý I xuống 2% trong quý II/2019.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng, Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Vòng xoáy nợ nần gần 300% GDP của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao, do chính phủ nước này phải mở rộng chi tiêu tài khóa.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang có mức tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động vững mạnh và Phố Wall ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc.

Ngày 15/5, Bloomberg dẫn nhận định của Morgan Stanley cho rằng, một sự leo thang toàn diện với việc hai nước áp mức thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa của nhau sẽ đẩy tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống dưới mức thấp hơn của mục tiêu tăng 6,0-6,5% trong năm nay và xuống mức tăng 5,5% vào năm tới.

Theo dữ liệu do Bloomberg công bố vào ngày 16/5, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã mất đà vào tháng 4, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump chưa áp mức thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Do cuộc chiến tranh thương mại không có dấu hiệu hạ nhiệt, các thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế cũng chìm trong lo ngại. Tuy nhiên, khác xa so với những lo ngại về khả năng các nước sẽ sử dụng đồng nội tệ để bảo vệ nền kinh tế và thổi bùng lên chiến tranh tiền tệ, nhiều quốc gia đang cố gắng ổn định nội tệ và ngăn chặn dòng vốn tháo chạy thay vì đua nhau phá giá để tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu. Trong số này, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia đã thực hiện những bước đi cần thiết để hỗ trợ đồng nội tệ vì dự báo dòng vốn sẽ tháo chạy vì đồng tiền của họ giảm giá mạnh.

Trong khi đó, căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng thôi thúc các nhà đầu tư tìm đến USD và khiến đồng tiền này tăng giá. Vào thời điểm hiện tại, tâm điểm chú ý của thị trường là Trung Quốc và cách thức đối phó của PBOC với một CNY đang yếu đi. Trên thị trường quyền chọn, nhà đầu tư đang đặt cược có khoảng 35% khả năng CNY sẽ phá đáy 7 CNY/USD vào cuối năm nay, tăng cao từ xác suất 15% vào thời điểm cuối tháng 3, đây là ngưỡng chưa từng có kể từ khủng hoảng tài chính đến nay. Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ dâng cao và tiền tệ của các thị trường mới nổi cũng sẽ bị kéo vào vòng xoáy giảm giá. Tính từ đầu tháng 5/2019 đến nay, hầu hết các đồng tiền mới nổi đều đã giảm giá mạnh so với USD. Trong đó, CNY giảm sâu nhất với mức suy giảm 2,6% so với USD tại Trung Quốc, và 2,8% trên thị trường quốc tế. Trong tuần lễ 20-24/5/2019, đồng Won của Hàn Quốc trong cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, đồng Rupiah của Indonesia thiết lập đáy mới trong năm 2019.

Tác động đến Việt Nam

Do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đang dịch chuyển sang nước khác, tập trung vào các nước châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những đích ngắm của doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, tác động tích cực nhất là việc hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ tăng cao hơn, nhất là trong những lĩnh vực thay thế hàng Trung Quốc chịu thuế cao hơn như điện tử, nội thất, túi xách, thủy sản. Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng tới 29,3% so với cùng kỳ. Về trung hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI chuyển dịch khỏi Trung Quốc, do có nguồn lao động với chi phí thấp, cũng như môi trường kinh doanh đang được cải thiện.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 5,8% so với cùng kỳ, trong đó điện thoại di động giảm 62,3% và thủy sản giảm 31,5%. Ngoài ra, nếu Trung Quốc không xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thì họ sẽ giảm giá và xuất khẩu sang những thị trường khác, mà Việt Nam là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 18,8%.

Bên cạnh những thuận lợi, thách thức của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam cũng không ít, do các cơ quan quản lý tại Việt Nam còn lúng túng trước những thay đổi bên ngoài, trong khi môi trường pháp lý chậm thay đổi, còn nhiều rào cản liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương hiệu quả chưa cao.

Một rủi ro lớn là vấn đề hàng chuyển tải, tức là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh mức thuế cao hơn. Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra, thì các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam sẽ bị trừng phạt, và không chỉ doanh nghiệp mà cả nhóm sản phẩm. Một thực tế cần lưu ý là, Việt Nam đang nằm trong top 5 nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, mặc dù chính phủ Mỹ vẫn muốn dành nhiều ưu đãi cho Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm lên đến 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2018, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ. Trong số này, vốn FDI từ Trung Quốc đạt trên 7 tỷ USD. Cụ thể là, các nhà đầu tư đến từ lãnh thổ Hồng Kông đầu tư hơn 5,08 tỷ USD, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục đầu tư hơn 2,02 tỷ USD, các nhà đầu tư thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan đầu tư hơn 570 triệu USD.

Trong nhóm 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, Hàn Quốc và Singapore đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với số vốn lần lượt là 2,6 tỷ USD và 2,08 tỷ USD; nhà đầu tư Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với số vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD.

Như vậy, sau một thời gian dài chỉ đứng thứ ba hoặc thứ 4 tại Việt Nam, vốn đầu tư của các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã vượt qua các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore ở Việt Nam. Đây cũng là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc suốt thời gian từ năm 2018 đến nay.

Trong cơ cấu vốn đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Hồng Kông dành 3/4 lượng vốn để đầu tư mua bán cổ phần, mua lại các doanh nghiệp, số vốn đầu tư mới và tăng thêm vào các dự án cũ của nhà đầu tư này chỉ chiếm chưa đầy 1/4. Điều này cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn chủ yếu đầu tư vào Việt Nam theo dạng thụ động như hợp tác góp vốn lấy lợi nhuận, mua bán doanh nghiệp cũ, doanh nghiệp lên sàn để chờ đợi thời cơ. Nhìn chung, lượng vốn cấp mới, tăng thêm của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu vào các dự án may mặc, thiết bị điện, bất động sản và xây dựng, chế biến chế tạo có công nghệ thấp.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang, từ năm 2018 đến nay, các chuyên gia trong và ngoài nước kỳ vọng Việt Nam sẽ là điểm đến của doanh nghiệp đang làm ăn tại Trung Quốc chuyển vốn sang đầu tư, né rủi ro. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn nào hiện thực hóa điều này. Trong thông tin mới nhất, hãng sản xuất iPhone lớn nhất thế giới đang có kế hoạch chuyển từ Trung Quốc sang Indonesia chứ không sang Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, dòng vốn Trung Quốc vẫn đi vào những địa chỉ quen thuộc như dệt may, da giày, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, tiềm ẩn nguy cơ tiềm tàng về ô nhiễm môi trường, do cách thức quản lý của Việt Nam còn lỏng lẻo.

Về cơ cấu, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lại chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp. Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp sang Việt Nam. Mặt khác, do không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ giảm. Những thay đổi này sẽ khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên

(Nguồn: Bloomberg, CNBC, Financial Times, IMF, New York Times, Reuters)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO