Tin hội viên

Thẻ phi vật lý - Gia tăng tiện ích, đa dạng trải nghiệm số

Trang Nguyễn 13/05/2024 - 09:50

Bắt kịp những xu hướng công nghệ mới nhất trong thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bổ sung nhiều quy định về thẻ phi vật lý trong Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Cùng với đó, Công ty Cố phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã sẵn sàng nền tảng công nghệ để cung cấp các giải pháp thanh toán cho xu hướng này.

Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, tính đến cuối năm 2023, thế giới có khoảng 5,18 tỷ người sử dụng internet (chiếm gần 65% dân số) với gần 29 tỷ thiết bị kết nối. Việt Nam cũng đang hòa mình vào xu hướng chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số với hơn 77,93 triệu người sử dụng internet (chiếm hơn 79% dân số), xếp thứ 12 trên thế giới về tỷ lệ người sử dụng internet. Chính phủ xác định một trong những trụ cột quan trọng của công cuộc chuyển đổi số chính là thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

man-hinh-thanh-toan-01.jpg

Đảm bảo hạ tầng thanh toán quốc gia an toàn, ổn định, thông suốt

Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2023, khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản ngân hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán đánh giá, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2025 (Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) có thể về đích trước hạn.

Cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh, thanh toán di động đang ngày càng được nhiều người dân ưa chuộng sử dụng và sẽ trở thành xu hướng thanh toán trong tương lai. Theo số liệu từ NHNN, trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị. Thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của NHNN, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã cùng với các đối tác tại Thái Lan, Campuchia hoàn thành kết nối liên thông thanh toán bán lẻ sử dụng QR code giữa Việt Nam và các quốc gia này. NAPAS cũng đang tiếp tục nghiên cứu triển khai thí điểm kết nối thanh toán bán lẻ song phương giữa Việt Nam và Lào; tiến tới mở rộng triển khai dịch vụ tại nhiều các quốc gia trong khu vực châu Á nhằm gia tăng sự tiện lợi góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán điện tử của người dân các nước trong các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, du lịch,…

“Trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh, Ngân hàng Nhà nước luôn chú trọng tới hạ tầng chuyển đổi số. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng vận hành liên tục, thông suốt với giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày khoảng 830 ngàn tỷ đồng. Hệ thống chuyển mạch bù trừ tài chính vận hành 24/7, không gián đoạn; số lượng giao dịch bình quân đạt 20-21 triệu giao dịch. Hệ thống ATM/POS thường xuyên được bổ sung, nâng cấp”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thông tin.

Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc NAPAS - đơn vị được giao xây dựng và vận hành hạ tầng chuyển mạch và bù trừ cho hệ thống thanh toán bán lẻ quốc gia, cho biết: “Với tốc độ tăng trưởng nhanh của các giao dịch thanh toán điện tử như hiện nay (khoảng 20%/năm) thì nhiệm vụ quan trọng của NAPAS chính là đảm bảo hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia được an toàn, ổn định và thông suốt. Song song với đó là đưa chi phí xử lý giao dịch thấp nhất có thể, qua đó cung cấp nền tảng thanh toán, góp phần phổ cập tài chính toàn diện”.

Đối với vấn đề an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết thêm, đơn vị đang tích cực phối hợp các ngân hàng và cơ quan quản lý bổ sung một số giải pháp nhằm giám sát, phát hiện sớm tài khoản có dấu hiệu gian lận, giả mạo để hạn chế rủi ro cho khách hàng khi thực hiện giao dịch.

Mở ra xu hướng thẻ phi vật lý

Đề cập tới sự phát triển của thị trường thẻ, ông Phạm Anh Tuấn cho biết đến hết tháng 2/2024, tổng số lượng thẻ ngân hàng lưu hành là hơn 149,8 triệu thẻ. Trong đó, có 106,4 triệu thẻ nội địa và hơn 43 triệu thẻ quốc tế. Giao dịch qua thẻ tăng mạnh về số lượng và giá trị. Đến hết tháng 2/2024, giao dịch thẻ trên toàn hệ thống đạt thêm 373.000 món, tương đương 771.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023.

“Từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát quy trình nội bộ về phát hành thẻ ngân hàng. Rà soát phương pháp tính lãi với từng loại thẻ phát hành; quy trình xử lý tra soát, khiếu nại khi phát sinh tranh chấp. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc nhở các ngân hàng đẩy mạnh truyền thông; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng trong sử dụng thẻ. Trong hướng dẫn sử dụng thẻ, ngân hàng khuyến cáo khách hàng bảo quản thông tin thẻ, không để lộ các thông tin thẻ của mình cho người khác biết, cẩn thận trong việc mua sắm trên mạng, không nên mua sắm hàng hóa và không cung cấp thông tin thẻ để thực hiện thanh toán trên các trang web hay tại các đơn vị chấp nhận thẻ không tin cậy”, lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán nhấn mạnh, từ ngày 1/7/2024, Thông tư mới quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có hiệu lực sẽ giúp các hoạt động phát hành thẻ quy củ hơn, tạo hành lang pháp lý cho thị trường thẻ phát triển, bắt kịp các xu hướng công nghệ mới nhất, đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Trong đó, Dự thảo Thông tư sửa đổi định nghĩa về thẻ vật lý và thẻ phi vật lý đảm bảo phù hợp với thực tế phạm vi sử dụng của thẻ phi vật lý. Hiện nay, thẻ phi vật lý có thể được sử dụng giao dịch tại máy giao dịch tự động và thiết bị chấp nhận thẻ tương tự như thẻ vật lý. Khách hàng có thể thực thiện thanh toán tại máy giao dịch tự động, thiết bị chấp nhận thẻ mà không cần xuất trình thẻ như giao dịch qua Apple Pay, Google Wallet, QR Code,...

z5384621703205_1b0e93dee3af8256ef46b6233f667cce.jpg
Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng giám đốc NAPAS

Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết NAPAS cũng đang tích cực xây dựng hạ tầng số hoá để có thể số hoá thẻ trên nền tảng thiết bị di động và các website/ ứng dụng thương mại điện tử. Thẻ thanh toán sẽ được phát hành gần như ngay lập tức dưới hình thức điện tử, lưu trên ứng dụng của ngân hàng (mobile banking) hoặc ứng dụng có sẵn trên các nền tảng điện thoại thông minh và sử dụng thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ (POS). Dịch vụ này (Tap to pay) dự kiến sẽ sớm được NAPAS ra mắt trong thời gian tới.

Ngoài ra, kể từ năm 2023, NAPAS cũng đã triển khai ra thị trường giải pháp số hoá điểm chấp nhận thanh toán thẻ (Tap to phone), cho phép biến chiếc điện thoại di động trở thành máy POS. Hiện nay, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng (MB, VIB, Nam Á Bank) và đang triển khai với nhiều ngân hàng khác để cung cấp dịch vụ, qua đó giúp mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ đến các đơn vị kinh doanh có quy mô nhỏ.

“Bên cạnh đó, NAPAS đang phối hợp triển khai hạ tầng thanh toán, cho phép người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ thanh toán hiện nay gồm thẻ, tài khoản, VietQR để thanh toán các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng và quản lý. Đến nay, NAPAS đã triển khai thí điểm 1 số dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến phí/ lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân”, ông Nguyên cho biết.

Với việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nói trên cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, trong đó không chỉ bao gồm các dịch vụ ngân hàng được số hoá mà còn tích hợp cả hệ sinh thái số bao gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba như sàn thương mại điện tử, đơn vị cung ứng dịch vụ công…để đem lại trải nghiệm liền mạch cho người dùng, đồng thời cung cấp dịch vụ ngân hàng tới người dân với chi phí tối ưu nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẻ phi vật lý - Gia tăng tiện ích, đa dạng trải nghiệm số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO