Doanh nghiệp

Thêm dư địa giành thị phần, vì sao Petrolimex, PVOIL đặt kế hoạch lợi nhuận 2024 "đi lùi"?

Đinh Thơm 10/04/2024 - 11:30

Việc đặt kế hoạch kinh doanh thấp vào đầu năm, sau đó thực hiện vượt chỉ tiêu đã không còn quá xa lạ với Petrolimex, PVOIL... Năm nay, hai "ông lớn" bán lẻ xăng dầu tiếp tục "bổn cũ soạn lại" với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận "đi lùi" so với năm 2023.

plx.png

Đặt kế hoạch doanh thu giảm hai chữ số

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) đề ra mục tiêu doanh thu 188.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.900 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 26% so với năm 2023.

Lý giải về việc đặt kế hoạch kinh doanh "đi lùi", ban lãnh đạo Petrolimex nhận định, kinh tế thế giới năm 2024 dần hồi phục sau đại dịch COVID-19 nhưng dự báo còn nhiều bấp bênh, đối mặt với nhiều thách thức như tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị kìm hãm bởi ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang Nga - Ukraine chưa có hồi kết, tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, lạm phát ở mức cao.

Bên cạnh đó, còn chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến nguy cơ suy thoái toàn cầu, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng lớn và tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến người dân.

plx.png

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Petrolimex đặt kế hoạch kinh doanh dè dặt vào đầu năm. Lần gần đây nhất, năm 2023, nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam đặt kế hoạch tổng doanh thu 190.000 tỷ đồng, giảm 37,5% so với năm 2022 và lợi nhuận trước thuế 3.228 tỷ đồng, tăng 42,2% so với năm 2022.

Tuy nhiên, kết lại năm 2023, doanh thu hợp nhất của công ty vượt 44% kế hoạch, đạt gần 274.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế cũng vượt 22% kế hoạch, đạt 3.947 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, HĐQT Petrolimex dự kiến trình ĐHĐCĐ 2024 phê duyệt phương án trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận năm 2023 thay vì 10% như kế hoạch ban đầu.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ tới đây, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã OIL) dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với chỉ tiêu doanh thu là 83.000 tỷ, lãi sau thuế 592 tỷ; giảm lần lượt 20% và 5% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu năm 2024 được tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng.

oil.png

Theo ban lãnh đạo PVOIL kế hoạch trên đặt ra trong bối cảnh có cả những thuận lợi và khó khăn. Về mặt thuận lợi, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, tăng cường công tác giám sát, quản lý thị trường. Thị trường kinh doanh xăng dầu được kỳ vọng sẽ ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn.

Mặt khác, nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu trong nước giảm đáng kể do nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến dừng bảo dưỡng từ tháng 3 trong khoảng 50 ngày. Đồng thời, xu hướng chuyển dịch năng lượng và sự phát triển của ô tô điện tiếp tục diễn ra ngày càng mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó có PVOIL.

Dù có những khó khăn nhưng kế hoạch này vẫn được xem là khá thận trọng đối với PVOIL, nhất là khi tại hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2024 vừa diễn ra, lãnh đạo công ty cho biết sản lượng kinh doanh xăng dầu quý đầu năm đã đạt gần 1,4 triệu m3/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ; doanh thu hợp nhất đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 300 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Trước đó, năm 2023, PVOIL cũng đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất chỉ 50.000 tỷ đồng, giảm 52% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng, giảm 34%. Nhưng kết quả, năm 2023, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này vẫn đạt doanh thu 102.663 tỷ đồng và lãi sau thuế 621 tỷ, dù giảm so với mức kỷ lục năm 2022 nhưng vẫn vượt kế hoạch lần lượt 105% và 29%.

Còn dư địa giành thị phần và hưởng lợi từ yêu cầu xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Có thể thấy, cả Petrolimex và PVOIL đều có một lý do để thận trọng trong đặt các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 nhưng nhìn chung trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi và giá xăng dầu không có quá nhiều biến động từ đầu năm đến nay, những tác động có thể làm giảm kết quả kinh doanh của các "ông lớn" bán lẻ xăng dầu này là không nhiều.

Ngược lại, trong một báo cáo gần đây, SSI Research cho rằng, Petrolimex vẫn có cơ hội giành thêm thị phần, nhờ việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà phân phối xăng dầu. Đặc biệt là khi Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil là những nhà phân phối xăng dầu lớn với tổng doanh thu khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 đã bị thu hồi giấy phép và dừng việc thông quan xăng dầu do không đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối xăng dầu và có các vi phạm liên quan đến nợ thuế, hay sử dụng sai quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ngoài ra, Petrolimex cũng có thể được hưởng lợi từ việc Chính phủ yêu cầu các đại lý bán lẻ phát hành hóa đơn điện tử cho từng giao dịch nhằm tăng cường tính minh bạch trong ngành xăng dầu Việt Nam.

Theo ước tính mới chỉ có khoảng 36% trong số 17.000 đơn vị bán lẻ trong nước phát hành hóa đơn điện tử vào đầu tháng 2. Các cửa hàng xăng dầu không phát hành hóa đơn điện tử có thể đối mặt với nguy cơ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Trong khi đó, Petrolimex là đơn vị tiên phong phát hành hóa đơn điện tử và đã triển khai hệ thống này tại 2.700 điểm bán lẻ của doanh nghiệp từ giữa năm 2023. Do đó, quy định mới có thể giúp Petrolimex giành được thị phần trong thời gian tới.

Tương tự, theo ban lãnh đạo PVOIL cùng với việc mở mới thêm 33 cửa hàng xăng dầu để nâng tổng số điểm bán toàn hệ thống lên 789 cửa hàng trong quý đầu năm, thì đến nay 100% cửa hàng xăng dầu trực thuộc của PVOIL đã thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; đảm bảo tiến độ hoàn thành trước ngày 31/3/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm dư địa giành thị phần, vì sao Petrolimex, PVOIL đặt kế hoạch lợi nhuận 2024 "đi lùi"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO