Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu vẫn phải chịu đựng sự "tra tấn" tâm lý lớn khi VN-Index chưa xác nhận được đáy ngắn hạn. Chỉ số quay đầu giảm gần 15 điểm và đang dần áp sát mốc 1.100 điểm.
Định vị thị trường
Dù đều trong một đợt giảm trên quy mô toàn cầu, chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn có những phiên giao dịch chệch khỏi xu hướng chung. Phiên hôm nay, một loạt thị trường châu Á đã tăng điểm trở lại như NIKKEI 225 (+1,8%), Hang Seng (+0,1%), IDX (+0,1%) nhưng VN-Index lại không thể tăng điểm theo. Chỉ số quay đầu giảm và đang ngày một áp sát mốc 1.100 điểm.
Chất xúc tác
Lãi suất liên ngân hàng đã tiếp tục tăng thêm 22 điểm cơ bản lên 1,36% ở kỳ hạn qua đêm. Các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 3 tháng cũng đều tăng trên 20 điểm cơ bản.
Ở phiên hôm qua, đã có 10.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 1,30%. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 10.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 120.700 tỷ đồng.
Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố sáng nay cũng đã chững lại chủ yếu nhờ chỉ số DXY hạ nhiệt. Tỷ giá đã giảm 1 đồng so với ngày hôm qua, đạt 24.084 VND/USD.
Dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài cũng không hoàn toàn hành động theo những diễn biến tỷ giá gần đây. Phiên hôm nay, khối này bán ròng 733 tỷ đồng trên HOSE theo cơ cấu hướng đến các Bluechips như VNM (-45 tỷ đồng), CTG (-40 tỷ đồng), VIC (-34,7 tỷ đồng), SSI (-26 tỷ đồng). Đây là dấu hiệu cho thấy có sự rút ra của các quỹ ETFs đầu tư theo chỉ số.
Vận động thị trường
Cũng theo theo số liệu NHNN, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tương ứng hơn 120 nghìn tỷ đồng được ngành Ngân hàng bơm ra nền kinh tế chỉ trong tuần cuối tháng 9.
Với thông tin đột biến này của tín dụng, lẽ ra, các mã cổ phiếu ngân hàng đã phải phản ứng nhạy và khẩn trương nhưng các mã BID (-2,1%), VCB (-2,1%), OCB (-2,3%), CTG (-2,8%) lại cùng nhau giảm khá mạnh. Các mã tăng trong ngành gần như không có thành tích đáng kể khi đóng cửa.
Còn rổ VN30 cũng gần như bị bao phủ trong sắc đỏ với 27/30 mã giảm. Các cổ phiếu PLX (-5,1%), MWG (-4,5%), POW (-3,1%) rơi khá mạnh trong khi VIC (-1,1%), VHM (-0,1%) đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Được biết, hiện đã có một số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 trong đó POW đã báo lỗ 47 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm Khu công nghiệp lại thoát được diễn biến này nhờ một ông lớn là VGC báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế toàn Tổng công ty lãi 565 tỷ đồng trong quý III/2023, đạt 124% kế hoạch quý. Các mã TIP (+6,9%), SZC (+2,3%), LHG (+2,2%), DPR (+2,2%) đã có kết quả giao dịch tốt hơn mặt bằng chung.
Các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản phải chịu áp lực nhiều nhất. Nhóm chứng khoán dù vẫn còn nguyên kỳ vọng KRX và kết quả quý III/2023 tích cực nhưng dòng tiền vẫn bán ra khiến cho VIX, ORS, VCI, CTS, AGR, VND giảm từ 4-6%.
Còn nhóm bất động sản đóng cửa với một loạt cổ phiếu giảm trên 5% như NVL, VPH, DXG, DIG, PTL, NBB trong đó NBB, PTL, DIG, DXG chốt phiên tại giá sàn.
Độ rộng của HOSE có 70% mã giảm giá. Chỉ số VN-Index vẫn chưa thể xác nhận đáy khi còn giảm 14,78 điểm xuống 1.113,89 điểm (-1,31%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 13.035 tỷ đồng với tỷ trọng tiền nội chiếm hơn 94%.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều giảm điểm, lần lượt 0,95% và 0,78%. Tổng giá trị giao dịch hơn 2.200 tỷ đồng.