Nhìn ra thế giới

Thị trường dầu thế giới chứng kiến diễn biến bước ngoặt “chữ thập”

Đăng Tuấn 27/12/2023 09:25

Mô hình “chữ thập” của giá dầu đã xảy ra trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, đó là khi mức giá dầu tương lai trung bình 50 ngày rơi xuống dưới ngưỡng trung bình của 200 ngày giao dịch.

daunikkei.jpg

Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba lên ngưỡng cao nhất tính từ đầu tháng 12/2023.

Đóng cửa phiên giao dịch trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 2 USD/thùng, tương đương 2,5% lên 81,07 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giá dầu đã có lúc tăng đến 3,4%.

Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 2,01 USD/thùng, tương đương 2,7% lên 75,57 USD/thùng.

Trong tuần qua, giá dầu đã chứng kiến một số phiên tăng do những diễn biến căng thẳng mới tại khu vực Trung Đông.

Chuyên gia nghiên cứu tại quỹ Again Capital LLC, ông John Kilduff, nhận xét: “Hiện tại đang có quá nhiều căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông, chính vì vậy người ta không khỏi lo ngại về tình hình vận chuyển dầu và một số loại hàng hóa khác”.

Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng quân sự tại Biển Đỏ khiến cho nhiều người lo sợ về rủi ro gián đoạn hoạt động vận tải, đồng thời nhiều người hy vọng vào khả năng các đợt hạ lãi suất sẽ giúp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng nhu cầu nhiên liệu.

Tuy nhiên, dù nhiều thành viên thị trường năng lượng có những lo ngại, trên thực tế, hoạt động vận chuyển dầu chưa chịu ảnh hưởng.

Hãng vận tải hàng đầu thế giới Maersk mới đây đã công bố nối lại các tuyến vận tải đi qua khu vực Biển Đỏ, cùng lúc đó hãng tàu CMA CGM của Pháp hiện đang tăng thêm các tàu vận chuyển qua khu vực kênh đào Suez, nỗi lo về khả năng hoạt động vận tải dầu cũng như nhiều loại hàng hóa khác giảm bớt.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp vận tải toàn cầu đã ngừng các tuyến tàu đi qua khu vực Biển Đỏ đồng thời áp chi phí cao hơn với việc điều hướng vận chuyển. Kênh đào Suez kết nối với khu vực Biển Đỏ, tuyến đường biển này xử lý khoảng 12% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên toàn cầu.

Giá dầu được hỗ trợ bởi những kỳ vọng vào khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất trong năm sau. Lãi suất thấp làm giảm chi phí vay tiền của người tiêu dùng, nhờ vậy hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.

Chỉ số đồng USD hạ trong phiên ngày thứ Ba và dao động quanh ngưỡng 101,42 điểm. Đồng USD hạ giá không khỏi khiến cho các tài sản được định giá bằng đồng USD tăng lên về giá trị.

Kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trên thị trường năng lượng về khả năng FED hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 3/2024 hiện đã lên đến 86% so với mức chỉ 21% vào đầu tháng 11/2023.

Các đồ thị giá dầu giao dịch ở thời điểm tương lai mới đây đã phát đi thông điệp bi quan. Diễn biến giá dầu trong phiên gần nhất đã chứng kiến thay đổi chưa từng thấy tính từ khoảng thời gian nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Mô hình “chữ thập” của giá dầu đã xảy ra trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, đó là khi mức giá dầu tương lai trung bình 50 ngày rơi xuống dưới ngưỡng trung bình của 200 ngày giao dịch.

Ngưỡng trung bình giá dầu 50 ngày được coi như chỉ báo theo dõi ngắn hạn, còn ngưỡng 200 ngày được coi như phân định giữa xu thế tăng và giảm trong dài hạn. Chính vì vậy, khi diễn biến giá xác lập mô hình “chữ thập”, nó đồng nghĩa với việc những yếu tố kéo giá dầu sụt giảm trong ngắn hạn đang chuyển thành dài hạn.

Diễn biến giá dầu ghi nhận mô hình “chữ thập” khi mà giá dầu thô tăng 3,1% trong ngày thứ Ba tuy nhiên đã giảm đến 16,1% trong vòng ba tháng gần nhất.

Lần gần nhất giá dầu trung bình 50 ngày rơi xuống dưới ngưỡng trung bình của 200 ngày là vào ngày 7/9/2022 khi mà giá dầu thô đóng cửa ở mức 81,94 USD/thùng. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, giá tăng được 12% và lên mức 91,79 USD/thùng vào ngày 7/11/2022.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường dầu thế giới chứng kiến diễn biến bước ngoặt “chữ thập”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO