Chứng khoán

Thị trường kỳ vọng sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm của Tổng thống Mỹ

Quỳnh Dương 11/09/2023 10:19

Có một thống kê khá thú vị là trong những lần Tổng thống Mỹ sang Việt Nam trước đây thì thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tích cực. Điều này là do những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm.

Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường vận động tích cực trong 2 phiên đầu tuần nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư liên quan tới Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam.

Tuy vậy, đà tăng điểm sớm gặp thách thức khi chỉ số VN-Index tiến đến đỉnh cũ hồi tháng 8 tại vùng 1.240-1.250 điểm. Chỉ số chung điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần khi gặp kháng cự, tuy nhiên các nhóm ngành thép, chứng khoán, vận tải, hóa chất, dầu khí và xuất khẩu vẫn luân phiên tăng điểm nhờ kỳ vọng vào câu chuyện hồi phục cuối năm nay.

kssdm(1).jpg

VN-Index chốt tuần tăng 17,4 điểm tương đương tăng 1,4% so với tuần trước. Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index tăng 2,6% lên mức 256,2 điểm và chỉ số UPCOM-Index tăng 1,5% lên mức 94,7 điểm. Tuần này, GAS (+3,7%), HPG (+4,2%) và VPB (+4,1%) là động lực chính dẫn dắt VN-Index khi đóng góp tổng cộng 5,0 điểm vào đà hồi phục của thị trường. Ngược lại, nhóm cổ phiếu họ “Vingroup” như VIC (-4,8%), VHM (-1,3%) và VRE (-2,3%) kéo giảm chỉ số chung.

Thanh khoản tuần này hồi phục đáng kể sau kỳ nghỉ lễ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 27.682 tỷ đồng (+19,6% so với tuần trước). Tuần này, khối ngoại bán ròng 843 tỷ đồng (+508%) trên HOSE trong khi đó mua ròng nhẹ trên HNX 109 tỷ đồng (+124%) và bán ròng 28 tỷ đồng trên UPCoM. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 763 tỷ đồng trên cả ba sàn.

dbcs.jpg

Nhờ chuỗi tăng điểm tích cực trước và sau nghỉ lễ, chỉ số VN-Index đang tiếng vào vùng đỉnh cũ 1.240-1.250 điểm.

Trong tuần này, thị trường có thể đón nhận một số thông tin hỗ trợ liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, CTCK VNDIRECT, có một thống kê khá thú vị là trong những lần Tổng thống Mỹ sang Việt Nam trước đây thì thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tích cực. Điều này là do những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm. Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Đồng thời, Mỹ cũng hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào Việt Nam.

Trong chuyến thăm lần này, sẽ có nhiều doanh nghiệp của Mỹ tháp tùng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như Boeing, Google, Walmart,…Những thông tin này sẽ hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường vẫn đang chịu áp lực liên quan tới vấn đề tỷ giá. Trong bối cảnh tỷ giá tăng, áp lực lạm phát quay trở lại trong những tháng cuối năm thì dư địa chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước có thể bị thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh đó, ông Đinh Quang Hinh cho biết, P/E của chỉ số VN-Index hiện đã lên mức 14,8 lần, không còn rẻ như giai đoạn đầu năm. Trong bối cảnh định giá không còn rẻ, nhà đầu tư nên chiến lược linh hoạt hơn ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư lưu ý duy trì tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng (khoảng 70% cổ phiếu) và hạn chế sử dụng đòn bẩy. Nếu chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên ngưỡng cao hơn là vùng quanh 1.280 điểm thì có thể cân nhắc chốt lời 1 phần và chờ đợi điều chỉnh để mua lại. Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm thì có thể tận dụng cơ hội gia tăng tỷ trọng danh mục cổ phiếu.

Trong khi đó, chuyên gia CTCK MB (MBS) nhận định, mặc dù đã xuất hiện nhịp rung lắc ở vùng đỉnh cũ nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng cho nhịp phân phối hay điều chỉnh ở chỉ số VN-index. Một số nhóm ngành có thể “ăn theo” nhờ sự kỳ vọng về cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Bên cạnh đó, có thể các nhóm cổ phiếu theo sóng tăng của gia hàng hóa như sản xuất đường, hóa chất, ...

“Chúng tôi khuyến nghị đối với các nhóm cổ phiếu “ăn theo” sự kỳ vọng về cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Mỹ như: dầu khí, các cổ phiếu có liên quan đến xuất khẩu,…”, MBS đưa ra khuyến nghị đầu tư.

jdcbs.jpg

Thị trường chứng khoán toàn cầu điều chỉnh trở lại ở tuần đầu tháng 9 khi giới đầu tư xem những tin tốt về nền kinh tế Mỹ như tin xấu vì cho rằng nền kinh tế còn vững đồng nghĩa áp lực lạm phát còn dai dẳng và sẽ buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ - một nhân tố gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu. Số liệu kinh tế Mỹ được thị trường đặc biệt quan tâm sắp tới là các báo cáo lạm phát của tháng 8, dự kiến công bố vào tuần này.

Bất chấp các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán nước này vẫn giảm điểm ở tuần vừa qua. Diễn biến tương tự ghi nhận tại thị trường Nhật Bản. Giới chức Trung Quốc và Nhật Bản đang loay hoay ứng phó với xu hướng tăng giá của đồng USD, vì sức mạnh của đồng bạc xanh đe doạ đẩy tỷ giá đồng nhân dân tệ và đồng yên xuống mức thấp kỷ lục... Đồng Nhân dân tệ đã giảm 5,6% so với đồng USD trong năm nay, trong khi đồng Yên giảm 11%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường kỳ vọng sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm của Tổng thống Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO