Thị trường tài chính tiền tệ thế giới năm 2018 và dự báo 2019

ThS. Vũ Xuân Thanh| 23/01/2019 08:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong năm 2018, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới chứng kiến nhiều biến động bất thường, từ căng thẳng thương mại tác động đến tăng trưởng kinh tế đến những chao đảo trên các thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu và xu hướng rút vốn khỏi các nước mới nổi.

Sự giảm tốc được dự báo trước

Những diễn biến trên đây về cơ bản đều được dự báo trước, khi báo cáo của các tổ chức kinh tế, tài chính thế giới đều khẳng định, kinh tế toàn cầu sau năm 2018 sẽ giảm tốc, chấm dứt giai đoạn phục hồi sau thời kỳ đại suy thoái theo chu kỳ phát triển kinh tế, khi các nước phát triển tiếp tục thu hẹp chính sách tiền tệ (CSTT), vốn được nới lỏng quá mức để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong nhiều năm, dòng tiền đã được các nước đồng loạt đưa vào lưu thông, nhưng không hỗ trợ phục hồi sản xuất thực như kỳ vọng, mà chủ yếu chỉ làm tăng các hoạt động kinh doanh khởi nghiệp để huy động nguồn tiền, nổi bật là thông qua TTCK và hoạt động kinh doanh khởi nghiệp, điều này đã đưa các TTCK trên thế giới và thị trường tiền ảo lên đỉnh điểm vào cuối năm 2017, khi kinh tế tăng cao và rộng khắp trên thế giới, kế hoạch cắt giảm thuế quy mô lớn tại Mỹ đã được luật hóa và ban hành chính thức, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) tiếp tục duy trì CSTT nới lỏng.

Theo ghi nhận của Hãng tin Reuters, chỉ số MSCI toàn cầu đóng cửa năm 2017 ở mức 514,53 điểm, tăng 22% so với năm trước; tiền ảo bitcoin tăng lên mức giá kỷ lục trong gần 14 năm qua. Tình trạng dư thừa tiền cung ứng đã khiến các nhà đầu tư có trào lưu thành lập doanh nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận thông qua phát hành cổ phiếu và kinh doanh trên thị trường mới dựa trên nền tảng công nghệ tài chính (fintech) 4.0 và tiền ảo hơn là đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh thực. Những kênh đầu tư này có tác động hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là giữa tiền ảo và cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới thường rất nhạy cảm với diễn biến thị trường, họ sẽ phản ứng nhanh chóng và ồ ạt bán ra khi thị trường chao đảo.

Trên thực tế, các động thái thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển được tiến hành từ 3 năm trước đây, khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiến hành đợt tăng lãi suất lần đầu vào tháng 12/2015, Ngân hàng Trung ương (NHTW) châu Âu (ECB) lên kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu... Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 mới bắt đầu gây tác động rõ nét đến thị trường tài chính toàn cầu với biểu hiện cụ thể qua xu hướng sụt giá cổ phiếu vào cuối tháng 2/2018, quét sạch toàn bộ thành quả tăng điểm trong năm 2017.

Chính các dự báo về xu hướng giảm tốc kinh tế toàn cầu là yếu tố chi phối tâm lý thị trường, và các nhà đầu tư tính toán thời điểm cần bán ra để chốt lời, bảo toàn nguồn vốn, chuyển sang những tài sản an toàn hơn, mà USD vẫn được coi là điểm đến an toàn nhất, khi kinh tế tiếp tục Mỹ tăng tốc và USD phục hồi trở lại từ đầu tháng 3/2018 sau thời gian dài ở mức giá thấp. Sau đó, TTCK thế giới chứng kiến thêm 3 đợt điều chỉnh giảm sâu vào cuối tháng 3/2018, cuối tháng 6/2018 và cuối tháng 10/2018 (chỉ ít ngày sau khi Fed tăng lãi suất) với mức giảm sâu hơn so với đợt chao đảo trước. Trong đó, TTCK Trung Quốc ghi nhận mức giảm sâu nhất, khi chỉ số Thượng Hải Composite đã xuyên thủng đáy 2.655,66 điểm, thiết lập vào ngày 28/01/2016. Cùng với xu hướng tăng chậm dần của GDP toàn cầu, bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã phủ bóng đen lên TTCK Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Công ty Dữ liệu kinh tế toàn cầu (CEIC Data Company. Ltd) và được đăng tải trên kênh truyền hình CNN, đầu tư phát triển hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng GDP vẫn là mô hình kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ tính riêng tháng 12/2017, đầu tư đóng góp 44% GDP danh nghĩa của quốc gia này, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 10-25% tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, CHLB Đức. Với lượng vốn đầu tư khổng lồ này, tỷ lệ nợ của Trung Quốc đã tăng nhanh từ mức 160% GDP trong thập niên trước lên trên 300% GDP trong vài năm qua. Vì thế, kinh tế Trung Quốc rất mong manh trước những biến động trên thị trường tài chính quốc tế, nhất là khi các nước phát triển đang thu hẹp CSTT và điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng khắt khe, chưa tính đến tác động của những bất đồng trong quan hệ thương mại với Mỹ. Nói cách khác, kinh tế Trung Quốc lao đao ngay khi chưa xảy ra cuộc chiến thương mại, và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ là một yếu tố phía sau sự mạnh lên của USD và sự suy yếu của nhân dân tệ (CNY).

Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể để CNY giảm giá xuống dưới 7,0 CNY/USD vào cuối năm 2018 hoặc trong năm 2019, và NHTW Trung Quốc (PBC) đang nỗ lực tiến hành các biện pháp để kiểm soát tình hình, tránh để CNY giảm quá nhanh. Trong bối cảnh GDP giảm tốc, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nới lỏng CSTT và chính sách tài khóa, hệ quả sẽ là CNY tiếp tục giảm sâu.

Tác động lan tỏa từ xu hướng rút  vốn khỏi TTCK Trung Quốc và USD tăng giá đã đẩy các đồng tiền mới nổi mất giá cùng với CNY, nhưng với mức suy giảm khác nhau tùy thuộc vào nền tảng kinh tế của mỗi nước. Trong số này, CNY trượt giá khá sâu, thậm chí giảm mạnh so với nhiều đồng tiền mới nổi tại châu Á. Sau khi Fed tiến hành ba đợt tăng lãi suất trong 9 tháng đầu năm, USD tăng giá mạnh và hiện đã tăng tới 6% so với đầu năm, nhấn chìm hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, đặc biệt là các đồng tiền mới nổi, các quốc gia vay nợ quốc tế khó trả nợ hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư tăng cường thu gom USD. Trong bối cảnh các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ đang vay với tổng dư nợ 11,5 nghìn tỷ USD, xu hướng thắt chặt tiền tệ tại Mỹ sẽ gián tiếp gây tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới, nhất là các nước mới nổi.

Các nước mới nổi đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức

Theo ghi nhận và đánh giá của CNN Money, nhiều nước mới nổi đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, nhất là những nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn từ bên ngoài. Trong số này, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ là hai trường hợp đáng lo ngại. Từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, đồng peso của Argentina đã mất giá hơn 50% so với USD, buộc NHTW phải tiếp tục nâng lãi suất từ 45% lên 60%, đồng thời phải kêu gọi sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo dữ liệu của Moody’s, gần 70% nợ chính phủ của Argentina là nợ ngoại tệ, và đà lao dốc của peso cũng đồng nghĩa với khối nợ ngày càng phình to. Ở cấp độ thấp hơn, biến động tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây hoảng loạn cho các nhà đầu tư, khi đồng lira mất giá tới 41%.

Trong làn sóng bán tháo tại nhiều nước mới nổi, đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, đồng rupee đã mất giá trên 11%. Mặc dù, GDP vẫn tăng cao và Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng quốc gia này đang đối mặt một số thách thức. Trong đó, sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn dầu nhập khẩu khiến Ấn Độ dễ bị tổn thương khi giá dầu tăng cao, do giá năng lượng tăng cao đã đẩy lạm phát tại quốc gia này vượt ngưỡng an toàn.

Tại Brazil, vấn đề chính trị gây áp lực giảm mạnh lên đồng real của Brazil trong những tháng gần đây. Từ đầu năm đến cuối tháng 8, đồng real đã mất giá 20% so với USD. Tuy nhiên, nhờ nguồn dự trữ ngoại hối tương đối dồi dào, NHTW Brazil có thể can thiệp, ngăn đồng nội tệ giảm giá sâu hơn trong trường hợp cần thiết.

Đồng ruble của CHLB Nga mất giá khá sâu do các nước phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế 2018. Từ đầu năm 2018, đồng ruble đã mất giá 15% so với USD. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, xu hướng phục hồi giá dầu trong năm giúp CHLB Nga bù đắp phần lớn thiệt hại do sự mất giá của đồng bản tệ.

Cùng với 5 đồng tiền nêu trên, nhiều đồng tiền mới nổi khác cũng thuộc diện cảnh báo. Bao gồm, đồng rand của CH Nam Phi (giảm giá 18,8%), đồng rupee của Pakistan (giảm 10,3%)... Tuy chỉ mất giá 5,5%, nhưng Sri Lanka là quốc gia có mức độ cảnh báo cao nhất, do nền tảng kinh tế quá yếu ớt. Một số đồng tiền mới nổi tại châu Á cũng đang đối mặt với sức ép từ cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, mặc dù không quá lớn.

Để kiềm chế nguy cơ đào thoát dòng vốn, nhiều nước mới nổi tại Mỹ Latinh, châu Âu và châu Á phải tiến hành tăng lãi suất. Theo thống kê của Central Bank News, trong hai ngày 26-27/9, động thái của Fed đã buộc 8 NHTW phải tăng lãi suất, đưa tổng số 12 NHTW quyết định nâng lãi suất trong tháng 9. Tại châu Á, NHTW Philippines tăng lãi suất cơ bản từ 4,0% lên 4,5%, nâng tổng mức lãi suất tăng thêm trong năm 2018 lên 1,5%. Tính từ đầu năm 2018, đồng peso đã mất giá trên 8%; NHTW Indonesia tăng lãi suất cơ bản từ 5,5% lên 7,75%. Indonesia tăng lãi suất cơ bản từ 5,5% lên 7,75%, đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2018. Đồng rupiah đã mất giá khoảng 10%, xuống dưới ngưỡng 15.000 IDR/USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á tháng 7/1998. Hai đồng tiền mới nổi này ghi nhận mức sụt giá sâu nhất, chỉ đứng sau mức suy giảm 15% của đồng rupee Ấn Độ.

Xu hướng mất giá bản tệ đang trầm trọng thêm rủi ro rút vốn

Xu hướng mất giá bản tệ đang trầm trọng thêm rủi ro rút vốn và làm tăng chi phí thanh toán những khoản vay bằng ngoại tệ, hệ quả không thể tránh khỏi sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng kéo dài suốt từ năm 2009.

Theo dữ liệu cập nhật của BIS, trong quý II/2018, dòng tín dụng vào các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs) giảm 20 tỷ USD so với quý trước, ghi nhận kết quả suy giảm đầu tiên kể từ cuối năm 2016, giảm xuống mức tăng trưởng dưới 5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kết quả tăng 7% vào cuối quý trước (so với cùng kỳ năm trước). Nguyên nhân chủ yếu là do tín dụng giảm thấp tại một số nước. Trong đó, tín dụng vào Brazil giảm 20 tỷ USD, xóa tan thành quả tăng trưởng tín dụng trong quý trước. Tiếp đến là tín dụng vào Ấn Độ (giảm 13 tỷ USD), Mêhicô (giảm 8 tỷ USD), Ba Lan (giảm 7 tỷ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 1 tỷ USD)...

Khủng hoảng cho vay ngang hàng tại Trung Quốc

Cùng với sự bùng nổ về công nghệ 4.0, cho vay ngang hàng (Peer to Peer lending - P2P) được đánh giá là mảng hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Cho vay P2P là một kênh cấp vốn mới, có khả năng thu thập được nhiều dữ liệu để đáp ứng nhiều nhu cầu khác. Đây là lĩnh vực mới và thiếu chế tài quản lý hiệu quả, nhất là về khả năng kiểm soát thị trường. Trong khi đó, rủi ro trong hoạt động cho vay P2P rất lớn, phổ biến nhất là trường hợp người vay không trả nợ, rủi ro khi xuất hiện sàn hay công ty cho vay P2P được thành lập chỉ nhằm mục tiêu lừa đảo, huy động tiền rồi chiếm đoạt và bỏ trốn.

Trên thực tế, mô hình cho vay ngang hàng được các công ty ở Mỹ triển khai đầu tiên, sau đó nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc, khi các công ty được chính phủ hỗ trợ để đổi mới tài chính nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm 2015, cho vay ngang hàng P2P tại Trung Quốc đã thu hút sự tham gia của khoảng 3.500 công ty, trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ không thể vay vốn ngân hàng, do thiếu vắng một hệ thống đánh giá điểm tín dụng rộng rãi và đầy đủ. Trong số này, có sự tham gia của trên 100 công ty niêm yết trên TTCK Trung Quốc.

Số liệu chính thức cho thấy, các nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có khoảng 50 triệu người đăng ký và có khoảng 192 tỷ USD nợ xấu với lãi suất trung bình 10,2%. Chủ yếu là khách hàng cá nhân sẵn sàng chi trả mức lãi suất cao do không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng. Những nền tảng tốt có tỷ lệ vỡ nợ 0%, trong khi những nền tảng tệ nhất tỷ lệ vỡ nợ có thể lên đến 35%.

Các nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến cung cấp dịch vụ đầu tư còn được gọi là thương phiếu, giống như trái phiếu ngắn hạn do các doanh nghiệp nhỏ phát hành, không như trước đây là được các công ty phát hành dưới sự bảo lãnh của các ngân hàng thương mại, có thể được chuyển nhượng cho tổ chức tài chính khác hoặc PBC trước khi đáo hạn.

Tuy nhiên, nhiều nền tảng trên thực tế đã lấy tiền của người đầu tư sau trả tiền cho nhà đầu tư trước, một hình thức lừa đảo được gọi là mô hình ponzi. Một số nền tảng khác lừa đảo trắng trợn, thu hút các nhà đầu tư gửi tiền và ôm tiền bỏ chạy chỉ sau vài tuần hoạt động.

Khủng hoảng cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã gây tác động lan truyền sang thị trường tiền ảo, điển hình là bitcoin. Ngày 29/6/2018, giá bitcoin trên sàn Coindesk có lúc giảm xuống dưới 5.800 USD, mức giá thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2017. Với mức giá này, tiền ảo bitcoin đã giảm gần 60% so với đầu năm 2018, sau khi tăng 1.300% trong năm 2017. Đà sụt giảm của bitcoin kéo theo toàn thị trường tiền ảo nói chung, khiến hàng loạt loại tiền ảo khác bỗng chốc trở nên vô giá trị, tương tự như số phận của những vụ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) bùng nổ trong thời kỳ bong bóng dotcom.

Xu hướng mất giá của tiền ảo

Ngày 3/12/2018, tiền ảo bitcoin có lúc giảm xuống dưới 3.500 USD (8,1%) so với hôm trước, xóa tan thành quả phục hồi lên 4.410 USD vào ngày 29/11. Theo ghi nhận, bitcoin bắt đầu tháng 11/2018 ở mức giá trung bình 6.341 USD, nhưng giảm về mức giá trung bình 3.964 USD vào 0h00 ngày 1/12, giảm khoảng 2.400 USD (37,4%), mức thấp nhất kể từ tháng 8/2011, khi đồng tiền ảo này giảm 40% từ mức giá 8,0 USD xuống 4,8 USD so với tháng trước đó.

Xu hướng mất giá của tiền ảo đang cản trở nỗ lực của các ngân hàng trong việc ứng dụng và triển khai Fintech, nhất là các mô hình dịch vụ ngân hàng trực tuyến, vốn ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn và mang lại mức sinh lợi cao hơn 1/3 so với dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Financial Times dẫn kết quả nghiên cứu của Accenture cho thấy, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và Fintech mới đã không ngừng xuất hiện kể từ năm 2005. Riêng tại châu Âu, hiện có 1.400 ngân hàng thế hệ mới (neo-bank). Sức nóng thị trường càng gia tăng khi các tập đoàn công nghệ lớn đang ra sức đào sâu vào các dịch vụ tài chính. Trong số này, Tập đoàn Thương mại điện tử Amazon đang cung cấp các dịch vụ thanh toán và các khoản vay cho những đối tác kinh doanh trên nền tảng của mình, Facebook được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ tiền điện tử tại Ireland và ứng dụng tin nhắn WhatsApp của mạng xã hội này đang xây dựng một dịch vụ thanh toán tại Ấn Độ, Alibaba và Tencent đã chiếm lĩnh thị trường thanh toán 5.500 tỷ USD tại Trung Quốc.

Accenture cảnh báo, những “tay chơi” kỹ thuật số mới đã vào cuộc và các ngân hàng đang bị tấn công, nhất là tình trạng rò rỉ khách hàng và sự rò rỉ này đang trở thành “nạn lụt” theo thời gian, buộc các ngân hàng phải tìm cách đối phó trước mối đe dọa này từ Fintech.

Kinh tế thế giới năm 2019 sẽ giảm tốc

Có thể nói, diễn biến tài chính năm 2018 đang đặt ra nhiều thách thức cho các NHTW, do biến động tại các thị trường mới nổi sẽ tác động trở lại đến các nước phát triển. Những đợt phá giá bất ngờ đã làm suy giảm đầu tư và hoạt động kinh tế tại các nước mới nổi, ảnh hưởng đến nhu cầu về nhập khẩu hàng hóa từ các nước phát triển. 

Bất ổn chính trị ở châu Âu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang và nỗ lực mới của chính quyền Mỹ để áp thuế đối với ô tô châu Âu, dẫn đến sự suy yếu hơn nữa của kinh tế khu vực đồng euro. Một Brexit cứng, bầu cử tại Ý và một sự gia tăng của nhóm chống lại Liên minh châu Âu (EU) có thể đẩy khối này vào vòng suy thoái kỹ thuật trong quý II và quý III năm 2019, buộc NHTW châu Âu (ECB) phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ, thậm chí tung ra một gói kích thích định lương quy mô (QE) nhỏ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại cuộc họp chính sách vào ngày 3/12/2018, ECB đã công bố chính sách mới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tăng lạm phát. Theo đó, ECB quyết định giảm lãi suất euro thêm 0,1% xuống -0,3%, đồng thời kéo dài chương trình nới lỏng định lượng thêm sáu tháng. Chủ tịch ECB - Mario Draghi cũng khẳng định, sẵn sàng tiếp tục hành động nếu cần thiết để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Tổng số tiền dành cho chương trình nới lỏng định lượng được nâng lên mức 1,5 nghìn tỷ euro, cao hơn nhiều so với con số 1,1 nghìn tỷ euro theo ước tính ban đầu.

Ngày 1/12/2018, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí dừng leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nước sau cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires (Argentina), nhưng nhanh chóng khiến thế giới rơi vào tình trạng nhiễu thông tin, khi cả hai bên đã đưa những tuyên bố khác nhau về những gì họ đã đồng thuận. Cũng có sự nhầm lẫn ở phía Mỹ, khi Nhà Trắng, ông Trump và các cố vấn của ông đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn về chi tiết của thỏa thuận.

Theo nhận định của một số chuyên gia, kinh tế thế giới năm 2019 sẽ giảm tốc, ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK và những hoạt động đầu tư gián tiếp khác. Trong bối cảnh khó khăn tăng trưởng toàn cầu, quang cảnh đen tối sẽ ập đến nền kinh tế Mỹ, lãi suất toàn cầu tăng cao và cuộc chiến thương mại bùng nổ lên nấc thang mới. Khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ giảm mạnh, có dấu hiệu nhen nhóm ngay từ đầu tháng 12/2018, tiền mặt sẽ trở nên hiếm hoi và là tài sản cạnh tranh hàng đầu.

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã hỗ trợ TTCK tăng điểm, nhất là vào tháng cuối cùng trong năm, mà theo thường lệ phần lớn các loại cổ phiếu đều tăng giá để chào đón năm mới. Tuy nhiên, thỏa thuận này được dư luận gọi chung là thỏa thuận “ngừng bắn” tạm thời, do chỉ mang tính ngoại giao, trong khi không thể đạt được thỏa thuận chi tiết trong thời gian chóng vánh, do hai bên còn quá nhiều bất đồng, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc và vấn đề an ninh mạng. Trong khi đó, các quan chức Mỹ đang có kế hoạch cứng rắn với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán ba tháng tới đây hoặc sẽ tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước bối cảnh đó, các nhà đầu tư tỏ ra bi quan về khả năng tạo ra thỏa thuận cụ thể với các giải pháp toàn diện về thuế quan và thị trường trái phiếu vẫn duy trì niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, vốn đang bền vững trước tác động thuế quan, nhưng (theo các chuyên gia) có thể cuối cùng sẽ thắt chặt tăng trưởng toàn cầu trong năm tới. Theo đó, lợi suất trái phiếu Mỹ hoàn toàn có đủ lý do để giảm xuống 0% vào năm 2019u

Nguồn: BIS, Centralbank News, CNBC, CNN Money, Coindesk, Financial Times, IMF, Marketwwatch, Reuters, WS. Journal

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường tài chính tiền tệ thế giới năm 2018 và dự báo 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO