(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Đại diện các bên tại Brussels: Bộ trưởng Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; John Murton - Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Anh; Josep Borrell Fontelles - Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại; Graham Stuart - Quốc vụ khanh về Biến đổi Khí hậu của Anh; Marc Vanheukelen - Đại sứ Liên minh châu Âu về Ngoại giao về Khí hậu. Ảnh: ĐSQ Anh. |
Thông tin từ Đại sứ quán Anh, ngày 14/12/2022, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG), bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã thống nhất một Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) mạnh mẽ.
Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.
Chương trình JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu mới đầy tham vọng: Đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030;
Giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2, đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính sớm hơn 5 năm, thành năm 2030
Giảm công suất điện than của Việt Nam từ mức 37 GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW;
Đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%).
Việc thực hiện thành công các mục tiêu đầy tham vọng này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn (một nửa giga tấn) từ giờ đến năm 2035.
Lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Uỷ ban châu Âu và nhiều quốc gia đã hoan nghênh thoả thuận và gửi lời chúc mừng Việt Nam.
“Với thỏa thuận ngày hôm nay, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong một khuôn khổ hợp tác mới để thực hiện một quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm và hướng đến năng lượng tái tạo. JETP là một công cụ quan trọng để khơi thông những nỗ lực giảm phát thải mà thế giới của chúng ta cần trong những năm 2020.
Chúng ta cần chung tay để hiện thực hóa quá trình chuyển dịch năng lượng mang tính toàn cầu, bền vững, công bằng, toàn diện và hợp lý. Liên Hợp Quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ JETP và tất cả các nỗ lực hợp tác khác” - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.
“Với chương trình JETP, Việt Nam và các đối tác quốc tế do Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh cùng chủ trì mong muốn chứng minh rằng các nền kinh tế mới nổi và phát triển nhanh có thể thực hiện thành công quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch.
Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng và tự chủ về năng lượng. Đến năm 2030, Chương trình JETP có khả năng giảm tổng lượng khí phát thải bằng với lượng phát thải dự kiến của 6 nước thành viên EU cộng lại. Chương trình JETP sẽ giúp trang bị cho ngành điện của Việt Nam trong thế kỷ 21, tiếp thêm động lực cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế. Chúng tôi rất vui khi được trở thành một phần của Chương trình Quan hệ Đối tác đột phá này” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen
“Mô hình JETP là nhân tố thay đổi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sử dụng viện trợ quốc tế để khơi thông hàng tỷ USD tài chính tư nhân.
Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, năng động ở trung tâm Đông Nam Á. Đầu tư mà chúng ta đang thực hiện ngày hôm nay đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể giảm phát thải, đồng thời tạo ra việc làm mới và tiếp tục tăng trưởng.
Cùng nhau, chúng ta sẽ mang đến một tương lai xanh hơn, sạch hơn cho Việt Nam và hành tinh của chúng ta” - Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak nhấn mạnh.
"JETP là một mô hình để các bên đóng góp có thể làm việc cùng với các đối tác như Việt Nam để hành động hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn. Canada cam kết sẽ tiếp tục là đối tác trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch và loại bỏ than ở Việt Nam, đó là mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi vì một tương lai năng lượng sạch, toàn diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - Thủ tướng Canada Justin Trudeau
“Pháp và Liên minh châu Âu đang theo đuổi cam kết mạnh mẽ đối với việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam. Đóng góp của Pháp, là một phần của hợp tác song phương lâu dài, sẽ hỗ trợ quy hoạch năng lượng, nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới điện, song song với việc thúc đẩy năng lượng tái tạo. Đóng góp chung của chúng ta phải hỗ trợ được cam kết của Việt Nam trên lộ trình phát triển bền vững, loại bỏ dần than, giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C. Quan hệ đối tác này cần thực hiện được một quá trình chuyển dịch công bằng bao gồm, cũng như mang lại lợi ích cho tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
“JETP Việt Nam sẽ hỗ trợ các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và tăng đáng kể năng lượng tái tạo vào năm 2030 như một nỗ lực chung để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng lên quá 1,5 độ C. Đây là minh chứng về hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để đảm bảo rằng quá trình chuyển dịch cần thiết sẽ diễn ra một cách công bằng và toàn diện. Đức sẽ tích cực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được những mục tiêu mới" - Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
“Nhật Bản đã và đang hỗ trợ quá trình khử các-bon của Việt Nam thông qua các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo và hoan nghênh tham vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nhật Bản tự hào là thành viên của JETP và sẽ thúc đẩy hỗ trợ chương trình năng lượng phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, phối hợp với các quốc gia đối tác và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.” - Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida Fumio.
“Na Uy tự hào là một phần của JETP để hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng. Chúng tôi tin rằng Chương trình này có thể huy động vốn tư nhân rất cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch đầy tham vọng - từ than đá sang năng lượng tái tạo - của quốc gia này" - Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre.
“Hiện nay, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc vạch ra một lộ trình chuyển dịch sang năng lượng sạch đầy tham vọng, mang lại an ninh năng lượng lâu dài. Hoa Kỳ tự hào là một đối tác trong nỗ lực này. Cam kết lịch sử của Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo ra cơ hội to lớn cho người dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu toàn cầu" - Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden.
Những đóng góp ban đầu cho JETP Việt Nam bao gồm 7,75 tỷ USD cam kết từ IPG, bên cạnh Ngân hàng Phát triển châu Á và Tập đoàn Tài chính Quốc tế. Bên cạnh đó là cam kết huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho khoản đầu tư đối ứng từ tư nhân trị giá 7,75 tỷ đô-la Mỹ từ một nhóm tổ chức tài chính tư nhân tham gia trong giai đoạn đầu do Liên minh Tài chính Glasgow cho Net Zero (GFANZ) điều phối, bao gồm Bank of America, Citibank, Deutsche Bank, HSBC, Macquarie Group, Mizuho Financial Group, MUFG, Prudential PLC, Shinhan Financial Group, SMBC Group, và Standard Chartered.
Trong vòng 12 tháng tới, Việt Nam sẽ làm việc với các nước đối tác để xây dựng và thông qua Kế hoạch Huy động Nguồn lực của JETP Việt Nam; kế hoạch này sẽ tạo điều kiện thực hiện tài trợ và chiến lược của JETP.
Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau sự ra mắt thành công của JETP cho Nam Phi tại COP26 và JETP Indonesia tại Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G20 năm nay.
Là một nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng và với Chương trình JETP, Việt Nam sẽ chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế không song hành với tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch.
JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên Quan hệ đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) của nhóm các quốc gia G7 do Vương quốc Anh khởi xướng, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Vào tháng 6 năm 2022, các nhà lãnh đạo thuộc G7 đã thống nhất xúc tiến đàm phán với các quốc gia về JETP - một cơ chế thực hiện cốt lõi của PGII.
Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch được công bằng. Một quá trình chuyển dịch công bằng sẽ không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn đảm bảo một tương lai thịnh vượng và đủ sức chống chịu cho người dân, giảm tác động của ô nhiễm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tạo việc làm mới.