Mặc dù vẫn giữ nguyên biên độ lãi suất chính sách sau cuộc họp định kỳ tháng 7 song Chủ tịch FED, ông Jerome Powell thừa nhận, thời điểm bắt đầu giảm chi phí vay vốn ngày càng đến gần.
Tuần trước, tại cuộc họp kéo dài hai ngày và kết thúc vào trưa ngày 31/7, FED quyết định giữ nguyên biên độ lãi suất chính sách 5,25-5,5% với lập luận cơ bản là, các chỉ số gần đây cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục mở rộng vững chắc, số lượng việc làm tuy giảm nhẹ và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhưng vẫn ở mức thấp, lạm phát giảm so với năm trước nhưng vẫn tăng một chút và ngày càng về gần mục tiêu đề ra 2,0%.
FED đang cố gắng tìm kiếm giải pháp tăng tối đa việc làm và giảm lạm phát về 2% trong dài hạn, khả năng đạt những mục tiêu này đang cải thiện dần.
FED chưa kỳ vọng sẽ giảm lãi suất cho đến khi lạm phát giảm về mức 2% một cách chắc chắn và ổn định trong dài hạn, nhưng cam kết sẽ kéo giảm lạm phát về mục tiêu 2%. Ngoài ra, FED sẽ tiếp tuc giảm lượng trái phiếu và chứng khoán cầm cố trong bảng cân đối kế toán.
Liên quan đến xác định lập trường chính sách tiền tệ thích hợp, FED sẽ tiếp tục theo dõi tác động của thông tin sắp tới đối với triển vọng kinh tế. FED sẵn sàng điều chỉnh quan điểm chính sách tiền tệ một cách thích hợp, nếu rủi ro bùng phát cản trở nỗ lực hướng đến mục tiêu đề ra. Quá trình đánh giá quan điểm chính sách sẽ đề cập đến các luồng thông tin rộng rãi, bao gồm áp lực lạm phát, thị trường lao động và thất nghiệp, tài chính và tình hình quốc tế.
Mặc dù vẫn giữ nguyên biên độ lãi suất chính sách, nhưng Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, thời điểm bắt đầu giảm chi phí vay vốn ngày càng đến gần.
Tại họp báo sau cuộc họp lãi suất, ông Powell đưa ra thông điệp: "Áp lực giá cả đã giảm trên diện rộng, và nếu các dữ liệu sắp tới tiến triển tốt, FED sẽ cân nhắc giảm lãi suất". Theo đó, có thể FED sẽ giảm lãi suất ngay tại cuộc họp diễn ra vào tháng 9 sắp tới, nếu các dữ liệu kinh tế tiếp tục cho thấy lạm phát giảm.
Trước khi FED thông báo kết quả cuộc họp, một số chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào tháng 9 tới đây, do lạm phát đã giảm nhanh hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, Chủ tịch Powell nhấn mạnh, quyết định chính sách còn tùy thuộc vào dữ liệu lạm phát sắp tới và né tránh trả lời câu hỏi, ngân hàng trung ương sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm 2024.
Một số chuyên gia phân tích tại phố Wall còn dự báo, FED sẽ tiến hành nhiều đợt giảm lãi suất trong năm nay. Đầu năm nay, FED dự kiến sẽ tiến hành một đợt giảm lãi suất trong năm 2024.
Năm ngoái, tại cuộc họp tháng 7/2023, FED quyết định tiếp tục tăng lãi suất cơ bản lên 5,25-5,5%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2001 (tăng lên 6,0% sau khi bong bóng dot-com phát nổ). Từ đó đến nay, FED duy trì mức lãi suất này và liên tục trì hoãn chủ trương giảm lãi suất với lý do cơ bản là lạm phát vẫn tăng cao.
Lãi suất cao tuy gây bất lợi cho hoạt động kinh tế trong nước, nhưng có tác động duy trì vị thế USD - sức mạnh của Mỹ trên thị trường quốc tế, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, đặc biệt là Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang cố gắng tìm kiếm nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào USD. Mặt khác, FED cũng muốn giữ uy tín là cơ quan tiền tệ đáng tin cậy hàng đầu thế giới, nên mọi quyết định chính sách đưa ra đều phải được xem xét thận trọng.
Mặc dù ông Powell vẫn nhấn mạnh lập trường cho rằng, FED không phải là cơ quan chính trị và chỉ có nhiệm vụ thực hiện chỉ thị của Quốc hội là duy trì giá cả ổn định và việc làm đầy đủ, mang lại lợi ích cho toàn dân, không sử dụng các công cụ để hỗ trợ mục tiêu chính trị. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thường được nới lỏng trước các cuộc bầu cử.
Tại phiên điều trần trước quốc hội diễn ra vào tháng 7, các luật sư theo phe Cộng hòa cảnh báo, động thái cắt giảm lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 17-18/9 (7 tuần lễ trước bầu cử tổng thống) có thể coi là động thái chính trị - nhấn mạnh tiến triển lạm phát và hứa hẹn sẽ nới lỏng tín dụng và chi phí vay cầm cố để mua nhà trong tương lai gần.