Thói quen tiêu dùng số ngày càng phổ biến tại khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn thiết lập “bình thường mới”

Tuyết Mai| 23/06/2020 13:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng thương mại điện tử và thanh toán không tiếp xúc tại Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan; từ đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động mà vẫn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Nghiên cứu gần đây nhất của Mastercard Impact Studies™ cho thấy, đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á thông qua đẩy nhanh quá trình ứng dụng các phương thức thương mại điện tử, giao hàng tận nhà, thanh toán số và không tiếp xúc. Đặc biệt, một số xu hướng và thói quen được hình thành trong bối cảnh ứng phó với đại dịch có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian dài.

 

Nghiên cứu trên được thực hiện tại 10 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, về các tác động do những sự kiện bất thường ảnh hưởng tới thái độ và hành vi của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong khu vực. Cụ thể, hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho biết đã sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4 nhiều hơn trong tháng 3. Gần một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng cho biết trong cùng giai đoạn đó, họ thực hiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Bên cạnh những thay đổi trong thói quen mua hàng là xu hướng chuyển dịch sang các phương thức thanh toán mới trên toàn khu vực. Cụ thể, phần lớn người tiêu dùng tại các thị trường Đông Nam Á tham gia khảo sát cho biết kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19, việc sử dụng tiền mặt của họ đã giảm đáng kể với 67% tại Singapore, 64% tại Malaysia và Philippines, và 59% tại Thái Lan.

Cùng với đó, các phương thức thanh toán không tiếp xúc đang ngày một phổ biến hơn. Tại Singapore, 31% người được khảo sát cho biết họ có xu hướng thực hiện thanh toán không tiếp xúc thông qua thẻ tín dụng. Trong khi đó, Malaysia, Philippines và Thái Lan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất ở ví điện tử và ví di động so với các hình thức thanh toán không tiếp xúc khác.

Về tâm lý người tiêu dùng trong khu vực, khoảng 83% người dân Philippines vẫn thận trọng và e ngại về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, trong khi đó, con số này tại Malaysia là 70%, Singapore là 55%, và Thái Lan là 41%. Trên toàn khu vực, người dân cũng lo ngại về tác động của đại dịch đối với tài chính gia đình. Tình trạng bất ổn này cũng khiến cho 80% tại Philippines, 75% tại Malaysia, 74% tại Thái Lan và 65% tại Singapore dè chừng trước những khoản mua sắm giá trị lớn, cao hơn mức trung bình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 59%.

Dù lo ngại đại dịch có thể vẫn sẽ tiếp diễn, người tiêu dùng trong khu vực vẫn giữ thái độ lạc quan và tin tưởng về năng lực ứng phó và kiểm soát dịch bệnh của quốc gia họ. Tại Singapore, 88% người tham gia khảo sát cảm thấy tích cực và 68% có thái độ trung lập về cách thức Chính phủ và các ngân hàng đang hỗ trợ người dân vượt qua khủng hoảng. Với niềm tin này, 20% người được hỏi cho biết họ tin rằng họ sẽ tăng mức đầu tư trong vài tháng tới.  

“Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi người và mọi quốc gia theo những cách khác nhau. Nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với thế giới số và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo sự an toàn và duy trì tâm thế bình thường trong những thời điểm bất thường và không chắc chắn như hiện nay. Mặc dù các tổ chức, doanh nghiệp và thị trường đã xây dựng kế hoạch cho việc phục hồi, những lo ngại về an toàn và sức khỏe của người dân sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi chiến lược được đưa ra. Điều này được thể hiện rõ trong cách thức mua sắm và giao dịch của người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á”, ông Safdar Khan, Chủ tịch phụ trách các thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á, Mastercard chia sẻ.

Được biết, trong tháng 3/2020 Mastercard đã tăng hạn mức thanh toán không tiếp xúc tại 50 quốc gia trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, thương nhân và các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận các nguồn lực để thực hiện thanh toán, nhận thanh toán an toàn và duy trì hoạt động trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19 và giai đoạn tiếp sau đó.   

Mastercard cũng đang hợp tác với các thành phố trên toàn thế giới, bao gồm Singapore và Malaysia, giúp đơn giản hóa trải nghiệm của khách hàng thông qua tích hợp phương thức thanh toán không tiếp xúc trong quá trình di chuyển và cho phép hành khách thanh toán vé tàu, xe bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, hoặc một thiết bị hỗ trợ thanh toán không tiếp xúc.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường sự hiện diện trên các sàn thương mại số, Mastercard tiếp tục xây dựng các giải pháp như Simplify Commerce - nền tảng đơn giản và an toàn giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp nhận thanh toán điện tử hơn dù cho họ sử dụng thương hiệu thanh toán nào.

Khảo sát thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tuyến với 10.000 người tiêu dùng tại 10 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mẫu khảo sát đại diện cho quốc gia được lực chọn với quy mô từ 300 đến 2.000 đáp viên trên một thị trường, bao gồm: Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thói quen tiêu dùng số ngày càng phổ biến tại khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn thiết lập “bình thường mới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO