Ngày 12/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - trưởng Đoàn công tác của Chính Phủ, gồm đại diện các Bộ, ngành làm việc trực tiếp tại tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long, nhằm kịp thời nắm bắt cụ thể các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu tại địa phương.
Tham gia họp còn có đại diện: Bộ Kế hoạch Đầu tư; Bộ Tài nguyên Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN (Chính sách tiền tệ, Tín dụng các ngành kinh tế, Văn Phòng, Truyền thông, Dự báo Thống kê); đại biểu đại diện UBND tỉnh, đại diện một số Sở, Ngành; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đại diện Hội sở chính và chi nhánh TCTD; đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, HTX ngành nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn Bến Tre.
Tại các buổi làm việc với tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đoàn công tác mong muốn được lắng nghe trực tiếp, nắm bắt cụ thể các khó khăn của tỉnh, từ đó sẽ cùng các cấp, các ngành và địa phương nhận diện rõ để tích cực, chủ động xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tháo gỡ theo thẩm quyền đối với các khó khăn vướng mắc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, chấn chỉnh các tồn tại, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh.
Tại Bến Tre, Thống đốc và đoàn công tác đã nghe đại diện các sở, ngành, hiệp hội, HTX của Bến Tre nêu các ý kiến cụ thể về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu của tỉnh. Theo đó, các ý kiến tập trung các kiến nghị về vốn đầu tư, lãi suất, quy hoạch đất đai, vấn đề định giá tài sản đảm bảo...
Sau khi lắng nghe các ý kiến từ đại diện các sở, ngành, HTX, doanh nghiệp, Thống đốc NHNN đã đề nghị đại diện các bộ, ngành: Kế hoạch đầu tư, Tài Nguyên Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng… có ý kiến trực tiếp phản hồi trước các kiến nghị.
Đồng thời đoàn công tác sẽ có báo cáo tổng kết chi tiết các vấn đề đã được nêu để báo cáo Chính phủ cùng các cấp, các ngành và địa phương tập trung tiếp tục có giải pháp để xử lý triệt để tạo điều kiện cho người dân doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tại Vĩnh Long, đại diện các sở ngành, hiệp hội tập trung các kiến nghị về chính sách tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ giảm lãi suất, về tín dụng thu mua tạm trữ lúa gạo và đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chế biến, doanh nghiệp cũng có thêm kiến nghị về đất đai và các chính sách liên quan thuế, phí, lệ phí và tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu.
Liên quan đến nội dung về tín dụng, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, với nội dung liên quan hoạt động tín dụng ngân hàng nổi bật là cho vay theo chuỗi, đầu tư cho vay công nghiệp chế biến sâu, mở rộng quy mô diện tích sản xuất HTX… đều là các chính sách được Chính phủ ưu tiên. NHNN đã và đang hiện nhiều chương trình, chính sách ưu đãi cho vay. Các chương trình này đặc biệt hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ.
Bên cạnh các chương trình cho vay ưu đãi, gần đây NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN thực hiện các chính sách giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ nhằm hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. “NHNN sẽ tổng hợp các kiến nghị và tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới”, Bà Hà Thu Giang cho biết.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, ông Phạm Chí Quang- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn khi tình hình thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, với những nỗ lực lớn NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, thị trường tiền tệ hiện nay ổn định, tỷ giá giao dịch trên thị trường nhìn chung có xu hướng giảm, thị trường ngoại tệ diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt.
Kết luận buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh vai trò của Bến Tre trong quy hoạch tổng thể của quốc gia. Theo mục tiêu của tỉnh đề ra là tăng trưởng 9,3% - đây là một chỉ tiêu tăng trưởng rất tham vọng trong bối cảnh này.
Do vậy, Thống đốc lưu ý, trong các quý còn lại của năm 2023, tỉnh Bến Tre cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn, tồn tại phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để khơi thông nguồn lực và tập trung vào 3 nguồn lực tăng trưởng, đó là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Trong đó, đặc biệt là vấn đề xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng, phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Với tỉnh Vĩnh Long, Thống đốc NHNN đánh giá Vĩnh Long có vị trí địa lý - chiến lược quan trọng của vùng có điều kiện thuận lợi kết nối đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt (trong tương lai) để trở thành trung tâm trung chuyển, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và các vùng kinh tế khác của cả nước.
Trước mắt, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là 8%, Thống đốc lưu ý, trong các quý còn lại của năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn, tồn tại phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm khơi thông nguồn lực, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).
Thống đốc cũng yêu cầu đầu mối đoàn công tác từ các bộ, ngành sẽ làm việc để thấy những kiến nghị nào đã giải quyết, đã giải thích, kiến nghị nào đã cam kết thực hiện, kiến nghị nào chưa, thì rà soát để tiếp tục thực hiện. Khi báo cáo lên Chính phủ, cần ghi cụ thể kiến nghị này cần giải quyết trong thời gian bao lâu. Đối với những kiến nghị như: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thay đổi các quy định, cũng cần ghi rõ đơn vị đầu mối để đoàn công tác hoàn thành báo cáo gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư trước ngày 20/5.
Về phía NHNN, Thống đốc mong muốn nhận được sự thấu hiểu chia sẻ với ngành về việc điều hành chính sách tiền tệ với nhiều mục tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, uyển chuyển, sử dụng linh hoạt các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ ngoại hối cũng như đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Về các kiến nghị liên quan đến lãi suất, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình kinh tế, nếu điều kiện thuận lợi cho phép sẽ điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, đồng thời kêu gọi các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về tín dụng, NHNN tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 14-15%, cao hơn mức tăng trưởng của năm 2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, hỗ trợ doanh nghiêp, người dân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thời gian tới.