(thitruongtaichinhtiente.vn) -
Ngày 12/9/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có cuộc điện đàm với ông Tao Zhang, tân Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Thanh toán Quốc tế khu vực châu Á và tham dự Phiên họp toàn thể Thống đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi điện đàm với ông Tao Zhang, tân Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Thanh toán Quốc tế khu vực châu Á |
Tại buổi điện đàm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chúc mừng ông Tao Zhang được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu Văn phòng đại diện Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (NHTTQT) khu vực châu Á từ ngày 1/9/2022.
Thống đốc tin tưởng với trình độ, kinh nghiệm phong phú, ông Tao Zhang sẽ tiếp tục những chặng đường thành công của NHTTQT.
Hoan nghênh và đánh giá cao Văn phòng đã tích cực hỗ trợ NHNN trong quá trình gia nhập NHTTQT cũng như duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ ngân hàng giữa hai bên. Thống đốc đánh giá cao hoạt động của Văn phòng trong vai trò Ban Thư ký Hội đồng tư vấn châu Á đã tích cực điều phối cho các hoạt động của Hội đồng.
Cũng tại buổi điện đàm, Thống đốc đánh giá cao công tác nghiên cứu tại Văn phòng đại diện NHTTQT khu vực châu Á với những chủ đề mang tính thời sự, bám sát diễn biến kinh tế, tài chính toàn cầu đã hỗ trợ tích cực cho công tác hoạch định chính sách của các NHTW thành viên NHTTQT trong khu vực, trong đó có NHNN.
Thống đốc kiến nghị trong thời gian tới, Văn phòng tập trung các nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động của những bất ổn trong kinh tế toàn cầu như lạm phát tăng cao, cú sốc giá nhiên liệu, thắt chặt chính sách tại các nền kinh tế phát triển... tới điều hành chính sách của NHTW các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; xu thế phát triển số hóa, tiền và tài sản mã hóa cùng công nghệ blockchain... qua đó hỗ trợ các hội viên NHTTQT trong khu vực xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, quản lý đối với lĩnh vực này.
Ông Tao Zhang đánh giá cao NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong nước. Ông cũng đánh giá cao vai trò tích cực, chủ động của NHNN trong các hoạt động của Hội đồng Tư vấn châu Á. Hoan nghênh những đề xuất của NHNN về các chủ đề nghiên cứu, phân tích, ông Tao Zhang cho rằng, đây là những vấn đề quan trọng đối với hoạt động của Văn phòng cũng như cộng đồng NHTW trong khu vực.
Quang cảnh phiên họp |
Cùng ngày, Thống đốc đã tham dự Phiên họp toàn thể Thống đốc NHTTQT tháng 9/2022. Phiên họp thảo luận về diễn biến và triển vọng của chuỗi giá trị toàn cầu. Chuỗi giá trị toàn cầu hình thành từ giữa những năm 1980 khi các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu thiết lập công ty con hay liên doanh tại nước ngoài, đồng thời thuê các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện một số công đoạn trong quá trình sản xuất.
Theo NHTTQT, chuỗi giá trị toàn cầu có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng năng suất và sản lượng thông qua giảm chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ việc cải thiện hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo người lao động và quản lý, chuyển giao công nghệ và thiết lập các mối quan hệ kinh doanh lâu dài.
Ngoài ra, việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu giúp nâng cao tỷ trọng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong GDP toàn cầu. Theo số liệu của NHTTQT, giai đoạn 1985 - 2021, tính theo ngang giá sức mua, tỷ trọng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong GDP toàn cầu tăng từ 33,3% lên gần 60%.
Mặt khác, theo NHTTQT, chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy sự liên kết lẫn nhau giữa các nền kinh tế, khiến các cú sốc được truyền tải nhanh hơn và tác động mạnh mẽ hơn tới kinh tế trong nước. Biểu hiện rõ nhất là việc lạm phát trong nước chịu tác động ngày càng lớn từ biến động trong các điều kiện kinh tế toàn cầu. Sự gián đoạn gần đây cho thấy bên cạnh những lợi ích mang lại, chuỗi giá trị toàn cầu cũng được coi là khởi nguồn của các rủi ro đối với kinh tế thế giới. Sự gián đoạn nguồn cung kéo dài và trên diện rộng do tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine càng làm nổi bật rủi ro bắt nguồn từ chuỗi giá trị toàn cầu như phụ thuộc vào một số nhà cung cấp tập trung, duy trì một số lượng tối thiểu kho dự trữ nguyên liệu đầu vào...
Cũng theo phân tích của NHTTQT, chuỗi giá trị toàn cầu phát triển đến đỉnh điểm vào khoảng năm 2008, sau đó có xu hướng thu hẹp do những nguyên nhân như sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với một số đối tác, các tổ chức tài chính cắt giảm tài trợ cho hoạt động mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu...
Trong trung hạn, chuỗi giá trị toàn cầu đang chịu sức ép bởi một số nhân tố, bao gồm việc một số nền kinh tế phát triển hồi hương một phần công đoạn sản xuất, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng trong khi hạ tầng chưa được chú ý đầu tư đúng mức, và căng thẳng địa chính trị và triển vọng giải quyết chúng. Ở chiều ngược lại, cũng có những nhân tố giúp thúc đẩy sự mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu như sự phát triển của công nghệ và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục được duy trì.
Phát biểu tại Phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá kể từ năm 2020, chuỗi giá trị toàn cầu chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị giữa một số nước, tác động tiêu cực tới hoạt động vận tải, logistics, khiến giá nguyên vật liệu và hàng hóa thiết yếu tăng cao, ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, kinh tế, tài chính và tiền tệ toàn cầu. Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và cũng chịu tác động của gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu như chi phí sản xuất tăng, mất cân đối cung cầu trên thị trường lao động...
Ngoài ra, Việt Nam đang đứng ở những nấc thang cuối trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn từ một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và xuất siêu liên tục sang thị trường Mỹ, châu Âu. Mức thặng dư thương mại phần lớn được dùng để bù đắp cho thâm hụt ở những thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp trong nước liên tục mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, thị trường cung ứng nguyên liệu, tiếp cận các nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Nhờ đó đã củng cố sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm thiểu những rủi ro do phụ thuộc vào một số thị trường cung ứng, tiêu thụ.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mức kỷ lục 497,64 tỉ USD và cán cân thương mại thặng dư 3,96 tỉ USD (đảo chiều so với mức thâm hụt 3,5 tỉ USD cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn so với mức thặng dư của cùng kỳ 3 năm 2018 - 2020).
Trong trung và dài hạn, nguồn vốn FDI dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên do Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với với các nhà đầu tư nước ngoài cùng xu hướng tái sắp xếp chuỗi cung ứng và Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại. Đây được kỳ vọng là động lực giúp tăng trưởng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.