Tin tức

Thu hồi được 40% tài sản tham nhũng

P.V 21/03/2023 07:55

Trả lời tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tổng kết 10 năm đã thu được 40% số tài sản tham nhũng.

Sáng ngày 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Phiên chất vấn.

Tham dự Phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực tòa án sẽ tập trung vào 4 nội dung:

- Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án.

- Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.

- Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Chịu trách nhiệm trả lời chính: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

tai-san-tham-nhung.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp Thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, rõ tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phiên chất vấn lần này là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng cử tri những thông tin chính thống và kết quả công tác của ngành mình. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu về thu hồi tài sản tham nhũng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, liên quan đến các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tòa án các cấp đã thụ lý hơn 12.700 vụ; xét xử hơn 12.200 vụ với khoảng 25.000 bị cáo.

Qua tổng kết 10 năm chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Do đó, để nâng cao hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng thì công tác chứng minh tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng phải rất chất lượng. Do đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. “Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Với câu hỏi của đại biểu chất vấn về việc cán bộ thẩm phán bị kỷ luật vì lợi dụng chức vụ, chức quyền tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ… Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ năm 2018 đến nay có 90 trường hợp bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định 120/QĐ-TANDTC; 91 trường hợp bị kỷ luật, trong đó có: 6 trường hợp bị xử lý hình sự là do vi phạm về phẩm chất đạo đức, có vụ lợi trong hoạt động công vụ; 43 trường hợp thì dừng việc bổ nhiệm, trong đó có 6 trường hợp không được bổ nhiệm do vi phạm nghiêm trọng…

Về xét xử các phiên tòa trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương… Đến nay, đã xét xử hơn 5.400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.

Liên quan đến các câu hỏi chất vấn về án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, một trong những nội dung cải cách tư pháp từ nhiệm kỳ 14 là Quốc hội cho phép Tòa án phát triển án lệ. Lịch sử phát triển án lệ trên thế giới đã có 100 năm, cả thế giới đều cần án lệ. Trong khi đó Việt Nam mới có lịch sử phát triển án lệ vài năm gần đây. Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất không thể bao hàm hết diễn biến cuộc sống. Án lệ được xem là nguồn bổ sung cho giải thích pháp luật và thực tiễn nếu pháp luật chưa đề cập đến, tạo chuẩn mực pháp lý cho các cơ quan áp dụng. Án lệ chỉ là 1 chi tiết của vụ án mà không phải toàn bộ vụ án.

Do đó, cần phải có những bước đi thận trọng, quy trình làm án lệ chặt chẽ. Điều này là rất cần thiết đối với thực tiễn ở Việt Nam. “Vì quá chặt chẽ nên số lượng án lệ của ta khá khiêm tốn. Do đó, trong thời gian tới Tòa án nhân dân tối cao từng bước sửa quy trình này và khuyến khích thẩm phán giới thiệu bản án đẩy nhanh phát triển án lệ”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.

Về giám định trong các vụ án liên quan đến đất đai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định, các vụ án kinh tế phải chứng minh được hậu quả, thiệt hại. Muốn chứng minh được hậu quả và thiệt hại, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định chuyên môn giá trị đất đai nhưng hiện nay có bất cập về hoạt động giám định như trách nhiệm, năng lực yếu. Vì vậy, giải pháp đưa ra là: “nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ giám định viên khi có yêu cầu giám định. Nếu bỏ khâu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ của cơ quan chuyên môn để ban hành các quyết định tiếp theo”.

Trả lời làm rõ một số nội dung tại phiên chất vấn trong đó có liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế là một trong những trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra trong ngành tư pháp nói chung và hệ thống thi hành án dân sự.

Theo đó, trong 5 tháng qua (tính từ tháng 10/2022-3/2023), đã thu được trên 17.000 tỷ đồng, xét về số lượng tuyệt đối đã tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Đây là số liệu rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, còn một số vấn đề đặt ra như: có những khó khăn trong bản thân các vụ án, như số lượng tài sản trong hầu hết các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước; nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian để làm rõ; hay có trường hợp cần xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, làm rõ phần tài sản của người phạm tội và tài sản của người ngay tình, đặc biệt là tài sản chung như tài sản vợ chồng, của hộ gia đình, của các chủ sở hữu khác nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, ngành tư pháp tiếp tục bám sát, thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; bám sát các ý kiến kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó có cơ chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan điều phối của Đảng, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm; thường xuyên báo cáo Chính phủ hoặc đề ra các giải pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác này.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội… tăng cường quá trình giám sát để tập trung vào việc này; hạn chế tình trạng tẩu tán, giấu các tài sản tại các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Kết thúc nội dung chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, có 35 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, 29 đại biểu đặt 50 câu hỏi, 6 đại biểu phát biểu tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao diễn ra rất sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi được 40% tài sản tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO