Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19

TS. Đặng Hoài Linh| 19/11/2020 13:58
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết đánh giá thực trạng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2019, từ đó đề ra các giải pháp trong công tác kêu gọi vốn FDI của Việt Nam trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

Tóm tắt: Theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist (2020), Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch COVID-19, các chỉ số tài chính ổn định. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập lại cơ sở sản xuất sau đại dịch COVID-19.

Bài viết đánh giá thực trạng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2019, từ đó đề ra các giải pháp trong công tác kêu gọi vốn FDI của Việt Nam trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả tập trung giải quyết ba vấn đề, bao gồm: (i) Cơ sở đánh giá kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp; (ii) Thực trạng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn 2010 – 2019; (iii) Cơ hội và thách thức trong việc thu hút vốn FDI trong giai đoạn hậu Covid-19. Trên cơ sở đó, tác giả có đề xuất một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả thu hút vốn FDI vào Việt Nam.

Attracting FDI into Vietnam in the post  COVID-19 pandemic

Abstract: According to the financial health rankings of 66 emerging economies of The Economist (2020), Vietnam ranked 12th, belonging to the safe group in the COVID - 19  crisis with stable  financial indicators. This is a great opportunity for Vietnam to attract foreign direct investment (FDI) in the context that multinational corporations are looking for safe destinations to re-establish production facilities in the post COVID - 19.

This paper assesses the real status of FDI attraction in Vietnam from 2010  to 2019, thereby proposing some solutions in  FDI attraction in the post COVID - 19. The paper focuses on three issues, including: (i) Basis for evaluating the results of FDI attraction; (ii) Actual situation of  FDI attraction in 2010 - 2019 period; (iii) Opportunities and challenges in attracting FDI in the post COVID - 19. On that basis, the author proposes a number of recommendations to enhance the efficiency of FDI attraction into Vietnam.

1. Cơ sở đánh giá kết quả thu hút vốn FDI

FDI được định nghĩa là: “Việc đầu tư dài hạn gắn liền với lợi ích và sự kiểm soát lâu dài của một chủ thể đầu tư ở một quốc gia này (nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hay công ty mẹ) vào một công ty ở một quốc gia khác (công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay công ty con)” (UNCTAD, 2012). Tại một quốc gia, việc thu hút vốn FDI được đánh giá thông qua các chỉ tiêu như sau: quy mô vốn, quy mô vốn dự án và cơ cấu vốn.

1.1. Quy mô vốn

Theo World Bank (2016), quy mô vốn là tổng số vốn góp bằng tiền hoặc tài sản hợp pháp, lợi nhuận để lại và các hình thức vốn khác của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Căn cứ trên cách thức thực hiện, quy mô vốn FDI được phân loại thành: quy mô vốn đăng ký và quy mô vốn thực hiện.

Quy mô vốn đăng ký

Quy mô vốn đăng ký là số vốn do nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đưa vào nước chủ nhà để thực hiện đầu tư trực tiếp, thể hiện tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành), thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.

Quy mô vốn đăng ký thể hiện sự kỳ vọng, niềm tin của nhà đầu tư và mức độ thu hút, hấp dẫn của nước chủ nhà.

Quy mô vốn thực hiện

Quy mô vốn là số vốn thực tế mà nhà đầu tư nước ngoài đưa vào nước chủ nhà để thực hiện đầu tư. Trong đó, việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp - là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Quy mô vốn thực hiện thể hiện hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư, cơ chế quản lý nhà nước, hiệu lực thực thi của các văn bản pháp luật.

1.2. Quy mô vốn dự án

Quy mô vốn dự án là tỷ lệ giữa quy mô vốn và số lượng dự án. Đây là chỉ tiêu đánh giá độ lớn của các dự án FDI tại nước tiếp nhận vốn. Quy mô vốn dự án càng lớn thể hiện nhà đầu tư đã tiếp tục duy trì và phát triển số lượng vốn đầu tư ở nước sở tại trong bối cảnh chính sách, môi trường, pháp luật hiện có, thể hiện phản ứng tích cực của nhà đầu tư và ngược lại.

1.3. Cơ cấu vốn

Cơ cấu vốn là khái niệm dùng để miêu tả tỷ trọng các loại nguồn vốn đầu tư một quốc gia, thể hiện xu hướng phát triển của dòng vốn FDI. Để đánh giá cơ cấu vốn, một số chỉ tiêu thường được dùng như sau:

- Hình thức đầu tư:

Là hình thức mà nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào nước chủ nhà, gồm:

+ Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, là hình thức truyền thống và phổ biến của FDI.

+ Thành lập doanh nghiệp liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, là hình thức được sử dụng rộng rãi trên thế giới từ trước tới nay.

+ Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hình thức đầu tư được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân. Hình thức đầu tư này bao gồm cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, kỹ năng, quy trình.

+ Hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT là hình thức đầu tư được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư nước ngoài.

+ Đầu tư mua cổ phần hoặc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp.

- Lĩnh vực đầu tư:

Là các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào quốc gia chủ nhà. Tại Việt Nam, lĩnh vực đầu tư được chia thành các nhóm ngành nghề sau: công nghệ cao; công nghệ thông tin; công nghệ hỗ trợ; nông nghiệp; bảo vệ môi trường; xây dựng kết cấu hạ tầng; giáo dục; văn hóa; xã hội; thể thao, y tế; khoa học công nghệ; điện tử; cơ khí; sản xuất vật liệu; ngành nghề khác. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, cơ khí, y tế, giáo dục và đào tạo là những lĩnh vực được ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI.  

2. Thực trạng thu hút nguồn vốn FDI giai đoạn 2010 – 2019

Giai đoạn 2010 – 2019, nguồn vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng về số lượng dự án, số vốn đăng ký và số vốn thực hiện, nhất là trong giai đoạn 2016 – 2019 (Hình 1).

Hình 1: Số dự án, tổng số vốn đăng ký và tổng số vốn thực hiện của nguồn vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2010 – 2019

Đơn vị tính: số dự án, triệu USD

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019)

2.1. Quy mô vốn

Quy mô vốn đăng ký và quy mô vốn thực hiện của nguồn vốn FDI có sự tương đồng với quá trình hội nhập và sự điều chỉnh về chính sách mở cửa thu hút vốn FDI của Việt Nam.

Về vốn đăng ký, tính đến năm 2019, 3.883 dự án đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký là 38.020 triệu USD, tăng 214% số lượng dự án đăng ký và tăng 91,2% số vốn đăng ký so với năm 2010. Về vốn thực hiện, 20.380 triệu USD đã được thực hiện đầu tư vào Việt Nam, tăng 85,3% so với năm 2010 và là số vốn thực hiện cao nhất trong giai đoạn 2010 – 2019.

Quy mô vốn FDI vào Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2019 được chia làm 2 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 2010 – 2014: số lượng dự án tăng lên đều. Cụ thể, số lượng dự án chỉ giảm 4% ở năm 2011, sau đó tăng đều đến năm 2014 với mức từ 8% đến 20%. Tuy nhiên, quy mô vốn lại có xu hướng dao động mạnh, không ổn định. Đây là giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế khó khăn, dòng vốn biến động, thất nghiệp gia tăng...

Trong giai đoạn này, kinh tế thế giới nói chung và các quốc gia đang phát triển nói riêng gặp nhiều khó khăn. Kinh tế thế giới sau khi tăng trưởng đạt mức 5,1% năm 2010 thì giảm mạnh về mức 3,9% năm kế tiếp và đến năm 2014 là 3,6%. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 5% ở giai đoạn trước khi khủng hoảng xảy ra. Ở các nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế diễn ra chậm, dao động từ 4,7% đến 7,3% trong giai đoạn này. Đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn FDI đầu tư vào các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hình 2: Tăng trưởng GDP giai đoạn 2010 – 2014

Đơn vị tính: %

Nguồn: World Economic Outlook, IMF

- Giai đoạn 2016 – 2019: quy mô dự án tăng đều qua các năm. Cụ thể số lượng dự án tăng từ 5% đến 23%, số vốn đăng ký tăng từ 5% đến 38% và số vốn thực hiện tăng từ 7% đến 11 %. Giai đoạn này, kinh tế thế giới chưa có những cải thiện đáng kể về mức tăng trưởng, dao động từ 3,1% đến 3,7%. Đối với Việt Nam, đây là giai đoạn tăng cường hội nhập sâu với thế giới và có những cải thiện về chính sách liên quan đến đầu tư, một số sự kiện điển hình có thể kể đến như:

+ Năm 2015: Việt Nam kết thúc đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa tổng số các FTA mà Việt Nam tham gia lên 14. Bên cạnh đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ ngày 31/12/2015 là nền tảng để giúp Việt Nam có nhiều thuận lời trong tiến trình hội nhập; Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực.

+ Năm 2016: Việt Nam đăng cai tổ chức thành công các hội nghị cấp cao ACMECS-7, CLMV-8, WEF Mekong, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế.

+ Năm 2017: Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ APEC 2017, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.

+ Năm 2018: Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba trên thế giới.

+ Năm 2019: Việt Nam và EU ký Hiệp động thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

2.2. Quy mô vốn dự án

Khác với tốc độ tăng trưởng của quy mô vốn, quy mô vốn dự án bình quân có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2010 – 2019. Quy mô vốn dự án đăng ký bình quân năm 2019 đạt 9,8 triệu USD, giảm 39% so với năm 2010. Quy mô vốn dự án thực hiện bình quân năm 2019 đạt 5,25 triệu USD, giảm 41% so với năm 2010. Quy mô vốn dự án bình quân có giá trị nhỏ nhất trong giai đoạn 2010 – 2019.

Theo Tổng cục Thống kê (2020), trong năm 2019, nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD, thậm chí có dự án giá trị chỉ 20.000 USD. Những dự án nhỏ thường đi kèm với công nghệ lạc hậu, nhất là khi thị trường Trung Quốc - nước láng giềng của Việt Nam - đang có xu hướng giảm thiểu công nghệ cũ ra khỏi lãnh thổ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI nhỏ thường là doanh nghiệp vệ tinh chuyên cung ứng nguyên liệu cho của tập đoàn lớn ở nước ngoài, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2.3. Cơ cấu vốn

Hình thức đầu tư

Nếu như những năm trước đây, đầu tư của các dự án FDI theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ cao thì những năm trở lại đây, xu hướng đầu tư mua cổ phần hoặc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp (M&A) phổ biến hơn. Trong năm 2015 và 2016, lần lượt trên 86% và 80% các dự án FDI được cấp phép thực hiện dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những năm tiếp sau đó, hoạt động M&A được các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng hơn, cụ thể: năm 2017 chiếm 17,02%,  năm 2018 chiếm 27,78%, năm 2019 chiếm 56,4% tổng vốn đăng ký. Đây là dấu hiệu tích cực cho nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Bằng cách mở rộng liên doanh, cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường cơ hội tiếp thu công nghệ cao, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý thông qua đầu tư, sản xuất - kinh doanh trực tiếp với chi phí thấp hơn so với các hình thức đầu tư khác. Có hai nguyên nhân chính cho vấn đề này, bao gồm: (i) Quy mô doanh nghiệp trong nước đáp ứng nguồn cung cho M&A; (ii) Chính sách mở cửa của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây có hiệu quả, nhất là chủ trương nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Lĩnh vực đầu tư

Giai đoạn 2011 – 2019, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được các nhà đầu tư nước ngoài tập trung nguồn vốn FDI lớn nhất, chiếm từ 44% đến 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả đối với các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần. Năm 2019, nguồn vốn FDI đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, nâng tổng số vốn đầu tư lũy kế vào lĩnh vực này là 214,2 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư.

Kinh doanh bất động sản và sản xuất phân phối điện thay phiên là lĩnh vực được đầu tư nguồn vốn FDI lớn thứ hai trong giai đoạn 2011 - 2019. Đối với lĩnh vực phân phối điện, trong các năm 2011, 2013, 2015, 2017, tổng vốn đầu tư chiếm từ 9% đến 23,3% tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký, đứng sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong các năm 2012, 2014, 2018, 2019, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về nguồn vốn FDI đầu tư, chiếm từ 9,4% đến 14,2% tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký. Riêng năm 2016, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ hai với 505 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1,899 tỷ USD, chiếm 7,79% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các hoạt động chuyên môn khoa học, thông tin và truyền thông… cũng là những lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm.

Số dự án đăng ký trong ngành nông, lâm, thủy sản vẫn ít và chiếm tỷ trọng vốn rất thấp trong tổng vốn đăng ký theo các năm. Năm 2019, ngành nông nghiệp, thế mạnh của Việt Nam, có vốn đầu tư FDI thấp, đạt 0,26% tổng vốn đăng ký. Điều này thể hiện nhà đầu tư nước ngoài chưa thấy hấp dẫn ở các ngành nghề này.

Qua các số liệu, phân tích nêu trên có thể thấy vốn FDI tập trung vào ngành chế biến, chế tạo chủ yếu đòi hỏi kỹ năng thấp. Nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài muốn tận dụng nhân công giá rẻ và lợi thế thị trường nội địa tại Việt Nam. Theo IMF, tiêu chí thu hút vốn FDI tốt là: “Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào khu vực chế tác, thuộc công nghệ cao, đầu tư dài hạn”. Từ đó, có thể thấy chất lượng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay là chuyển sang định hướng đổi mới, khoa học, sáng tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

3. Cơ hội và thách thức trong việc thu hút vốn FDI giai đoạn hậu COVID-19 tại Việt Nam

Xuất phát từ những bất an về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch COVID-19 mà đến nay vẫn chưa kiểm soát được, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện di dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định và phát triển. Trong đó, 80% doanh nghiệp ngoại rời Trung Quốc là vì cuộc chiến tranh thương mại và 20% còn lại đưa ra quyết định tương tự là do dịch COVID-19 (Julien Chaisee, 2020).

Từ nhu cầu tìm kiếm thị trường mới để hoạt động, sản xuất của các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, Trung Quốc, EU và lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại (CPTPP, EVFTA, IPA…), phòng chống tốt dịch Covid-19, Việt Nam được xem là hội tụ đủ các yếu tố để nâng cao hình ảnh, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài (Times of Indian, 2020). Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI đang là chủ trương lớn của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chính sách như: ưu đãi về thuế, thủ tục, giá cho thuê đất… là những động thái tích cực, hỗ trợ lớn để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những cơ hội nêu trên, việc thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam hiện nay còn có những thách thức như sau:

- Thứ nhất, các thị trường kinh tế đang phát triển (Ấn Độ, Indonesia…) cũng có hành động tích cực nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài như: Xây dựng khu công nghiệp với diện tích lớn, đảm bảo nhu cầu của nhà đầu tư; áp dụng giá cho thuê đất ưu đãi; áp dụng thuế suất ưu đãi…

- Thứ hai, việc đẩy nhanh quá trình thu hút nguồn vốn FDI mà không có chọn lọc như trong giai đoạn vừa qua đã dẫn đến hiện tượng nguồn vốn FDI chất lượng thấp vào Việt Nam như: quy mô vốn nhỏ, ứng dụng công nghệ thấp, không mang tính bền vững...

- Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường Việt Nam thường lo ngại vì thủ tục liên quan phức tạp, rườm rà. Theo kết quả khảo sát của VCCI (2019), 59% doanh nghiệp có công trình xây dựng trong hai năm gần đây cho thấy họ gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, các thủ tục trong lĩnh vực thuế phí, bảo hiểm xã hội mất nhiều thời gian để thực hiện.

- Thứ tư, Việt Nam cần hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch COVID-19, nhanh chóng ổn định và chuyển sang giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau dịch, tạo môi trường kinh doanh ổn định. Đây là nền tảng để củng cố và gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài khi đưa nguồn vốn vào Việt Nam.

- Thứ năm, từ trước đến nay, nguồn lao động giá rẻ, lao động chăm chỉ được xem là điểm thu hút nhà đầu tư chứ không phải là nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao. Trong khi đó, để thu hút được những dự án công nghệ cao thì nguồn nhân lực của quốc gia sở tại phải có trình độ, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải cách về giáo dục và đào tạo, nhưng nhìn chung chính sách phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam và chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ khu vực FDI mới chỉ tập trung theo chiều rộng và chưa chú trọng đến chiều sâu về chất lượng.

4. Một số kiến nghị

Để tận dụng tốt cơ hội thu hút vốn FDI, những kiến nghị mà tác giả đề ra nhằm đến ba mục tiêu: (i) Định hướng thu hút nguồn vốn FDI chọn lọc; (ii) Nguồn nhân lực chất lượng cao là điểm thu hút nhà đầu tư nước ngoài thay vì nguồn lao động giá rẻ như trước đây; (iii) Hoàn thiện cơ sở vật chất, sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể như sau:

- Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng, ưu tiên nguồn vốn ngân sách để hoàn thành sớm các dự án còn dang dở. Đồng thời, cần lựa chọn một số khu vực trọng điểm trong nước để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Song song đó, cần có cơ chế giám sát nhằm đảm bảo nguồn vốn ngân sách được sử dụng đúng việc, đúng mục đích với hiệu quả sử dụng cao nhất. Ngoài ra, để củng cố cơ sở hạ tầng, nhà nước cần có chính sách phù hợp với hình thức đối tác công tư, cụ thể: cơ chế, chính sách pháp luật vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ cộng đồng, vừa cởi mở, minh bạch để tạo điều kiện thu hút được vốn FDI vào các dự án này.

- Thứ hai, nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm các nội dung sau:

+ Bảo vệ môi trường thông qua: xử lý và tiến tới đóng cửa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, phương pháp sản xuất, chế tạo… thân thiện với môi trường; tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất và sinh hoạt cùng các chế tài kèm theo.

+ Về việc tăng cường đảm bảo sở hữu trí tuệ, Nhà nước cần có chính sách xử lý mang tính răn đe đối với những trường hợp cố tình xâm hại thương hiệu, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

+ Tiết giảm thời gian thực hiện và đơn giản các thủ tục hành chính bằng cách: hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành dễ hiểu và dễ thực hiện; tinh gọn bộ máy; quy định rõ trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận trong việc tác nghiệp xử lý thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến cấp phép kinh doanh, giấy phép lao động, quản lý thị thực, thủ tục hải quan, thuế.

- Thứ ba, việc ban hành các chính sách ưu đãi nguồn vốn FDI phải có sự phân cấp theo hướng ưu tiên cho các nhà đầu tư lớn và có quan hệ lâu năm với Việt Nam; dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

- Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước bằng cách: Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ tại doanh nghiệp bằng các lợi ích cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ và đào tạo lồng ghép trong doanh nghiệp, khối ngành nghề, hiệp hội; hoàn thiện công tác hướng nghiệp cho học sinh – sinh viên phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân; có chính sách thu hút, kêu gọi người tài về làm việc trong nước; đổi mới chương trình giáo dục theo hướng lý thuyết đi đôi với thực hành. Nguồn nhân lực của Việt Nam phải sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

- Thứ năm, cần nâng cao khả năng chuyển giao công nghệ bằng cách đưa ra tiêu chuẩn về trình độ công nghệ đối với các dự án đầu tư vào Việt Nam; yêu cầu nhà đầu tư có cam kết về việc chuyển giao công nghệ; tăng cường hình thức đầu tư mua cổ phần hoặc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Quỳnh Thơ (2017), Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

2. Chu Tiến Quang, Đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 (www.vnep.org.vn).

3. The World bank (2019), Bước chuyển về tài chính, Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam.

4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về phát triển khu vực FDI năm 2019

5. Báo cáo của Tổng cục Thống kê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO