(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích thống kê kết hợp so sánh để đánh giá thực trạng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) giai đoạn 2010-2018.
Tóm tắt
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích thống kê kết hợp so sánh để đánh giá thực trạng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) giai đoạn 2010-2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy những thành quả đạt được của việc thu hút vốn FDI vào vùng KTTĐPN trong suốt 9 năm qua và những hạn chế gặp phải trong thực tế. Trên cơ sở đó, bài viết cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ nhằm tăng cường hiệu quả của việc thu hút vốn FDI vào vùng KTTĐPN.
Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Abstract
The paper uses the method of statistical analysis and comparision in order to evaluate the current situation of the foreign direct investment (FDI) in the Southern Key Economic Region during the period from 2010 to 2018. The research results showe the achievements and limitations of the foreign direct investment attraction into the Southern Key Economic Region. Based on that, the article also provides some solutions to enhance the efficiency of FDI attraction into the Southern Key Economic Region.
Key words: foreign direct investment; the Southern Key Economic Region.
1. Giới thiệu
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nhân tố quan trọng của phát triển kinh tế tại tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Với khung chính sách phù hợp, FDI có thể mang lại sự ổn định tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố sự thịnh vượng của xã hội (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD, 2008)
Tại Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập kinh tế, luồng vốn FDI tăng mạnh và có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế cũng như năng suất lao động của doanh nghiệp trong nước. Thực tiễn cho thấy, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào thu hút được nhiều nguồn vốn quốc tế và sử dụng nó hiệu quả sẽ có nhiều cơ hội trong tăng trưởng kinh tế, khắc phục tình trạng tụt hậu so với các nước phát triển.
Vùng KTTĐPN bao gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang với tổng diện tích là 30.745 km2 , tương đương 9,92 % diện tích cả nước tính đến năm 2018 (Tổng cục Thống kê, 2018). Đây là khu vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực, khả năng giao lưu với các nước trong khu vực và là một trong những khu vực dẫn đầu trong việc thu hút vốn FDI tại Việt Nam. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành lần đầu vào 12/1987, trở thành khuôn khổ luật pháp đầu tiên cụ thể hóa quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước về mở cửa, hội nhập tuy nhiên, tình hình hút vốn FDI hiện nay tại các địa phương ở Việt Nam nói chung và tại các tỉnh thành thuộc vùng KTTĐPN nói riêng cũng có nhiều hạn chế (Bộ Kế hoạch đầu tư, 2018). Bằng những con số thống kê của cơ quan chức năng, nhóm tác giả sẽ đúc kết thực trạng lượng vốn FDI tại các tỉnh thành của vùng KTTĐPN giai đoạn 2010-2018; qua đó đề xuất những giải pháp hiệu quả cho vùng KTTĐPN trong việc thu hút vốn FDI.
2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1. Lý thuyết về FDI tại vùng kinh tế trọng điểm
2.1.1. Khái niệm về FDI tai vùng kinh tế trọng điểm
Theo OECD (2008), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một hình thức đầu tư qua biên giới được thực hiện bởi đối tượng cư trú tại một nền kinh tế (nhà đầu tư trực tiếp) với mục tiêu thiết lập lợi ích lâu dài tại một doanh nghiệp (doanh nghiệp FDI) là đối tượng cư trú tại một nền kinh tế khác. Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF (2009) định nghĩa FDI là một hình thức đầu tư qua biên giới theo đó một đối tượng cư trú của một nền kinh tế có quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng nhất định đến việc quản trị, điều hành của một doanh nghiệp là đối tượng cư trú tại một nền kinh tế khác. “FDI là đầu tư có mối liên hệ, lợi ích và sự kiểm soát lâu dài của một pháp nhân hoặc thể nhân (nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc công ty mẹ) đối với một doanh nghiệp ở một nền kinh tế khác (doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc chi nhánh nước ngoài hoặc chi nhánh doanh nghiệp)” (Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển – UNCTAD 2009, trang 243).
Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 thì: “Đầu tư nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác để tiến hành hoạt động đầu tư”. Tổng hợp và kế thừa từ các định nghĩa nói trên về FDI, nhóm tác giả kết luận rằng: FDI là sự di chuyển vốn, công nghệ hoặc các loại tài sản hợp pháp từ nước đi đầu tư sang nước tiếp nhận đầu tư trên cơ sở thông lệ quốc tế và luật pháp của nước sở tại, nhằm thu được lợi ích kinh tế.
Theo Nguyễn Hà Phương và Nguyễn Tiến Huy (2009), vùng kinh tế trọng điểm là vùng hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển, có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh, làm đầu tàu tăng trưởng nhanh để đẩy mạnh quá trình phát triển cho chính mình và tiến tới đóng vai trò chi phối quyết định đối với nền kinh tế cả nước. Bên cạnh đó, vùng kinh tế trọng điểm còn là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, hội tụ các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực – đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước (Viện Chiến lược phát triển, 2004).
Do đó, từ những khái niệm vùng kinh tế trọng điểm và FDI, có thể hiểu rằng FDI là hoạt động đầu tư của tổ chức, cá nhân nước ngoài vào vùng kinh tế trọng điểm của nước khác, đáp ứng yêu cầu của quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng đó, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
2.1.2. Vai trò của vốn FDI trong phát triển kinh tế xã hội của vùng KTTĐ
Vốn FDI không chỉ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của quốc gia và địa phương nơi nhận đầu tư.
Thứ nhất, FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của cả nước. Hoạt động FDI khiến cho quốc gia tiếp nhận đầu tư tham gia ngày càng sâu hơn, rộng hơn vào các quan hệ kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng thương lượng. Mặt khác, sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp có vốn FDI đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau trên cùng một địa bàn sẽ tạo lợi ích kinh tế, môi trường hòa bình, ổn định được thiết lập (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018).
Tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc huy động vốn FDI trở thành mục tiêu phấn đấu của các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai để tạo động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững; đồng thời xác định FDI vẫn giữ vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương (Anh Tuấn, 2018).
Thứ hai, FDI có vai trò thúc đẩy xuất khẩu. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (2012) và Cục Đầu tư nước ngoài (2013), xuất khẩu của khu vực có nguồn vốn FDI ở các tỉnh thành thuộc các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu chung từ năm 2003 và trở thành nhân tố chính thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010. Bên cạnh đó, FDI còn góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo, tạo cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam gia nhập thị trường thế giới.
Thứ ba, FDI thúc đẩy sự phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Theo lãnh đạo các tỉnh thành khu vực trọng điểm phía Nam, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã góp phần đổi mới công nghệ của vùng. Thông qua thu hút FDI, quốc gia tiếp nhận đầu tư có cơ hội tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty này đã phải tích luỹ trong nhiều năm, với những khoản chi phí rất tốn kém. Quá trình vận hành của các doanh nghiệp có vốn FDI, cùng với sự gia tăng của nguồn vốn FDI, các dây chuyền sản xuất hiện đại cũng như các thành tựu khoa học kỹ thuật mới của thế giới sẽ thâm nhập, thẩm thấu vào nước sở tại. Nhờ đó mà trình độ sản xuất, kinh doanh của nước sở tại sẽ dần được phát triển. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013), một số ngành đã thực hiện tốt chuyển giao công nghệ như dầu khí, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo ô tô, xe máy và dệt may.
Thứ tư, hoạt động đầu tư các doanh nghiệp FDI góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước nhận đầu tư nói chung. Các doanh nghiệp FDI trực tiếp tạo việc làm thông qua việc tuyển dụng lao động ở nước sở tại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI còn gián tiếp tạo việc làm thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ cho khu vực kinh tế này.
2.1.3. Một số yếu tố tác động đến nguồn vốn FDI
Kế thừa kết quả nghiên cứu khoa học và những luận điểm đã phát triển thành khung lý thuyết trước đây của nhiều tác giả, bài viết tổng hợp một số nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI tại vùng kinh tế trọng điểm:
Thứ nhất, sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp và chính sách liên quan đến FDI theo hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm, có tác động đến hoạt động FDI, bao gồm: các chính sách, quy định trực tiếp về lĩnh vực, ngành nghề đầu tư, các ưu đãi đầu tư, mức sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài, miễn giảm thuế đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ,...Và một số chính sách kinh tế khác như: chính sách tài chính tiền tệ, chính sách thương mại, chính sách đất đai, chính sách môi trường, chính sách lao động,...
Thứ hai, chất lượng của kế hoạch thu hút FDI tại vùng kinh tế trọng điểm cũng hết sức quan trọng, nhất thiết phải phù hợp với yêu cầu của vùng KTTĐ và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, có tầm nhìn chiến lược trong dài hạn có ảnh hưởng đến việc thu hút FDI trong từng thời kỳ cụ thể.
Thứ ba, năng lực kiểm tra, giám sát hoạt động FDI là một yếu tố không thể không nhắc đến trong việc thu hút nguồn vốn FDI tại các vùng KTTĐ. Vì hoạt động kiểm tra, giám sát là công cụ phản hồi thông tin quan trọng để Chính phủ đánh giá hiệu quả cũng như mức độ hợp lý của những chính sách, quy định liên quan đến FDI đã được ban hành. Ngoài ra, hoạt động kiểm tra, thanh tra giám sát còn phát hiện những vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài, với mục đích tạo điều kiện giúp đỡ họ tháo gỡ những khó khăn trong khi triển khai và đưa dự án vào hoạt động.
Cuối cùng, sự liên kết, phối hợp giữa các Bộ, ngành với địa phương và giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hút FDI. Xử lý các vấn đề mang tính chất liên vùng, liên ngành trong hoạt động FDI là một trong những vấn phức tạp, cần có sự phối hợp, nhằm phát huy tốt các nguồn lực; đảm bảo sự cân đối, hài hòa, tránh được sự trùng lặp, chồng chéo trong cơ cấu đầu tư FDI giữa các tỉnh, thành phố trong một vùng.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu sử dụng chủ yếu là phân tích thống kê, so sánh, tổng hợp các số liệu về thu hút vốn FDI tại các tỉnh thành thuộc khu vực KTTĐPN trong giai đoạn 2010-2018. Dữ liệu nghiên cứu được tổng hợp từ website của Tổng cục Thống kê, Cục Đầu tư nước ngoài và Niên giám thống kê của các tỉnh thành khu vực KTTĐPN.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Tình hình thu hút vốn FDI vào vùng KTTĐPN
3.1.1. Xu hướng biến động của nguồn vốn FDI tại vùng KTTĐPN
Tính đến năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng KTTĐPN đạt 190.594 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017 (Hình 1):
Hình 1: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại vùng KTTĐPN giai đoạn 2010-2018
(Nguồn: Tổng cục Thống kê và Niên giám thống kê các tỉnh) |
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2018, tỷ lệ vốn FDI tại vùng KTTĐPN chiếm tỷ trọng tương đối ổn định trong tổng vốn FDI cả nước (khoảng từ 38% đến 50%). Số liệu tại Bảng 1 cho thấy năm 2018 tỷ trọng vốn FDI của vùng KTTĐPN có giảm so với những năm trước đó:
Bảng 1: Thống kê vốn FDI của vùng KTTĐPN và cả nước giai đoạn 2010-2018
(Nguồn: Tổng cục Thống kê và Niên giám thống kê các tỉnh) |
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018, trong vùng KTTĐPN lượng vốn FDI tại TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vị trí cao nhất. Tính đến năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được lượng vốn FDI là 59 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010. Trong khi đó, Bình Phước là khu vực có lượng vốn FDI thấp nhất vùng KTTĐPN trong suốt giai đoạn nghiên cứu. Tính đến năm 2018, tổng vốn FDI đầu tư vào Bình Phước chỉ xấp xỷ 1,5 nghìn tỷ đồng (Bảng 2):
Bảng 2: Thống kê lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng KTTĐPN theo từng địa phương giai đoạn 2010-2018
ĐVT: tỷ đồng
(Nguồn: Niên giám Thống kê các tỉnh) |
3.1.2. Quy mô vốn FDI tại vùng KTTĐPN
Bảng 3: Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các tỉnh thành vùng KTTĐPN lũy kế đến năm 2018
Khu vực |
Số dự án |
Tổng vốn đăng ký (Tỷ USD) tính đến năm 2018 |
Bà Rịa-Vũng Tàu |
343 |
27,3 |
Bình Dương |
3.472 |
31,75 |
Bình Phước |
191 |
1,99 |
Đồng Nai |
1.883 |
33,78 |
Long An |
969 |
6,10 |
Tây Ninh |
291 |
6,00 |
Tiền Giang |
182 |
4,00 |
TP. Hồ Chí Minh |
7.500 |
44,50 |
(Nguồn: Niên giám Thống kê các tỉnh)
Có thể nói trong nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn nằm trong danh sách những địa phương thu hút FDI nhiều nhất nước nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn cũng như sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của Chính quyền thành phố cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê tại Bảng 3, TP. Hồ Chí Minh ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thu hút vốn FDI. Tính đến ngày 31/12/2018, toàn thành phố đã thu hút tổng cộng 7.500 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 44,5 tỷ USD. Quy mô vốn trung bình khoảng 5,9 triệu USD/dự án. Kế đến là Bình Dương, toàn tỉnh đã thu hút tổng cộng 3.472 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 31,75 tỷ USD và quy mô vốn trung bình khoảng 9,1 triệu USD/dự án. Điều này cho thấy tỉnh Bình Dương đứng thứ hai trong khu vực KTTĐPN sau TP. Hồ Chí Minh về thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài. Với chiến lược đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, giảm mức thu phí và thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn nên số vốn và dự án đầu tư tăng so với năm 2017 (UBND tỉnh Bình Dương, 2018).
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được hơn 1.800 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 33 tỷ USD (tính đến ngày 31/12/2018 theo thống kê tại Bảng 3). Các dự án FDI cấp mới tại tỉnh Đồng Nai có ngành nghề đa dạng, phù hợp định hướng thu hút vốn vào các khu công nghiệp của tỉnh đã đặt ra từ năm 2006 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2018).
Sau Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã thu hút được 343 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 27 tỷ USD, quy mô vốn trung bình là 79,6 triệu USD tính đến cuối năm 2018, cao hơn nhiều lần ở khu vực TP.HCM và các tỉnh khác. Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để tạo tính lan tỏa trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, tỉnh phải thực hiện nhiều biện pháp chọn lọc dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại và giá trị tăng cao. Tuy nhiên, trên thực tế một số dự án lớn khi đầu tư vào tỉnh cũng gặp phải khó khăn, vẫn đang dậm chân tại chỗ hoặc chưa phát huy hiệu quả (UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, 2018).
Các khu vực còn lại trong vùng KTTĐPN như Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang có tổng vốn đăng ký chưa cao mặc dù một số tỉnh có số lượng dự án FDI cao, cho thấy quy mô của dự án còn thấp. Trong đó, khu vực tỉnh Tiền Giang có số lượng dự án lũy kế đến 31/12/2018 là thấp nhất, với 182 dự án theo thống kê tại Bảng 3.
3.1.3. Cơ chế chính sách thu hút vốn FDI vào vùng KTTĐPN
Theo thống kê của UBND tỉnh, thành phố trong vùng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018) các tỉnh thành vùng KTTĐPN đã áp dụng nhiều chính sách để thu hút vốn FDI như:
Thứ nhất, vốn FDI ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng bổ sung cho nguồn vốn đầu tư tại các tỉnh thành của vùng KTTĐPN, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khu vực FDI đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng, điển hình là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2018).
Thứ hai, đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và tăng cường năng lực của nhiều ngành công nghiệp ở các tỉnh thành. Sự phát triển của khu vực FDI của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi liền với một số sản phẩm mới, ngành mới xuất hiện trên địa bàn. Các dự án đầu tư nước ngoài ở Tây Ninh cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: sản xuất sợi, dệt vải ,may mặc, giày dép,…(UBND tỉnh Tây Ninh, 2019).
Thứ ba, đầu tư nước ngoài thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Qua việc thu hút FDI, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đã tiếp thu những công nghệ kỹ thuật hiện đại, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tiến tiến. Ngoài ra, nguồn vốn FDI cùng với các phương thức kinh doanh mới đã tạo ra sự cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ tư, tác động lan tỏa của đầu tư nước ngoài đến các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được nâng cao qua số lượng các doanh nghiệp tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, có tác động lan tỏa đến các thành phần khác của nền kinh tế thông qua sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, công nghệ và năng lực kinh doanh được chuyển giao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018).
3.2.2. Hạn chế về thu hút vốn FDI vào vùng KTTĐPN
Thứ nhất, công tác xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện xuyên suốt sau khi thành lập dự án. Nguồn tài chính cho hoạt động xúc tiến đầu tư tại một số khu vực như TP. Hồ Chí Minh còn khiêm tốn, ít có sự hỗ trợ tài chính từ các Bộ, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018).
Thứ hai, các dự án FDI của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chưa được khai thác triệt để, chưa có sự hỗ trợ về kinh phí giải phóng mặt bằng, thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp địa phương và vùng lân cận. Trình độ công nghệ của các dự án FDI còn hạn chế, vấn đề xử lý môi trường chưa được giải quyết triệt để (UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2018).
Thứ ba, hiệu quả FDI còn thấp so với những lợi thế so sánh của vùng về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch. Mặc dù số lượng dự án FDI và tổng vốn đầu tư vào vùng ngày càng tăng nhưng không phải dự án nào cũng đáp ứng yêu cầu như mong đợi. Nhiều dự án bị lỗ do các tỉnh, thành phố trong vùng chưa lường hết những yếu tố phản ánh năng lực của nhà đầu tư so với nhu cầu vốn thực tế để triển khai dự án. Hơn nữa, yếu tố hạ tầng kỹ thuật cũng chưa phát triển tương xứng với tốc độ thu hút vốn đầu tư vào các địa phương trong vùng KTTĐPN, dẫn tới tiến độ triển khai một số dự án FDI bị ảnh hưởng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018).
4. Kết luận
Từ thực trạng và những hạn chế trong việc thu hút vốn FDI ở vùng KTTĐPN, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn FDI vào vùng KTTĐPN như sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần xây dựng môi trường pháp lý bao gồm một hệ thống các chính sách, quy định phải đảm bảo sự nhất quán không mâu thuẫn, không chồng chéo với nhau và có hiệu lực. Trong đó, quy trình lập quy hoạch và kế hoạch thu hút FDI phải được xem xét kỹ dựa trên những lợi thế so sánh, tiềm năng sẵn có của vùng, nhằm khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực của vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ hai, chiến lược của địa phương về thu hút FDI của địa phương cần phải được chủ động xây dựng. Đối với các tỉnh, thành phố đã có cơ cấu tương đối hiện đại, mức độ thu hút FDI cao như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu nên thu hút các dự án công nghiệp, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao. Hơn nữa vùng KTTĐPN phải xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng quy hoạch treo, lãng phí các nguồn lực.
Thứ ba, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐPN cần phải phối hợp với các bộ, ngành chuyên môn, tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp FDI liên kết, hợp tác với doanh nghiệp địa phương, vùng lân cận nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI mới.
Thứ tư, hoạt động kiểm tra, giám sát cần phải được tiến hành ở tất cả các giai đoạn của quá trình hoạt động FDI và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó cần phải nâng cao trình độ khoa học công nghệ, phát huy tiềm lực của vùng.
Thứ năm, giữa những tỉnh thành của vùng KTTĐPN cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các địa phương, cụ thể là: (i) Phối hợp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quy hoạch, kế hoạch thu hút FDI nói riêng; (ii) Phối hợp trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch thu hút FDI; (iii) Phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác dự báo và quản lý FDI; (iv) Phối hợp trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và việc kiểm tra, giám sát hoạt động FDI.
Cuối cùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp đột phá đảm bảo lợi thế cạnh tranh dài hạn và phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững. Trong đó, nhất thiết là việc chú trọng nâng cao đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia quản trị doanh nghiệp có chuyên môn giỏi, lực lượng lao động lành nghề có năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học của xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO