(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của NHNN, toàn ngành Ngân hàng, bao gồm các NHTM khối nhà nước, cổ phần, kể cả NHTM nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã đóng góp lớn vào tăng trưởng nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Năm 2018 - năm thành công của NHNN
Theo Thủ tướng, năm 2018, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Đảng, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành hợp lực, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, chỉ tiêu quan trọng nhất thực hiện tốt cả số lượng và chất lượng; trong đó đặc biệt nền tảng kinh tế vĩ mô được thực hiện tốt. Một điểm vui mừng nữa đó là chỉ tiêu lạm phát được kiểm soát ở mức 3,54% trong bối cảnh các nước có nhiều biến động. Bên cạnh đó, xếp hạng quốc tế về tín nhiệm Việt Nam được nâng lên.
Đánh giá cụ thể về kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2018, theo Thủ tướng, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, khéo léo, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ, tạo dư địa chủ động của thị trường và chính sách tài khoá phát huy tác dụng. NHNN đã ban hành các chính sách quy định và các văn bản pháp luật có liên quan để triển khai nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta vẫn giữ vững ổn định ngoại tệ, lãi suất, tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt dự trữ ngoại hối trong năm qua đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD là một thành công lớn.
Cùng với đó, các TCTD yếu kém thì nay hoạt động đã ổn định hơn, an toàn hơn, đặc biệt năng lực tài chính tiếp tục được củng cố, năng lực quản trị điều hành từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tổng tài sản, lượng tiền cho vay, huy động vốn, an toàn vốn bình quân, tỷ lệ cho vay, dự trữ ngoại hối đều đã có chỉ số tốt. Đặc biệt, nhiều ngân hàng yếu kém đã vươn lên, đó là điều đáng mừng. Thủ tướng đánh giá các NHTM Nhà nước đã vươn tầm khu vực, khẳng định vị thế, từ đó củng cố cả hệ thống. Thủ tướng cũng hoan nghênh các NHTM đã có sự chia sẻ với nền kinh tế.
Riêng về vấn đề cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu, hiện nợ xấu còn 1,89%, năm 2018 đã xử lý gần 900 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đó là cố gắng rất lớn. “Cục máu đông giờ đã nhỏ dần, nhiều nơi tan đi, cũng do vĩ mô và do điều hành thực chất”, Thủ tướng nói.
Về tín dụng đen, theo Thủ tướng, đây là tội phạm nguy hiểm, Bộ Công an và NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành xử lý.
Thủ tướng đánh giá ngành Ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ số, công nghệ tài chính (Fintech), phát triển phương thức thanh toán mới, đảm bảo an ninh an toàn của hoạt động thanh toán, cung ứng sản phẩm dịch vụ tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều NHTM có lợi nhuận từ khu vực dịch vụ tới 32%, không phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ tín dụng. Thủ tướng đánh giá cao NHNN trong cải cách thủ tục hành chính cắt giảm 1/3 điều kiện kinh doanh, góp phần cải thiện đáng kể chỉ số tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
“Tôi đánh giá cao Ban Lãnh đạo NHNN, biểu dương Thống đốc Lê Minh Hưng đã bình tĩnh, sáng suốt điều hành trôi chảy hoạt động ngân hàng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại của hệ thống TCTD Việt Nam với những hạn chế như năng lực tài chính, chất lượng tài sản, tính chuyên nghiệp…
“Vừa qua, các ngân hàng hoạt động tốt hơn nhưng năng lực chưa cao, sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh chưa hợp lý. Trình độ quản lý điều hành của chúng ta chưa cao, công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với thế giới” Thủ tướng nói. Ngoài ra, xử lý nợ xấu vẫn còn tồn tại, xử lý vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn khá cao, dễ dẫn đến rủi ro an toàn hệ thống. Tín dụng đen còn xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng cần chủ động hơn trong phối hợp với Bộ Công an đồng thời xử lý tốt hơn vấn đề tín dụng đen.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc xử lý Quỹ Tín dụng nhân dân thời gian qua và tới đây. Theo Thủ tướng, ngành Ngân hàng cần tăng cường lấy lại niềm tin trong nhân dân, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng phải đẩy mạnh việc giám sát an toàn hệ thống.
Thủ tướng lưu ý thêm việc cơ cấu lại một số TCTD còn chậm so với yêu cầu, một số TCTD gặp khó khăn. Công tác kiểm soát nội bộ, thanh tra cần kịp thời hơn và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng gần đây đã được chấn chỉnh, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm, không được sơ hở, tiếp tay cho sai phạm của một số TCTD thời gian qua. Thanh tra phải làm cho xong, không được kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn của tổ chức. Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc ứng dụng kỹ thuật trong ngành Ngân hàng.
Thủ tướng đánh giá cao NHNN có Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và lưu ý NHNN trước nguy cơ, rủi ro từ kinh tế thế giới cần đề cao cảnh giác, luôn theo dõi tình hình, có giải pháp linh hoạt, chặt chẽ để điều hành chính sách.
Nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng năm 2019
Nhấn mạnh khát vọng Việt Nam phải vươn lên từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình cao và thu nhập cao, Thủ tướng cho rằng trách nhiệm của NHNN và các TCTD phải đóng góp vào sự phát triển của đất nước, để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018, để ngành Ngân hàng có sự bứt phá. Đây là câu hỏi mà ngành Ngân hàng cần giải đáp. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả, tăng cường khả năng ứng phó để hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là mục tiêu kép, nặng nề, đòi hỏi tầm nhìn cùng sự điều hành khoa học, bản lĩnh, trí tuệ và kịp thời.
Hai là, NHNN sớm có lời giải bài toán ngân hàng với cách mạng 4.0, ngân hàng phải có giải pháp để tiên phong trong cách mạng 4.0, tạo cú hích đối với cả nền kinh tế, trong đó có vấn đề thanh toán điện tử. Xây dựng chương trình hành động với việc triển khai thực hiện các nội dung chiến lược cho từng giai đoạn. Hướng dẫn kiểm tra giám sát đánh giá tình hình triển khai thực hiện chiến lược để trình Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ của các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn, chuẩn mực của Basel II. Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, sự minh bạch và tuân thủ chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị của hệ thống các TCTD. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Ba là, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, lộ trình đã đề ra.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dễ dàng với dịch vụ ngân hàng.
Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Thủ tướng cũng đánh giá trong số các bộ, ngành trung ương thì công tác xử lý truyền thông của NHNN là rất tốt, kịp thời.
Cùng với đó, ngành Ngân hàng cần áp dụng các công nghệ hiện đại, đồng thời lưu ý triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, tạo ra một văn hóa tiêu dùng thông qua thẻ, không dùng tiền mặt cho nhân dân với bước đi phù hợp.
Sáu là, vấn đề hội nhập quốc tế. Trách nhiệm của các NHTM đầu tư ra nước ngoài được kiểm soát tốt hơn. Cùng với các bộ, ngành khác, NHNN cần chủ động đàm phán, tham gia đàm phán các nội dung liên quan đang đàm phán; đánh giá tác động của hội nhập đến tín dụng ngân hàng…
Bảy là, toàn hệ thống tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, minh bạch, làm tốt công tác tổ chức cán bộ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, trong đó có việc “quan tâm đến người dân đến cơ sở, không biếu xén cấp trên”.