Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số

Thanh Hải| 26/09/2021 09:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - "Để hỗ trợ phát triển kinh tế số, xã hội số, các mô hình kinh doanh mới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số; phát triển hạ tầng kết nối".

Toàn cảnh hội thảo

Quan điểm trên được ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức tại Nhà Quốc hội, chiều ngày 24/9. Hội thảo đã đề cập đến các nội dung như: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Được biết, tại dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%”. Mục tiêu này cũng đã được đặt ra trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID -19, dự kiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên dự báo mục tiêu này khó khả thi.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo liên quan đến hầu hết các khía cạnh của phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, giải pháp thực hiện cần được tích hợp trong tổng thể các nhiệm vụ giải pháp thực hiện kế hoạch 5 năm 2021- 2025, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030, trong đó có kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025.

Kiến nghị một số giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn phát triển mới;...
Về thể chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoa Cương kiến nghị tập trung vào các giải pháp sau:

Kiến tạo thể chế: Kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh;

Phát triển hạ tầng số: Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng;

Phát triển nền tảng số: Phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng;

Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Tạo lập niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Để hỗ trợ phát triển kinh tế số, xã hội số, các mô hình kinh doanh mới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số; phát triển hạ tầng kết nối, ví dụ phát triển dịch vụ internet di động 5G; xây dựng các cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy hoạt động điều hành của cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trên nền tảng số”, ông Nguyễn Hoa Cương lưu ý.

Còn theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Do đó, để hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, ông Phạm Đức Nghiệm kiến nghị: "Cần phát triển đồng bộ các thành tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp: từ vườn ươm, các không gian làm việc chung, các chương trình huấn luyện khởi nghiệp, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần đến cải thiện môi trường pháp lý…".

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho rằng, cần nghiên cứu làm rõ vẫn giữ nguyên mục tiêu tại dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 hay cân nhắc điều chỉnh mục tiêu đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế khoảng 1 - 1,2 triệu doanh nghiệp là phù hợp hơn với tình hình thực tế, từ đó điều chỉnh số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn tương ứng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý: "Vấn đề đặt ra phải xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu”.

Qua thảo luận tại hội thảo, về cơ bản các ý kiến cũng nhất trí 5 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để thấy rõ nét, trọng tâm và điểm mới trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có các nhiệm vụ cơ cấu lại không gian kinh tế; tăng cường liên kết vùng phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; phát triển kinh tế đô thị trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành, phát huy vai trò đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số;…

Đối với nội dung cụ thể của từng nhiệm vụ, trên cơ sở ý kiến tham vấn các chuyên gia và các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, Thường trực Uỷ ban Kinh tế sẽ nghiên cứu tiếp thu trong quá trình thẩm tra cùng Bộ Kế hoạch và đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo, nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025. Đưa việc triển khai thực hiện các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO