Thực hiện mục tiêu tăng vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam

TS. Hoàng Nguyên Khai| 22/03/2019 10:02
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Vốn điều lệ là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá tiềm lực tài chính của tất cả các doanh nghiệp nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Các ngân hàng đã đề ra những mục tiêu nhất định trong lộ trình tăng vốn điều lệ theo quy định, tuy nhiên vẫn có số lượng lớn các ngân hàng chưa hoàn thành việc tăng vốn điều lệ theo kế hoạch.

Ngày nhận bài: 14/11/2018 - Ngày biên tập: 19/11/2018 - Ngày duyệt đăng:3/12/2018

Tóm tắt: Vốn điều lệ của 10 ngân hàng thương mại (NHTM) của Việt Nam được bổ sung thêm hơn 43.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018. Đây là một cố gắng lớn của các NHTM này do hiệu quả kinh doanh đảm bảo, chia cổ tức bằng cổ phiếu, thu hút cổ đông chiến lược, nhằm nâng cao năng lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2018, vẫn còn tới hơn 15 NHTM vẫn chưa hoàn tất được kế hoạch tăng vốn trong năm nay theo nghị quyết Đại hội cổ đông, hoặc chỉ mới hoàn thành được một phần nào đó. Nhiều NHTM đang quyết liệt thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ trong 2 tháng còn lại của năm tài chính 2018.

Bài viết nêu lên thực trạng tăng vốn điều lệ của các NHTM hiện nay đồng thời chỉ ra những ảnh hưởng của việc không tăng được vốn điều lệ theo mục tiêu.

Từ khóa: vốn điều lệ, tăng vốn, NHTM

 The implementation of chartered capital increase in Vietnamese commercial banks

Abstract: In the first 9 months of 2018, chartered capital of 10 joint stock commercial banks in Vietnam was added more than 43.500 billion dongs. This was great effort from these banks and thanks to the efficiency in doing business, dividend paid by shares, strategic investors’ attraction to improve financial capacity, competitiveness, ensuring CAR as required by the State Bank of Vietnam and international practices. However, by end of September 2018, more than 15 banks haven’t completed their capital increase plans or completed part of their plans. Many banks are in a hurry to finalize their plans in the last 2 months of 2018 financial year.

The article figures out the current status of chartered capital in Vietnamese commercial banks and the impacts of not having chartered capital increased as target.

Key words: chartered capital, capital increase, commercial bank

1. Thực trạng tăng vốn điều lệ theo mục tiêu đề ra

Thống kê từ báo cáo tài chính hết quý III/2018 đã được công bố công khai, trong 9 tháng đầu năm 2018, có khoảng 10 NHTM của Việt Nam đã tăng được vốn điều lệ, bổ sung thêm hơn 43.500 tỷ đồng, bao gồm: Techcombank, VPBank, MB, SHB, ACB, LienVietPostBank, TPBank, OCB, BacABank, NamABank. Việc tăng vốn điều lệ của các NHTM này chủ yếu được thực hiện bằng phương thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 và cổ phiếu thưởng. Riêng cổ đông của Techcombank được trả cổ tức gấp 3 lần, tức là đang sở hữu 1 cổ phiếu thì được chia thêm 2 cổ phiếu nữa. Cổ đông của VPBank cũng được tăng thêm khoảng 60% so với số cổ phiếu đang sở hữu. Tuy nhiên, trong 10 NHTM đó, thì đến hết tháng 9/2018 mới chỉ có một số ngân hàng đã hoàn thành xong kế hoạch tăng vốn được đề ra trong năm 2018 theo nghị quyết Đại hội cổ đông, đó là Techcombank, VPBank, MB, ACB.

Techcombank là NHTM CP tăng vốn điều lệ nhanh nhất từ mức 11.655 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2018 lên tới gần 35.000 tỷ đồng thời điểm hết tháng 9/2018, tức là tăng gấp 3 lần thông qua việc chia cổ phiếu thưởng như đã nói ở trên với tỷ lệ 1:2 cho các cổ đông vào hồi tháng 7/2018. Với kết quả này, tính đến hết quý III/2018, Techcombank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ 2 trong hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam, chỉ sau Vietcombank khoảng 1.000 tỷ đồng và cao hơn cả BIDV, VietinBank, Agribank.

Ngoài Techcombank, VPBank và MB cũng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ trong quý III/2018. Vốn điều lệ của VPBank đã tăng thêm hơn 10.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2018, lên 25.300 tỷ đồng thời điểm hết tháng 9/2018. Trong khi đó, MB cũng đã tăng hơn 3.400 tỷ đồng, đạt 21.600 tỷ đồng thời điểm hết quý III/2018.

Bên cạnh đó, đầu tháng 11/2018, ACB cũng đã thực hiện xong việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% để nâng vốn điều lệ lên gần 12.886 tỷ đồng. Như vậy, tính đến đầu tháng 11/2018, mới chỉ có 4 NHTM của Việt Nam hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết của Đại hội cổ đông. Thông báo công khai cho biết, ngày 5/12/2018, TPBank chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ lần lượt 8,38% và 19,74%, nâng vốn điều lệ lên 8.500 tỷ đồng. VIB cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 5.644 tỷ đồng hiện tại lên 7.834 tỷ đồng. Phương án tăng vốn thông qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 41,13%, ngày 19/11/2018 là thời điểm đăng ký cuối cùng.

Theo đó, đến nay còn tới 13 NHTM khác vẫn chưa hoàn thành được kế hoạch tăng vốn điều lệ của năm 2018, hoặc chỉ mới thực hiện được một phần. Được biết, nhiều NHTM đang quyết liệt  để thực hiện xong kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2018, hoặc muộn hơn là vào đầu năm 2019.

2. Khó khăn tăng vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM NN)

Đối với các NHTM NN đã cổ phần hóa, việc tăng vốn điều lệ trong một số năm gần đây gặp nhiều khó khăn do phải có ý kiến của Bộ Tài chính và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vì Nhà nước đang giữ tỷ lệ cổ phần chi phối. Ngày 30/10/2018, BIDV đã chính thức xin ý kiến cổ đông về việc phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu cho Ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) và ngân hàng này sẽ trở thành cổ đông chiến lược của BIDV. Dự kiến việc phát hành cổ phiếu cho đối tác này sẽ diễn ra vào cuối 2018 hoặc năm 2019 và sẽ giúp vốn điều lệ của ngân hàng này tăng lên mức 40.220 tỷ đồng.

Vietcombank thông báo đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 39.575 tỷ đồng, tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10% theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua.

VietinBank chưa có thông báo cụ thể công khai về kế hoạch tăng vốn. Tuy nhiên, tại Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 nêu rõ, đối với các NHTM NN (không bao gồm Agribank), sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, song vẫn bảo đảm Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Còn trong giai đoạn 2021 – 2025, sở hữu của Nhà nước tại các NHTM NN sẽ được giảm xuống còn 51%. Theo quyết định này, kế hoạch tăng vốn điều lệ của VietinBank sẽ được thực hiện trong năm 2019, muộn nhất là năm 2020. Cổ đông của VietinBank kỳ vọng được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn và dự kiến cũng sẽ có sự thay đổi về cổ đông nước ngoài tại ngân hàng này.

Được biết, Thống đốc NHNN cũng đã đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi các Nghị quyết của Quốc hội, hoặc bổ sung vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc); trong đó có VietinBank và 2 NHTM NN khác đã cổ phần hóa mà Nhà nước đang giữ tỷ lệ cổ phần chi phối.

Hiện nay hệ số an toàn vốn (CAR), mặc dù chưa áp dụng theo chuẩn mực của  Basel II, nhưng nhiều NHTM NN đã chạm ngưỡng thiếu an toàn. Nếu áp dụng theo Basel II, tỉ lệ này đã vi phạm ngưỡng an toàn.

Theo thống kê của NHNN, hiện nay hệ số an toàn vốn (CAR) của khối NHTM NN là 9,48% (quy định hiện hành là 9%). Nếu không khẩn trương tăng vốn điều lệ, thì khi áp dụng theo Basel II, hệ số CAR của các NHTM NN không đạt được yêu cầu tối thiểu về an toàn vốn (quy định mới là 8% song cách tính toán nghiêm ngặt hơn). Để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8-2 lần so với hiện tại. Trong số 4 NHTM NN, trừ Agribank, 3 ngân hàng còn lại là Vietcombank, Vietinbank, BIDV đều đang thí điểm thực hiện tiêu chuẩn Basel II.

Riêng Agribank, dù chưa phải áp dụng Basel II trong giai đoạn thí điểm, song khi Basel II được áp dụng chính thức, thì ngân hàng này cũng sẽ phải chịu áp lực tăng vốn rất lớn. Agribank hiện nay là NHTM 100% vốn nhà nước, do đó, việc tăng vốn điều lệ dựa vào ngân sách nhà nước là chính. Từ năm 2011 đến nay, Agribank được cấp 8.300 tỷ đồng; vốn điều lệ hiện nay của ngân hàng là 30.000 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất trong nhóm 4 NHTM NN, dẫn tới năng lực tài chính hạn chế, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp, ảnh hưởng việc triển khai hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Về việc cổ phần hóa Agribank, do sự khác biệt về quy mô tài sản, mạng lưới, con người, nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Với điều kiện các công việc được triển khai tối ưu, không bị trì hoãn thì nhanh nhất cũng phải năm 2020, Agribank mới có thể thực hiện được IPO.

Nếu không tăng vốn điều lệ thì các NHTM NN khó có khả năng đáp ứng được hệ số an toàn vốn theo Basel II. Khi đó, các NHTM NN sẽ phải giảm tín dụng, vì càng tăng tín dụng, hệ số CAR càng giảm nếu vốn chủ sở hữu không tăng. Do đó, cho dù ngân sách nhà nước hạn hẹp vẫn cần phải giữ lại cổ tức nhà nước hàng năm để tăng vốn cho các NHTM NN đã cổ phần hóa.

NHNN đang kiến nghị Chính phủ nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM NN, đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo Basel II. NHNN kiến nghị Chính phủ chấp thuận về chủ trương, kế hoạch vốn và phương án tăng vốn cho các NHTM NN của từng năm tài chính giai đoạn 2018-2020 và cơ chế tăng vốn để bù đắp mức thiếu hụt vốn dự kiến theo từng năm tài chính của các ngân hàng theo các thứ tự ưu tiên.

NHNN cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp nghiên cứu xử lý các vướng mắc pháp lý, báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các Nghị quyết của Quốc hội hoặc bổ sung vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2019 theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM NN (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc) và đưa nhu cầu bổ sung vốn cho các NHTM NN vào danh mục đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, NHNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo hai bộ trên lập dự toán chi ngân sách hàng năm cho các khoản mục cấp bổ sung vốn cho các NHTM NN; bố trí nguồn và cấp vốn để các NHTM NN thực hiện phương án tăng vốn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Kết luận và khuyến nghị

Hệ số an toàn vốn (CAR) là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của NHTM. Hệ số CAR là thước đo quan trọng để đo mức độ an toàn hoạt động của ngân hàng, được Ủy ban Basel xây dựng và phát triển (CAR = Vốn tự có/Tổng tài sản “Có” rủi ro).

Thông tư 36/2014/TT-NHNN bổ sung quy định xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp; Các cấu phần vốn, phương pháp tính và cách tính, duy trì tỷ lệ này được quy định cụ thể, chi tiết thành phụ lục để dễ thực hiện, giám sát, kiểm tra. Tiếp đó, tháng 12/2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có nội dung hướng theo chuẩn Basel II với nhiều điểm thay đổi so với các thông tư trước, như: Điều chỉnh hệ số CAR từ 9% xuống 8% nhưng bổ sung yêu cầu vốn cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động bên cạnh yêu cầu vốn đối với rủi ro tín dụng. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Tăng vốn điều lệ của các NHTM ngày càng có tính cấp thiết, đã có từ nhiều năm trước, nhưng cuối cùng thực hiện được kế hoạch hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện thực tế, đối với các NHTM NN thì như đề cập ở trên, còn các NHTM tư nhân thì chủ yếu là tùy thuộc vào kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế và sau trích lập các quỹ, khả năng thu hút cổ đông chiến lược. Do đó, đối với các NHTM quy mô nhỏ, NHTM đang có tỷ lệ nợ xấu cao, NHTM thương hiệu hạn chế, thì việc tăng vốn điều lệ có nhiều khó khăn. Đối với nhóm NHTM  này, giá cổ phiếu đang ngày càng phân hóa mạnh,  thậm chí cổ phiếu thị giá quá thấp, dưới mệnh giá (dưới 10.000 đồng/cổ phiếu), nên ít nhận được sự chú ý của nhà đầu tư. Trong một số năm tới, khoảng cách về vốn của nhiều NHTM quy mô nhỏ và trung bình có thể sẽ ngày càng xa. Như vậy Hội đồng quản trị, các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn cần có chiến lược kinh doanh nổi bật, có tính chất đột phá, chủ động tìm kiếm cổ đông tiềm năng để đảm bảo tăng vốn điều lệ theo quy đinh, theo lộ trình, nếu các NHTM chậm tăng vốn, không đáp ứng được CAR, quy mô vốn quá nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, rất dễ bị mua lại, sáp nhập, đây là xu hướng tất yếu.

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo tài chính hết quý III/2018 của 19 NHTM CP của Việt Nam được lựa chọn

- Hiệp ước Basel I, II, III;

- Thông tư 36/ 2014/TT- NHNN ngày 20/11/2014; Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016;

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện mục tiêu tăng vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO