Hoạt động ngân hàng

Tín dụng chính sách: Điểm tựa hộ nghèo đổi đời ở tỉnh Bạc Liêu

ThS.Trần Trọng Triết 10/06/2024 - 14:42

Tỉnh Bạc Liêu đã tập trung thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ và đồng hành cùng hộ nghèo. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện có hiệu quả hỗ trợ vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh cho vay các dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tạo thu nhập, việc làm và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Được biết, đồng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Bạc Liêu đã cho vay để triển khai tổng số hơn 80 mô hình sinh kế cho trên 1.000 lượt hộ tham gia, chủ yếu là các mô hình sản xuất nông nghiệp, như: chăn nuôi, trồng màu… Qua đó, đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ nghèo.

Các mô hình sinh kế này không chỉ giúp tạo thu nhập, việc làm, tận dụng được diện tích đất trống hay bỏ hoang mà còn góp phần vào việc cải thiện bữa ăn, giảm và tiết kiệm chi phí cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo.

Cùng với dự án đa dạng hóa sinh kế còn có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo và cận nghèo. Đơn cử như xã Vĩnh Thịnh thực hiện mô hình nuôi cá kèo thâm canh trong ao đất. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 840 triệu đồng, được triển khai tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, có 30 hộ nghèo và 2 hộ dân làm kinh tế giỏi tham gia. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã phối hợp với các xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai các mô hình nông nghiệp cho hơn 400 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí hơn 2.314 triệu đồng.

Ngoài ra, dòng chảy tín dụng chính sách cũng tham gia dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững cũng đã góp phần rất tích cực vào công tác giảm nghèo của tỉnh đạt hiệu quả.

tin-dung-chinh-sach-diem-tua-ho-ngheo-doi-doi-o-tinh-bac-lieu.-2-.jpg

Theo số liệu báo cáo từ NHCSXH chi nhánh tỉnh, tính đến nay, tổng nguồn vốn đạt 3.100 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 39 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 1,27%. Tổng doanh số cho vay đạt 144 tỷ đồng, với 4.169 lượt khách hàng được vay, nâng tổng dư nợ lên 3.096 tỷ đồng, với 95.580 hộ nghèo, các đối tượng chính sách đang được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi. Tổng nợ xấu giảm trên 5 tỷ đồng so với đầu năm, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách được NHCSXH Trung ương đánh giá xếp loại khá...

Đáng chú ý, chính quyền thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã ưu tiên chuyển nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH với số tiền 1,5 tỷ đồng để kịp thời bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng tổng nguồn vốn ủy thác đến nay đạt trên 9 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn ủy thác, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã đã phân bổ vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tập trung vào các mô hình chăn nuôi, kinh doanh buôn bán, dịch vụ… Đến nay, nguồn vốn ủy thác của thị xã đã giải quyết cho 213 lao động có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập.

Nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đã phát huy hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu của thị xã về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo đảm an sinh xã hội.

Song hành đó, còn có chính sách cho vay để mua hoặc xây dựng mới nhà ở cho các đối tượng đủ điều kiện vay vốn. Mỗi trường hợp đủ điều kiện có thể được vay vốn từ 400 - 500 triệu đồng để cất được một căn nhà kiên cố “an cư lạc nghiệp”.

Với lãi suất ưu đãi, thời gian vay vốn dài, thủ tục đơn giản, bằng số tiền vay cùng với tích lũy của gia đình, chị Châu Thị Nga ngụ phường 1, thị xã Giá Rai chia sẻ, bản thân rất vui vì vay được khoản tiền để cất nhà với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy, vợ chồng chị có đủ kinh phí để xây dựng một ngôi nhà trong mơ và có kế hoạch để trả tiền vốn cũng như lãi vay cho ngân hàng.

Đây cũng là một trong những chính sách của NHCSXH giúp người dân có thể vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà, ổn định cuộc sống rất hiệu quả. Trong năm 2023, Giá Rai đã giải ngân cho 2 hộ vay gần 1 tỷ đồng để xây mới nhà ở, đạt 100% kế hoạch giao. Năm 2024, thị xã tiếp tục tuyên truyền đến người dân và các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn về chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; phối hợp tốt với các tổ chức hội, tổ tiết kiệm vay vốn bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, đề nghị NHCSXH thị xã phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách, đồng thời quản lý tốt nguồn vốn nhằm hỗ trợ kịp thời các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện tại, Bạc Liêu đang quản lý 869 người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại địa phương. Do đó, việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng giúp hạn chế tối đa nguy cơ tái phạm.

Ngay sau khi Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với NHCSXH tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Chính phủ đến với Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng.

Song song đó, tỉnh quán triệt, chỉ đạo các ngành có liên quan trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm, khuyến nông, khuyến ngư… đồng loạt vào cuộc để cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH tỉnh tập trung hỗ trợ quá trình sử dụng vốn của người chấp hành xong án phạt tù với phương châm thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ, đảm bảo đồng vốn được bảo toàn và được sử dụng hiệu quả.

Việc thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã được NHCSXH tỉnh giải ngân số tiền 520 triệu đồng cho 11 trường hợp chấp hành xong án phạt tù.

Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm lỡ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng mang tính nhân văn của Chính phủ.

Theo Quyết định 22, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được Công an cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi NHCSXH làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Nếu vay để đào tạo nghề tối đa sẽ là 4 triệu đồng/tháng/người. Nếu vay để sản xuất kinh doanh thì được vay tối đa 100 triệu đồng/người.

Đáng chú ý, theo Quyết định 22, những cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% trên tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn, được UBND cấp xã xác nhận thì có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau: tiếp tục triển khai kịp thời các chương trình tín dụng và hoàn thành 100% kế hoạch huy động vốn tại địa phương và kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao trong quý II/2024; xử lý thu hồi giảm từ 7,5% tổng khối lượng nợ quá hạn, nợ khoanh so với đầu năm; chất lượng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá từ 80% trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng chính sách: Điểm tựa hộ nghèo đổi đời ở tỉnh Bạc Liêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO