Tín dụng cho bất động sản luôn được điều hành nhất quán

Ngô Hải| 08/06/2022 10:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do báo Thanh niên phối hợp với Viện Kinh tế Xanh tổ chức ngày 7/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: “NHNN chưa có văn bản chỉ đạo nào vấn đề “siết” hay “thắt”, “chặn” tín dụng bất động sản”.

Buổi Tọa đàm còn có sự hiện diện của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM), doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại TP. Hồ Chí Minh…

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm

Ngành Ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản phát triển

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao vai trò của BĐS và cho rằng đây luôn là lĩnh vực được Chính phủ, NHNN quan tâm.

Phó Thống đốc cho biết, việc kinh doanh cho vay BĐS của các NHTM dựa trên đánh giá hiệu quả dự án, năng lực chủ dự án. NHTM cũng là doanh nghiệp, huy động tiền của dân và có trách nhiệm trả tiền, cho vay thì nguyên tắc phải thu được tiền.

“Tôi không hiểu vì sao các dự án lại không vay được. Ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để làm rõ xem vướng mắc ở đâu rồi cùng tháo gỡ để phát triển thị trường BĐS lành mạnh. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực BĐS phát triển nhằm khôi phục nền kinh tế sau dịch”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Để chứng minh tín dụng vào BĐS hiện nay vẫn tăng, Phó Thống đốc cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực này đạt 2,288 triệu tỉ đồng, trong đó phân khúc kinh doanh, đầu tư khoảng 750.000 tỉ đồng, còn lại là đối tượng vay mua nhà ở. Tính đến ngày 30/4, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào BĐS đạt 10,19% (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế khoảng 7%) và chiếm 20% tổng dư nợ kinh tế (trước đây hơn 19%). Đặc biệt, dư nợ tín dụng đối với đối tượng nhà ở xã hội tăng 11,5% (tính đến ngày 31/12/2021) và hiện nay còn tăng cao hơn bình quân tăng trưởng chung đối với nền kinh tế.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các chỉ đạo của NHNN thời gian qua liên quan đến vấn đề tín dụng BĐS đã đi trước một bước và đi theo lộ trình phù hợp. Năm 2017, NHNN đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cho phép sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tối đa là 45%. Theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kể từ ngày 1/10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%. Như vậy, 5 năm qua, NHNN đã có một lộ trình rất rõ ràng, từng bước giảm tỷ lệ này xuống.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm

Để khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS minh bạch, giúp thị trường ổn định, TS. Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị đáng chú ý như: Cần phải có thị trường tài chính kết hợp giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ; cần phải phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành để tạo điều kiện cho BĐS xây dựng hệ sinh thái BĐS theo hướng kinh tế tuần hoàn; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về BĐS; phát triển các công cụ tài chính phái sinh như chứng khoán hóa các khoản cho vay thế chấp cầm cố BĐS…; tập trung phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội; xây dựng thông tin mua bán nhà đất thống nhất trên toàn quốc; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai nhiều năm không triển khai và những chủ đầu tư không đủ năng lực thì phải thu hồi…

Ngoài những kiến nghị trên, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp BĐS phát triển. Tuy nhiên cũng phải xem xét đối tượng, tạo điều kiện làm sao cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm, từ đó giá thành cung cấp ra thị trường phù hợp với thực tế.

Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo các ngân hàng VietinBank, BIDV và OCB cũng đã có những chia sẻ tại Tọa đàm về quan điểm và các hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp BĐS. Các NHTM đều khẳng định những dự án hiệu quả, chủ đầu tư uy tín được ưu tiên cho vay. Ngoài ra, các NHTM cũng chia sẻ về một số sản phẩm cho vay BĐS tại các ngân hàng đang được khách hàng và thị trường quan tâm đón nhận.

Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết, trong thời gian tới có 3 phân khúc mà Ngân hàng BIDV sẽ tập trung hỗ trợ, đó là: bất động sản công nghiệp; bất động sản nhà ở; bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng. “Những dự án chủ đầu tư có kinh nghiệm, tính khả thi, vị trí phù hợp và khả năng bán hàng tốt sẽ được cho vay”, ông Trần Phương chia sẻ và cho biết thêm: “trong quá trình thoả thuận với khách hàng, doanh nghiệp cũng phải liệu cơm gắp mắm, tránh đầu tư dàn trải, có lực đến đâu, có sự hỗ trợ vốn đến đâu sẽ đầu tư đến đó. Nếu mất cân bằng giữa mua vào và bán ra sẽ gây rủi ro cho chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.

Các dự án có hiệu quả, có năng lực, dù lớn hay nhỏ đều được xem xét cho vay

Tại Tọa đàm, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú bày tỏ sự chia sẻ với các suy nghĩ, trăn trở của các doanh nghiệp BĐS, Hiệp hội BĐS về vấn đề tín dụng cho lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng khẳng định: “NHNN chưa có văn bản chỉ đạo nào vấn đề “siết” hay “thắt”, “chặn” tín dụng”.

Toàn cảnh tọa đàm

Vẫn biết vốn tín dụng là rất quan trọng với các doanh nghiệp BĐS hiện nay nhưng BĐS là đầu tư dài hạn, việc ngân hàng dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, rõ ràng được cho DN thì ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro thanh khoản rất lớn. Tuy vậy, suốt nhiều năm qua, ngân hàng đã làm điều đó, trước hết là vì sự phát triển chung của đất nước và cũng là để lĩnh vực BĐS phát triển.

Phó Thống đốc cũng nhắc lại về cuộc khủng hoảng tiền tệ của Mỹ xảy ra năm 2007 - 2008 đã dẫn đến hậu quả rất lớn cho nền kinh tế Mỹ. Bản thân Việt Nam trong các năm 2009 đến năm 2011, 2012 cũng đã có bài học về câu chuyện BĐS. Việc BĐS nóng từng ngày, từng giờ đã dẫn đến câu chuyện bong bóng BĐS và để lại những hậu quả không nhỏ. Do vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Chính sách, quan điểm chỉ đạo, điều hành của NHNN từ ngày đó đến nay luôn nhất quán. Đó là kiểm soát chặt chẽ tín dụng có nguy cơ rủi ro khi đầu tư vào các lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao. Đây cũng là quan điểm thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội”.

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội. Lĩnh vực BĐS cũng chịu tác động nhưng có phần ít hơn và không bị thiệt hại nặng như những lĩnh vực khác, thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn hưởng lợi khi giá BĐS vẫn tăng cao. Qua 2 năm, ngành Ngân hàng đã chia sẻ hơn 42.000 tỷ đồng từ lợi nhuận cho các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp BĐS.

Phó Thống đốc cho biết, có 2 nguyên tắc, mục tiêu quan trọng chi phối các chính sách, điều hành của NHNN. Một là, chính sách phải kiểm soát đảm bảo ổn định kinh vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền; hai là, phải đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. "Nếu năng lực, hệ số tài chính của ngân hàng yếu kém…, quốc tế đánh giá uy tín quốc gia thấp thì lập tức ảnh hưởng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nên không thể để ngân hàng yếu kém. Chính vì thế 2 mục tiêu này xuyên suốt trong xây dựng cơ chế chính sách NHNN", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc kiểm soát rủi ro tín dụng chính là kiểm soát những khoản đầu tư của các NHTM vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro. NHNN chỉ quản lý rủi ro của các NHTM khi cho vay vào lĩnh vực BĐS, đặc biệt là vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro như kinh doanh BĐS, BĐS có tính chất đầu cơ hay các dự án có phân khúc lớn, giá trị lớn…; còn tín dụng đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người nghèo… thì luôn được khuyến khích.

“Những dự án nào có hiệu quả, có dòng tiền, đảm bảo chứng minh được các phương án hiệu quả thì chúng tôi vẫn khuyến khích NHTM quan tâm, tạo điều kiện cho vay. NHNN không có chính sách “siết” hay “thắt” tín dụng vào lĩnh vực này”, Phó Thống đốc khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng cho bất động sản luôn được điều hành nhất quán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO