Hoạt động ngân hàng

Tín dụng lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngành Ngân hàng Khu vực 12 chiếm 63,4% tổng dư nợ

ThS.Trần Trọng Triết 26/04/2025 - 15:14

Nhằm góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 12 đã và đang quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực 5 tỉnh Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh đẩy mạnh cho vay lĩnh vực địa phương có thế mạnh.

Ông Tạ Thành Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 12 chia sẻ, đến cuối tháng 3/2025, dư nợ cho vay đối với ngành thương mại, dịch vụ tại ngân hàng Khu vực 12 đạt khoảng 753,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2024, chiếm 63,4% tổng dư nợ cho vay tại khu vực 12 và chiếm khoảng 7% tổng dư nợ ngành thương mại, dịch vụ trên toàn quốc.

Đáng chú ý, lĩnh vực thương mại, dịch vụ 2 tỉnh có tỷ lệ dư nợ cho vay dẫn đầu khu vực là Đồng Nai và Bình Dương lần lượt chiếm 32,6% và 30,8% tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này của khu vực. Những yếu tố này đã góp phần tích cực vào doanh thu và sản lượng của ngành vận tải, thúc đẩy hoạt động vận chuyển hàng hóa và dịch vụ kho bãi phát triển ổn định trong những tháng đầu năm.

cong-nhan-lam-viec-tai-mot-cong-ty-che-bien-hat-dieu..jpg
Ảnh minh họa

Nhờ nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng khu vực 12, trong quý I/2025, Đồng Nai chi gần 1,6 tỷ USD để nhập khẩu 4 mặt hàng cho sản xuất công nghiệp là: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; chất dẻo; hóa chất. Các mặt hàng trên chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh. Kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng trên đa số đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2024.

Đây cũng là những mặt hàng tỉnh Đồng Nai đang xuất khẩu lớn. Đơn cử như: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang xuất khẩu hơn 632 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện xuất khẩu 310 triệu USD; chất dẻo gần 110 triệu USD…

Từ những số liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ hội để kết nối, cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau để giảm nhập khẩu.

Qua tìm hiểu, hiện có nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất và tìm thị trường xuất khẩu, chưa chú trọng đến thị trường nội địa. Trong khi thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác. Nếu khai thác tốt thị trường trong nước, cả doanh nghiệp bán lẫn doanh nghiệp mua đều có lợi. Doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng được tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, tăng số lượng tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài kết nối cung ứng cho doanh nghiệp tại Đồng Nai, cũng có thể cung ứng cho doanh nghiệp ở các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Bởi các tỉnh, thành trên cũng có công nghiệp phát triển và phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt các tỉnh, thành có công nghiệp phát triển nên liên kết với nhau và cùng các hiệp hội, ngành hàng thường xuyên tổ chức hội nghị giao thương, triển lãm theo từng ngành, lĩnh vực để doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm cơ hội cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngành Ngân hàng Khu vực 12 chiếm 63,4% tổng dư nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO