Tín dụng tăng khoảng 11% và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Ngô Hải| 29/12/2020 08:44
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dù nửa đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm, song đã phục hồi từ quý II/2020 khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019.

Chia sẻ về hoạt động tín dụng năm 2020, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, ngay từ đầu năm ngành Ngân hàng đã bám sát những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều văn bản (Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Chỉ thị 02…) chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh kịp thời rà soát thiệt hại, áp dụng các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn; miễn giảm phí… Đồng thời, tăng trưởng và mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Hình minh họa

NHNN cũng ban hành các Thông tư quy định việc tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của TTCP.

Cùng với đó là triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, như: Nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm tài sản; (ii) đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ; (iii) đa dạng hóa loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng… Đồng thời, phối hợp với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tổ chức gần 20 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên tất cả 6 vùng kinh tế để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Ngành Ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất…) tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ người dân bị ảnh bởi bão, lũ tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn vùng đông bằng Sông Cửu Long…

“Với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành Ngân hàng đã tạo đà góp phần phục hồi tăng trưởng tín dụng”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Theo đó, dù nửa đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm, song đã phục hồi từ quý II/2020 khi cầu tín dụng bắt đầu tăng, cụ thể: Đến cuối quý I/2020 tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%, cuối quý III/2020 tăng 6,08% và đến ngày 21/12/2020 tín dụng đã tăng 10,14%, dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019.

Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP, cụ thể: So với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8,63%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%; ngành thương mại dịch vụ tăng 11,5%.

Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cụ thể: So với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%...

Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và phục vụ đời sống có xu hướng giảm dần, chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện; tín dụng đối với dự án BOT, BT giao thông có xu hướng giảm (-0,59%); chứng khoán tăng 0,2%.

Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đạt 225.376 tỷ đồng, tăng 8,98% so với thời điểm ngày 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ; Dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã trên toàn quốc phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 48% tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực cho mọi mặt của đời sống xã hội, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tác động tiêu cực của thiên tai, theo đó: Đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Riêng NHCSXH đã thực hiện giải ngân đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động với tổng dư nợ là 25,26 tỷ đồng cho 170 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 6.834 người.

NHNN cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 6.500 khách hàng bị thiệt hại bởi hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng Sông Cửu Long, mưa lũ miền Trung, Tây Nguyên với dư nợ trên 2.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho hơn 31.000 khách hàng với dư nợ gần 32 nghìn tỷ đồng; cho vay mới hơn 41.000 khách hàng với dư nợ trên 9.000 tỷ đồng. Riêng NHCSXH đang thực hiện khoanh nợ số tiền trên 90 tỷ đồng cho gần 2.400 khách hàng, xóa nợ 470 triệu đồng cho 23 khách hàng.

Bên cạnh đó, công đoàn và các cán bộ ngành ngân hàng cũng đã tích cực đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ an sinh xã hội cho các tỉnh,thành phố, người dân bị thiệt hại nặng bởi bão lũ với số tiền khoảng 153,6 tỷ đồng.​

Bước sang năm 2021, để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chỉnh phủ; căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và thực tế, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả, có sức lan tỏa; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Trong năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt và xử lý khó khăn cho khách hàng vay vốn. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của doanh nghiệp, người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng.

Cùng với đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể kéo dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế, thương mại trong nước; ban hành văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xử lý đề nghị khoanh nợ theo quy định tại Nghị định 55 và Nghị định 116.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng tăng khoảng 11% và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO