Tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Cần đồng bộ các giải pháp

Thanh Thanh| 21/12/2020 09:54
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, song cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua còn gặp một số khó khăn mà chỉ sự nỗ lực của  riêng ngành Ngân hàng là chưa đủ…

Tại Diễn đàn “Phát triển Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Lĩnh vực ưu tiên

Trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, sau đó được thay thế bởi Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP).

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng nhà nước (NHNN)

Trong đó quy định chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích sản xuất NNUDCNC  gia tăng giá trị nông sản như: quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án; quy định về cơ chế xử lý nợ đặc thù (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ) khi xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng…

Đặc biệt, thực hiện chương trình khuyến khích phát triển NNUDCNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5% -1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí NNUDCNC, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ NN&PTNT. Đẩy mạnh triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để hộ dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, NHNN cũng cho phép các TCTD được cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu trong việc lựa chọn nguồn vốn vay với chi phí phù hợp….

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, riêng trong năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có NNUDCNC. Hiện lãi suất cho vay tối đa là 4,5%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay…

Tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách, đến nay đã có trên 80 TCTD và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn Châu Phi…, song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá.

Đến cuối tháng 10/2020, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và 116/2018/NĐ-CP đạt 2.168.921 tỷ đồng, tăng 6,21% so với cuối năm 2019 và chiếm 24,8% dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, cho vay khuyến khích phát triển NNUDCNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ (gói 100.000 tỷ đồng), đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt hơn 67.500 tỷ đồng (đạt trên 67,5%), dư nợ khoảng 27.000 tỷ đồng với hơn 13.000 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực NNUDCNC với dư nợ chiếm hơn 90% tổng dư nợ của chương trình, chủ yếu là cho vay trung, dài hạn.

Đông đảo doanh nghiệp tham dự Diễn đàn

Một số dự án điển hình có dư nợ cho vay lớn như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương cho vay dự án chăn nuôi gà giống ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, dư nợ khoảng 550 tỷ đồng, các dự án chăn nuôi bò, lợn, gà công nghệ cao của Nhóm các Công ty Nông nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát, dư nợ khoảng 575 tỷ đồng, dự án trồng hoa của Công ty CP công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt, dư nợ 46 tỷ đồng;

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho vay dự án trồng cây ăn quả của Công ty Cổ phần Quốc tế nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai, dư nợ trên 721 tỷ đồng, dự án nuôi cấy, trồng lan và bán hoa lan của Công ty Cổ phần Agritech, dư nợ trên 11,3 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cho vay chăn nuôi thủy sản (cá hồi, tôm…) của Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn, dư nợ 32,74 tỷ đồng; cho vay dự án chăn nuôi nông nghiệp (lợn, vịt cạn) tại tỉnh Bắc Giang của Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang, dư nợ 19 tỷ đồng;

Ngân hàng TMCP Bắc Á cho vay dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến tập trung tại tỉnh Nghệ An của Công ty CP Thực phẩm sữa TH và nhóm khách hàng cá nhân đầu tư gián tiếp vào công ty với dư nợ trên 18 tỷ đồng,...

Những “nút thắt”

Khẳng định tín dụng NNUDCNC đã có sự tăng trưởng song đại diện NHNN cũng thừa nhận việc cho vay NNUDCNC của các TCTC trong thời gian quan vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trước hết, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng kép: vừa bị ảnh hưởng xấu do dịch COVID-19 vừa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai…

Bên cạnh đó, việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các tài sản từ dự án NNUDCNC như nhà kính, nhà lưới...) tại các địa phương theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn chậm.

Đặc biệt, phải kể tới những thách thức từ việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực như: hàng hóa thị trường nội địa chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu; các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu; những rủi ro về thị trường, giá cả thế giới cũng đã và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa thích ứng kịp với xu thế hội nhập, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nên TCTD chưa có cơ sở để xem xét quyết định cho vay.

Chung tay tháo gỡ

Nhu cầu ngày càng cao của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế đặt ra nhiều thách thức song cũng tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng thị trường, tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, giúp hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm với những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả. Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đây chính là cơ sở để ngành Ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là NNUDCNC.

Theo đó, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, NNUDCNC liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn.

Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cho vay khuyến khích phát triển NNUDCND, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ đạo các TCTD đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng sản xuất NNUDCNC.

Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay. Thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh các giải pháp của bản thân ngành Ngân hàng, đại diện NHNN cũng nhấn mạnh tới các giải pháp phối hợp từ các bộ, ngành, địa phương, như đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ giải pháp được giao tại các Nghị định của Chính phủ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn như Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trong nông nghiệp, Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp...).

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phù hợp giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch từng vùng, địa phương và thị trường; Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

Bà Hà Thu Giang cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường khu vực và quốc tế, nhu cầu mới của người tiêu dùng trong nước trên cơ sở tận dụng các lợi thế sẵn có của nông sản Việt Nam…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Cần đồng bộ các giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO