Tín dụng tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển

 Phương Chi| 01/05/2021 07:57
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết tìm hiểu các chính sách ưu tiên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực CNHT, thực trạng tín dụng đối với lĩnh vực CNHT và chỉ ra những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực CNHT phát triển hiệu quả.

Tóm tắt: Xác định công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là 1 trong 5 lĩnh vực kinh tế được ưu tiên cấp tín dụng, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có những chính sách hỗ trợ về vốn đối với lĩnh vực này với mức lãi suất ưu đãi. Tuy vậy, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực CNHT vẫn chưa cao do nhiều nguyên nhân. Bài viết tìm hiểu các chính sách ưu tiên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực CNHT, thực trạng tín dụng đối với lĩnh vực CNHT và chỉ ra những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực CNHT phát triển hiệu quả.

Credit facilitates the development of supporting industries

Abstract: Identifying supporting industry as one of the 5 economic sectors prioritized for credit, over the past time, the banking sector has issued many policies to support this sector with preferential interest rate. However, credit outstanding balance in this sector is still not high due to many reasons. The article explores priority policies for granting credit to the supporting industries, the current credit situation, and points out solutions to facilitate the effective development of the supporting industries.

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hiểu khác nhau giữa các nước, tùy thuộc vào mức độ ưu tiên trong chiến lược phát triển của từng quốc gia. Đối với Việt Nam, có thể hiểu CNHT là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, sản phẩm trung gian… đóng vai trò là đầu vào và lắp ráp chúng để trở thành sản phẩm cuối cùng. Lĩnh vực CNHT có những đặc trưng riêng và có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, phát triển CNHT có ý nghĩa rất quan trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam.

Chính sách ưu tiên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực CNHT

Hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) coi công nghiệp hỗ trợ là 1 trong 5 lĩnh vực kinh tế (gồm nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) được ưu tiên cấp tín dụng với mức lãi suất ưu đãi và một số chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển khác.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển CNHT, trong đó, chính sách tín dụng để hỗ trợ phát triển CNHT là (i) Dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước (qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam); (ii) Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng (TCTD) với mức lãi suất theo trần lãi suất cho vay theo quy định của NHNN; (iii) Doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất các sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các TCTD trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng.

Chủ trương hỗ trợ CNHT phát triển của Chính phủ Việt Nam tiếp tục được cụ thể hóa tại Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025 (Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017); Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT (Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 3/4/2017); Hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển CNHT (Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018)…. Thông qua các chương trình phát triển CNHT, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đối với ngành Ngân hàng, tại các Chỉ thị về hoạt động ngân hàng hàng năm và các văn bản chỉ đạo hoạt động tín dụng, NHNN luôn yêu cầu các TCTD cân đối nguồn vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất cho vay thông thường khoảng 1-2%/năm. NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tích cực tổ chức kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cập vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, NHNN ban hành Thông tư số 01/2016/TT-NHNN hướng dẫn chính sách cho vay phát triển CNHT (Thông tư 01). Theo đó, tại Khoản 1- Điều 3 của Thông tư 01 về chính sách cho vay đối với Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, có quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với phần vốn vay ngắn hạn phục vụ cho Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển không vượt quá mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Khoản 2, Điều 3, Thông tư 01 quy định: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn tại các TCTD trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định để đầu tư Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, ngoài chính sách ưu đãi cho vay tại Khoản 1 Điều này còn được các TCTD xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định 111/2015/NĐ-CP.

Tiếp đó, NHNN đã có Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó quy định khách hàng hoạt động trong lĩnh vực CNHT được TCTD xem xét, quyết định cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam với lãi suất không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Hiện lãi suất cho vay đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trơ tối đa là 4,5%/năm - thể hiện sự nỗ lực, chia sẻ của ngành Ngân hàng đối với doanh nghiệp.

Tín dụng đối với lĩnh vực CNHT có xu hướng giảm

Mặc dù có chủ trương, chính sách ưu tiên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực CNHT, nhưng tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực CNHT trong vài năm gần đây có xu hướng chậm, lĩnh vực CNHT ưu tiên phát triển có xu hướng giảm.

Theo NHNN, đến cuối tháng 9/2019, tổng dư nợ đối với lĩnh vực CNHT đạt trên 225 nghìn tỷ đồng, tăng 1,15% so với cuối năm 2018 (năm 2018 tăng 14,58%), trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực CNHT ưu tiên phát triển đạt khoảng 2.564 tỷ đồng, giảm 16,92% so với cuối năm 2018. Tính đến cuối tháng 8/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực CNHT tiếp tục giảm 4,61% so với cùng kỳ năm 2019.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của xu hướng trên được cho là lĩnh vực CNHT tại Việt Nam có sự tham gia ngày càng sâu rộng của khối doanh nghiệp FDI với lợi thế về trình độ công nghệ, nguồn vốn vay từ nước ngoài bằng ngoại tệ với lãi suất cạnh tranh (1-2%/năm), nhu cầu vay vốn của NHTM trong nước không lớn, chủ yếu là ngắn hạn để thanh toán các chi phí trong nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp CNHT trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, không có hoặc có ít tài sản bảo đảm để đáp ứng điều kiện vay vốn tại các NHTM, nhu cầu vay vốn thường rất lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp (nhu cầu vay thường là trung, dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất); phương án kinh doanh thường bị cạnh tranh gay gắt từ khối doanh nghiệp FDI. Vì vậy, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp bị hạn chế.

Ngoài ra, chính sách tín dụng ưu đãi chỉ áp dụng cho nhu cầu vốn ngắn hạn, phạm vi ưu đãi hẹp; chưa kể, rất ít doanh nghiệp được cấp chứng nhận thuộc đối tượng CNHT ưu tiên phát triển.

Hơn nữa, hệ thống NHTM đứng trước áp lực hội nhập quốc tế và phải nâng cao chất lượng hoạt động, áp dụng nhiều tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, việc thực hiện hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp CNHT với điều kiện tín dụng ưu đãi, dễ dàng ngày càng khó thực hiện. Trong khi đó, các kênh huy động vốn trung, dài hạn qua thị trường trái phiếu chưa phát huy hiệu quả.

Tạo điều kiện hỗ trợ lĩnh vực CNHT hiệu quả

Thời gian tới, xác định CNHT là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên bố trí vốn để phát triển, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp. Đồng thời, các TCTD tiếp tục hoàn thiện xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, về phía các bộ, ngành sớm hoàn thiện quy định của pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ lĩnh vực CNHT có hiệu quả, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp CNHT tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương; phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội CNHT tiếp tục nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình để làm cầu nối cho các doanh nghiệp hội viên tiếp cận với các TCTD; đầu mối trong việc hỗ trợ cho các hội viên về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.

Về phía doanh nghiệp CNHT phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường năng lực quản trị, tìm kiếm thị trường, minh bạch thông tin để nâng cao uy tín đối với các TCTD; tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các TCTD kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 21 - Tháng 11/2020

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO