Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, HDBank cho rằng, đối với tín dụng xanh, ngân hàng cần dấn thân, hòa vào làn sóng xanh hóa trên toàn cầu, cũng như thực hiện theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ Việt Nam.
Phóng viên: HDBank là một trong những ngân hàng tích cực triển khai tín dụng xanh. Xin ông chia sẻ con số dư sợ cấp tín dụng xanh hiện nay tại HDBank?
Ông Trần Hoài Phương: Trong năm 2022, HDBank giải ngân khoảng hơn 11.000 tỷ đồng cho hạng mục tín dụng xanh, có thời điểm lên tới hơn 500 triệu USD. Trong bối cảnh hiện nay, khi những khoản vay trung hạn bắt đầu giảm dần, HDBank đang tìm kiếm những khoản vay mới. Hiện tại, chúng tôi cũng đã có những khoản vay tiềm năng của năm nay đâu đó khoảng 30-40 triệu USD. Những con số cho thấy được sự biến động và thay đổi của tín dụng xanh tại ngân hàng.
Đối với cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp, cần đảm bảo hai tiêu chí là tiêu chí cấp tín dụng doanh nghiệp và tiêu chí xanh. Với tiêu chí xanh, chúng tôi đã làm việc với các định chế tài chính phát triển để cùng lúc triển khai hệ thống ESG (Môi trường, xã hội, quản trị) theo chuẩn quốc tế.
Phần lớn khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng xanh là doanh nghiệp mới thành lập hoặc có ngành nghề kinh doanh mới. Do đó, chúng tôi cần dự báo, đánh giá tốt tiềm năng lẫn rủi ro của doanh nghiệp. Ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp, tìm hiều và chấp nhận những yếu tố chưa được xác thực hay không chắc chắn.
Phóng viên: Những yếu tố chưa được xác thực hay không chắc chắn thì không an toàn đối với ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng cũng cho biết, hiện nay khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh còn rất “thiếu”. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Ông Trần Hoài Phương: Trước hết, ngân hàng là bên thẩm định rủi ro, đánh giá rủi ro. HDBank đã có kinh nghiệm trong việc cấp tín dụng trung và dài hạn. Những kinh nghiệm này được chúng tôi sử dụng để cấp tín dụng xanh.
Đối với những ngành nghề mới, chúng tôi sẽ triển khai tìm hiểu về mặt kỹ thuật. Và như tôi đã nói, chúng tôi may mắn được làm việc với các định chế tài chính nước ngoài phát triển trong vấn đề này. Gần đây, chúng tôi đã được tham gia nhiều hội thảo trong và ngoài nước về phát triển tín dụng xanh để cập nhật và tham chiếu thêm.
Đối với tín dụng xanh, ngân hàng cần dấn thân. Đầu tiên, bản thân cũng là một doanh nghiệp, ngân hàng cần hòa vào làn sóng xanh hóa trên toàn cầu, cũng như thực hiện theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ Việt Nam. Với HDBank, chúng tôi xem đây là sứ mệnh của mình.
Hơn nữa, HDBank móng muốn trở thành ngân hàng đi đầu trong hoạt động cấp tín dụng xanh tại Việt Nam. Chúng tôi đang rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực này.
Mặt khác, tín dụng xanh chưa phải là phát triển lâu đời và sâu rộng tại Việt Nam, vì vậy, chúng ta cũng cần học hỏi thêm kinh nghiệm nước ngoài. Xét về điều kiện vĩ mô hiện tại của Việt Nam, vẫn còn nhiều thứ phải làm. Chẳng hạn, đối với giá điện năng lượng mặt trời, không thể chỉ bám vào mạng lưới của EVN. Hay việc các nhà đầu tư điện mặt trời bán ngay cho nhà xuất khẩu.
Hiện nay, thị trường châu Âu hay châu Mỹ đang hình thành xu hướng yêu cầu các nhà sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng năng lượng xanh. Do đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo là mô hình mà các nhà xuất khẩu cần vươn tới. Đây là cơ hội cho các ngân hàng.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải dần xanh hóa khi cần có những giải pháp xử lý chất thải nông nghiệp theo hướng “xanh”. Chúng tôi coi đây là một sáng kiến cho tín dụng xanh.
Về khung khổ pháp lý, chúng ta đã có Thông tư 17/2022/TT-NHNN quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tôi cho rằng, đây kim chỉ nam quan trọng cho hoạt động cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, các định chế tài chính nước ngoài cũng đã đưa đến Việt Nam những kinh nghiệm và tiêu chí được đúc kết để dựa trên đó, chúng ta có cơ sở xác định như thế nào là xanh, như thế nào là sạch và đánh giá được những khách hàng tiềm năng.
Phóng viên: Những dự án điện mặt trời hay điện ngoài khơi có phải là ưu tiên cấp vốn tín dụng xanh của HDBank hay không, thưa ông?
Ông Trần Hoài Phương: Ngân hàng sẽ ưu tiên cấp vốn cho những dự án có tính khả thi cao cũng như có chiến lược rõ ràng. Bên cạnh đó, tỷ trọng danh mục xanh của ngân hàng cũng sẽ ngày càng lớn lên tương đối. Đồng, phân bổ vốn qua các hạng mục khác nhau như điện mặt trời, điện gió, nông nghiệp, công nghiệp,... Chắc chắn, đây là chiến lược kinh doanh quan trọng mà HDBank hướng tới.
Phóng viên: Các khoản cho vay tín dụng xanh thường là các khoản cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/10, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng giảm về 30% theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Vậy, HDBank đã có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng được nhu cầu cho vay trung và dài hạn, thưa ông?
Ông Trần Hoài Phương: Đây vẫn là một vấn đề xuyên suốt của các ngân hàng từ lâu. Không nhất thiết cho vay tín dụng xanh là vốn trung và dài hạn, dù đúng là nhiều dự án xanh cần nguồn vốn trung và dài hạn. Cũng có nhiều trường hợp, chẳng hạn như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hay xuất khẩu mà tôi đã nêu ở trên là vốn ngắn hạn. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, chiến lược quản lý rủi ro và phân bổ nguồn vốn của ngân hàng sẽ càng quan trọng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!