Ngày 17/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank).
Sự kiện này đã đánh dấu bước khởi đầu thuận lợi cho các ngân hàng, tạo cơ hội mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại, đóng góp vào sự an toàn và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là một nhiệm vụ rất khó, không chỉ với NHNN mà với các Ngân hàng trung ương các nước. Việc thực hiện nhiệm vụ chuyển giao, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, cần thời gian, nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành ngay từ những ngày đầu xây dựng đề án.
Sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan bộ, ban, ngành là điểm tựa vững chắc, quan trọng để NHNN và toàn ngành ngân hàng có thể triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD và gặt hái những kết quả tích cực như ngày hôm nay.
Thống đốc cho biết, Ban Lãnh đạo NHNN luôn xác định triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu TCTD là một nhiệm vụ quan trọng, là một trọng trách trong chỉ đạo, điều hành; các đơn vị, cá nhân liên quan của NHNN đã chủ động phối hợp, thực hiện quyết liệt nghiêm túc các chỉ đạo về Đề án tái cơ cấu. Quá trình gần 10 năm qua là quãng đường khó khăn nhưng cũng là quãng thời gian cho các TCTD trong diện tái cơ cấu chuẩn bị kỹ lưỡng, phát triển lành mạnh, đóng góp tích cực vào thành tích chung của ngành Ngân hàng.
Thống đốc nhấn mạnh, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi) đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đảm bảo sự ổn định của toàn bộ hệ thống.
Theo đó, NHNN đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo quá trình tái cơ cấu diễn ra hiệu quả, minh bạch và giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Đánh giá cao sự tham gia tích cực của các ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu, Thống đốc ghi nhận những đóng góp của VPBank và HDBank trên tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao vì sự ổn định chung của hệ thống.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các cá nhân, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, kịp thời đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền những biện pháp hỗ trợ cần thiết trong quá trình tái cơ cấu.
Đồng thời, yêu cầu các TCTD được chuyển giao và nhận chuyển giao bắt buộc cần bám sát Phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đơn vị được chuyển giao tích cực phối hợp với đơn vị nhận chuyển giao, tận dụng tối đa nguồn lực, luôn trong tâm thế sẵn sàng để triển khai hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, không ngừng đổi mới như hiện nay, Thống đốc đề nghị mỗi TCTD cần phải xác định rõ mục tiêu, xây dựng phương án cân đối và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn hệ thống.
Thống đốc cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan và toàn ngành Ngân hàng để góp phần xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh, đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết, VPBank xác định việc nhận chuyển giao bắt buộc và thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc là nhiệm vụ quan trọng và có rất nhiều thách thức, khó khăn nhưng VPBank sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực, nhân sự của cả hệ thống với nỗ lực và quyết tâm cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giúp ổn định thị trường tài chính, tiền tệ và tăng cường lòng tin của nhà đầu tư và công chúng với hệ thống ngân hàng.
Ngay sau khi hoàn tất quá trình chuyển giao bắt buộc, ngân hàng được chuyển giao sẽ được VPBank hỗ trợ trong việc định hướng mô hình kinh doanh, phát triển khách hàng mới, xử lý thu hồi các khoản nợ, tài sản tồn đọng nhằm từng bước giúp Ngân hàng được chuyển giao khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt. Mọi nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp của khách hàng của Ngân hàng được chuyển giao được đảm bảo.
"Tập thể VPBank chúng tôi cam kết đưa ngân hàng được chuyển giao từ vị trí một ngân hàng yếu kém, đang bị kiểm soát đặc biệt trở thành ngân hàng thương mại hoạt động bình thường và phát triển lành mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế", ông Ngô Trí Dũng bày tỏ.
Để đảm bảo hoạt động ổn định của DongA Bank sau chuyển giao, ông Phạm Quốc Thanh, Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HDBank cam kết: (i) Đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định của DongA Bank, phục vụ khách hàng và đối tác một cách tốt nhất; (ii) Đồng hành cùng đội ngũ cán bộ nhân viên DongA Bank, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ nhân viên DongA Bank phát huy năng lực, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung; (iii) Xây dựng nền tảng phát triển bền vững thông qua áp dụng các giải pháp quản trị tiên tiến, tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống vận hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường sức cạnh tranh.
Dưới sự quản lý của HDBank và VPBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, khách hàng của GPBank, DongA Bank tiếp tục được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía các ngân hàng được chuyển giao, đại diện các ngân hàng GPBank và DongA Bank bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo NHNN, các bộ, ngành, các đơn vị liên quan, và đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ VPBank và HDBank. Đồng thời, bày tỏ sự quyết tâm cao độ và cam kết tiếp tục đóng góp tích cực, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng nhận chuyển giao và các cơ quan hữu quan, đảm bảo mọi hoạt động trong quá trình chuyển giao đều thông suốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đối tác cũng như sự ổn định cho cán bộ nhân viên, góp phần đảm bảo an toàn và ổn định của hệ thống TCTD.