Các Hiệp hội ngành, nghề

Tồn kho của các “ông lớn” ngành thép ở mức cao

Bảo Vy 05/08/2024 - 13:29

Đến ngày 30/6, tổng giá trị tồn kho của ngành thép trên sàn chứng khoán khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ đồng so với cuối quý I trước đó. Dù vậy, đây vẫn là lượng tồn kho lớn thứ 2 trong vòng 7 quý trở lại đây.

thep-.jpg
(Ảnh minh hoạ)

5 doanh nghiệp ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), VNSteel, Tôn Đông Á chiếm đến gần 90% tổng giá trị tồn kho toàn ngành thép trên sàn chứng khoán.

Tính đến ngày 30/6, ước tính tổng giá trị tồn kho của ngành thép trên sàn chứng khoán khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ so với cuối quý I trước đó. Dù vậy, đây vẫn là lượng tồn kho lớn thứ 2 trong vòng 7 quý trở lại đây.

Hầu hết doanh nghiệp thép đều giảm quy mô tồn kho sau quý II vừa qua, trong đó, giá trị hàng tồn kho của Hòa Phát và Hoa Sen đều giảm trên nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối quý I/2024.

Theo đó, riêng Hòa Phát đã chiếm hơn 53% với giá trị tồn kho tại ngày cuối quý II hơn 40.100 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá).

ton-kho-thep-quy-ii-2024.png

Tồn kho ngành thép giảm trong bối cảnh xu hướng giá thép thế giới không thuận lợi. Sau một nhịp hồi nhẹ trong quý II vừa qua, giá thép thanh tương lai đã lao dốc mạnh và lần đầu xuống dưới 3.000 CNY/tấn kể từ năm 2016. Nguyên nhân do nhu cầu ngày càng yếu và nguồn cung dồi dào tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc.

Với xu hướng giá thép bất lợi, lượng tồn kho dù đã giảm so với cao điểm cuối quý I nhưng vẫn ở mức khá cao sẽ tạo ra áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp thép thời gian tới. Trước đó, trong quý II vừa qua, các doanh nghiệp thép phần nào đã được hưởng lợi từ sự hồi phục của giá thép (dù không nhiều) cùng với lượng tồn kho lớn.

Báo cáo tài chính quý II cho thấy, đa phần các doanh nghiệp ngành thép ghi nhận lợi nhuận phục hồi mạnh. Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát, Nam Kim, VNSteel, Tôn Đông Á đều ở mức cao nhất trong vòng 2 năm, kể từ quý II/2022. Tổng lợi nhuận ngành thép (không tính Pomina do chưa công bố báo cáo tài chính) trong quý II vừa qua vào khoảng 3.900 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ Hòa Phát (3.320 tỷ đồng).

Trong báo cáo mới phát hành của Chứng khoán An Bình (ABS), chuyên gia ABS cho biết, trong cơ cấu tài sản của HPG thời điểm ngày 30/6, hàng tồn kho có giá trị 40.164 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cuối năm 2023. Hàng tồn kho tăng chủ yếu đến từ nguyên vật liệu khi doanh nghiệp chủ động tích trữ hàng tồn kho giá thấp để giảm chi phí giá vốn, cải thiện biên lợi nhuận cũng như chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp khi thị trường bước vào chu kỳ hồi phục.

Theo ABS, việc HPG chủ động tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ khi giá nguyên liệu đầu vào giảm giúp giảm chi phí giá vốn, cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì biên lợi nhuận ở mức cao.

Cũng theo ABS, thị trường thép nội địa, đặc biệt thép xây dựng đã có những dấu hiệu tích cực trong quý II/2024 khi các hoạt động xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng được đẩy mạnh. Sự tăng trưởng tích cực của sản lượng đã giúp bù đắp cho việc giá thép sụt giảm.

Tương tự, trong báo cáo của Chứng khoán KB (KBSV), chuyên gia KBSV kỳ vọng tiêu thụ nội địa gia tăng mạnh mẽ hơn trong nửa cuối 2024 nhờ sự hồi phục của ngành bất động sản nội địa, với số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng và Luật Bất động sản (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Bên cạnh đó, giá trị tồn kho nguyên vật liệu của các doanh nghiệp thép niêm yết có xu hướng tăng từ quý III/2023 tới nay phản ánh sự tự tin về triển vọng sản lượng tiêu thụ hồi phục trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tồn kho của các “ông lớn” ngành thép ở mức cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO