(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau một chặng đường dài 8 năm, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết ngày 15/11/2020, bao gồm 15 quốc gia trong đó 10 nước thuộc khối ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN có hiệp định tự do thương mại gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Hiệp định RCEP, với thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng và tổng GDP 26,2 ngàn tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, tạo nên một khối tự do thương mại lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Các quốc gia thành viên sẽ tham gia vào một thị trường mở về hàng hóa, dịch vụ, cơ hội đầu tư, thương mại trong đó các thủ tục hải quan được đơn giản hóa.
Nhận định về Hiệp định này, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, việc ký kết hiệp định trực tuyến bất kể đại dịch COVID-19 kéo dài đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ 15 nước thành viên đối với hợp tác, kết nối và trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng chung.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam |
“Mặc dù thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng, việc ký kết hiệp định RCEP thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn. Tầm quan trọng của hiệp định RCEP còn được nhấn mạnh hơn trong việc hồi phục kinh tế hậu COVID-19. Hiệp định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của vùng và giúp nền kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng. Thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng lực trung tâm kinh tế ngày càng gần lại châu Á”, ông Tim Evans nhấn mạnh.
Với những lợi ích vô cùng to lớn được kỳ vọng từ hiệp định, RCEP là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược hội nhập. Việt Nam đã và đang rất trung thành với nguyên tắc mở cửa và đã có trong tay 12 hiệp định tự do thương mại, cả song phương và đa phương. Hiệp định gần nhất với nhiều lợi ích là EVFTA được phê chuẩn vào tháng 6 năm nay. Riêng hiệp định RCEP có thể giúp các công ty Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang mong chờ tới thời điểm hiệp định có hiệu lực để giảm thuế quan và đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Không những vậy, các công ty Việt Nam có thể tiếp cận nguồn nguyên vật liệu từ các quốc gia khác nhau phục vụ nhu cầu xuất khẩu của mình trong khi đáp ứng nguyên tắc xuất xứ nội khối để có thể tận dụng biểu thuế quan ưu đãi.
“Chúng tôi kỳ vọng hiệp định có hiệu lực vào năm 2021 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng. Chúng tôi cũng hy vọng các thành viên của RCEP sẽ phát huy những tiến bộ họ đã đạt được và thúc đẩy hơn nữa tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực”, ông Tim Evans bày tỏ.