(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đánh giá về kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Bank Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á cho rằng, rất khó để đưa ra những dự báo cụ thể như tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức nào… nhưng có thể khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam đang đi rất đúng hướng”.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Bank Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á |
Phóng viên: 6 tháng đầu năm 2020 đang dần đi qua, dưới góc nhìn của ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ông có nhận định như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam 2020?
Ông Nirukt Sapru: Tôi cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp toàn cầu, việc Việt Nam đối phó và kiểm soát thành công là rất đáng ngưỡng mộ. Về trung và dài hạn triển vọng kinh tế Việt Nam là rất sáng sủa. Nhưng trong ngắn hạn, rõ ràng các vấn đề như tác động của đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại khiến nguy cơ toàn cầu đối mặt với suy giảm tăng trưởng kinh tế, sụt giảm trong thương mại, đầu tư ... thì Việt Nam cũng sẽ chịu những ảnh hưởng.
Tăng trưởng của Việt Nam vốn dựa khá nhiều vào đầu tư FDI để sản xuất xuất khẩu và vào du dịch trong khi những lĩnh vực này vẫn đang rất khó khăn vì đại dịch Covid-19 nên rõ ràng sẽ cần thêm thời gian để phục hồi. Dòng vốn vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng tốt trong trung hạn. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần giải quyết để dòng đầu tư vào tốt hơn, ví như liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Nếu nhìn vào các nước mà Việt Nam đã và đang muốn thu hút đầu tư thì một trong những thách thức mà họ lo ngại chính là vấn đề này. Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần thể hiện sự vượt trội hơn các nước khác trong vấn đề này.
Phóng viên: Ông có thể đưa ra những dự báo cụ thể hơn cho 6 tháng cuối năm nay?
Ông Nirukt Sapru: Rất khó để đưa ra những dự báo cụ thể như tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức nào, khả năng phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu hay ngành du lịch ra sao… Nhưng tôi có thể khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam đang đi rất đúng hướng”.
Phóng viên: Vậy còn những thách thức, theo ông kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức như thế nào trong thời gian tới?
Ông Nirukt Sapru: Tôi cho rằng thách thức ngắn hạn cũng khá nhiều nhưng nổi lên là sụt giảm sản xuất, xuất khẩu, du lịch… và những rủi ro đó dẫn đến một nguy cơ lớn hơn là thất nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp có nền tảng số hóa tốt và các công việc mà nhân viên có thể giải quyết từ xa thì hoạt động sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, đồng nghĩa với khả năng không hoặc ít phải cho người lao động nghỉ việc. Nhưng không phải doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào cũng có thể làm như vậy và hơn nữa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sức cầu của thị trường.
Tất nhiên đây không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam hiện nay mà cả thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng như vậy. Vì vậy, dù không thể phủ nhận là Việt Nam đang làm rất tốt để phục hồi nền kinh tế nhưng rõ ràng cũng chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.
Phóng viên: Còn với lĩnh vực ngân hàng, ông có đánh giá như thế nào?
Ông Nirukt Sapru: Lĩnh vực ngân hàng có thể coi là tấm gương phản ánh nền kinh tế và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu nền kinh tế và doanh nghiệp hoạt động tốt lên thì cũng có nghĩa là ngân hàng hoạt động tốt lên. Vì thế khi thời điểm hiện nay được xem là thách thức với nền kinh tế thì nó cũng là thách thức với hệ thống ngân hàng. Nhưng nền kinh tế hồi phục càng nhanh thì hệ thống ngân hang cũng hồi phục càng nhanh.
Đợt dịch Covid-19 và giãn cách xã hội vừa qua cho thấy, khách hàng ngày càng cảm thấy thoải mái với việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng số mà không cần tới giao dịch tại ngân hàng. Xu thế sử dụng các dịch vụ qua moblie và các nền tảng số khác để thực hiện các giao dịch ngân hàng như vậy sẽ ngày càng phổ biến.
Làm sao đẩy nhanh số hóa nền kinh tế là một yêu cầu đặt ra và điều này càng đúng trong lĩnh vực ngân hàng. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy một điều là, những doanh nghiệp có mức độ số hóa cao chính là những doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng của dịch nhất.
Hiện chỉ số số hóa của Việt Nam đã có những cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Tốc độ Internet cao hay mạng 4G mạnh là những ví dụ. Trong lĩnh vực ngân hàng, quy định về định danh khách hàng theo phương thức điện tử (e-KYC) là rất quan trọng để các ngân hàng triển khai số hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!