Hoạt động ngân hàng

TP. Cần Thơ: Tăng kích cầu vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế địa phương

ThS. Trần Trọng Triết 13/09/2024 - 14:47

Bằng nhiều nỗ lực, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ đã thực hiện tốt các hoạt động tăng kích cầu vốn tín dụng ngân hàng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Tăng kích cầu vốn tín dụng

Phát huy vai trò cầu nối cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ đã nỗ lực đẩy mạnh kích cầu tăng trưởng vốn tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ chia sẻ, đến ngày 31/8/2024, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt 169.308 tỷ đồng, tăng 8,22% so với cuối năm 2023. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ luôn quan tâm, lắng nghe và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Nhìn chung, việc tương tác kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp là rất cần thiết để hiểu, chia sẻ, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau tháo gỡ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và phát huy mối quan hệ “win - win” đôi bên cùng thắng.

Bên cạnh các chương trình tín dụng ưu đãi từ ngân hàng, bản thân doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, minh bạch hóa thông tin tài chính… để tăng khả năng tiếp cận vốn.

z5825182835414_4fd40bf9a3eb995998308f111869b5bb.jpg
TP. Cần Thơ: Tăng kích cầu vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế địa phương

Đáng chú ý, là một trong những chi nhánh ngân hàng thương mại cung ứng vốn và các sản phẩm tiện ích cho doanh nghiệp, Eximbank Chi nhánh TP. Cần Thơ đã ban hành nhiều chính sách, sản phẩm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn với các thủ tục thông thoáng cùng chi phí hợp lý. Ðặc biệt là ưu tiên hướng về phân khúc khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa - phân khúc khách hàng chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế.

Ví như, Eximbank Chi nhánh TP. Cần Thơ đã giới thiệu đến khách hàng doanh nghiệp gói tín dụng 5.000 tỷ đồng E-Fast phê duyệt trong 4 giờ với lãi suất 5,25%/năm cố định trong suốt thời gian vay với thủ tục vô cùng đơn giản; hay gói Efee chỉ với “1 đô la - 1 giao dịch” và các gói giải pháp về thanh toán... Các gói sản phẩm ưu đãi này nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, củng cố, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Cùng với các gói lãi suất ưu đãi, Eximbank Chi nhánh TP.Cần Thơ cũng cam kết áp dụng quy trình cấp tín dụng nhanh, điều kiện tham gia dễ dàng, qua đó giúp các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn về vốn vay trong bối cảnh thị trường biến động hiện nay...

Phát huy vai trò tín dụng chính sách

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội… tại TP. Cần Thơ đã nâng cao nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Là những tổ chức chính trị - xã hội được Ðảng, nhà nước giao nhiệm vụ đồng hành, sát cánh cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Cần Thơ những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Cần Thơ và Hội Nông dân thành phố luôn nỗ lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội góp phần phát huy hiệu quả kênh dẫn vốn chính sách tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, nhiều mô hình hay, hiệu quả được hình thành với sự “trợ lực” từ nguồn tín dụng chính sách xã hội.

Với nhiều nỗ lực, hội Phụ nữ các cấp ở TP. Cần Thơ đã thực hiện tốt các hoạt động của công tác phối hợp thực hiện ủy thác, tuân thủ chặt chẽ các quy trình cho vay... nhằm giúp hội viên phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được tiếp cận nguồn vốn nhanh, tiện lợi, đạt hiệu quả.

Chung tay với NHCSXH thành phố 10 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Cần Thơ luôn là một trong những tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác với 42.906 hộ vay vốn; số dư nợ cao nhất gần 1.940 tỷ đồng, chiếm gần 46% tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH.

Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, cận nghèo TP. Cần Thơ vừa triển khai Kế hoạch số 2928/KH-BCĐ rà soát hộ nghèo, cận nghèo TP Cần Thơ năm 2024. Qua đó, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2024, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội năm 2025 trên địa bàn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng đi vào thực chất đã hỗ trợ cho các mô hình của phụ nữ phát triển kinh tế thành công; giúp hàng nghìn phụ nữ có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, làm giàu cho bản thân, giúp ích cho cộng đồng, xã hội, tạo hiệu ứng, lan tỏa trong hội viên phụ nữ toàn thành phố.

Ðể có được kết quả trên, các cấp Hội trên địa bàn đã tập trung triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thành viên vay vốn, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hội viên, phụ nữ nghèo. Nhờ vậy, so với các đơn vị nhận ủy thác, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố là tổ chức hội nhận ủy thác có nợ quá hạn thấp nhất.

Hằng năm, các cấp Hội xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các chương trình của Thành ủy, UBND thành phố về công tác tín dụng chính sách xã hội, tổ chức quán triệt nội dung kế hoạch sâu rộng tới 100% cơ sở hội, thông qua các buổi giao ban định kỳ và sinh hoạt chi, tổ hội, lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và phong trào thi đua phù hợp ở từng nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, các cấp hội cũng gắn hoạt động vay vốn với vận động tiết kiệm tự nguyện. Hiện nay, số dư tiết kiệm của các cấp hội đạt gần 199 tỷ đồng; có 42.096 hộ gửi tiết kiệm, đạt 100% số hộ, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia.

Hoạt động tiết kiệm là giải pháp căn cơ không chỉ giáo dục ý thức, thói quen tốt mà còn giảm gánh nặng trả nợ gốc, hạn chế nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ, tăng thêm nguồn vốn cho vay tại cộng đồng.

Thông qua mô hình tổ nhóm vay vốn, các cấp hội đã lồng ghép các hoạt động phong trào hội tại địa phương, đưa những chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của Hội để lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các tổ vay vốn.

Thời gian qua, dư nợ do NHCSXH TP. Cần Thơ ủy thác cho Hội Nông dân thành phố quản lý không ngừng tăng lên. Năm 2014, số dư nợ là 521 tỷ đồng, đến nay là gần 1.490 tỷ đồng, tăng 186%. Ngoài ra, năm 2014, số dư tiết kiệm trên 16 tỷ đồng, đến năm 2024 tăng lên 130 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ quá hạn giảm qua các năm (năm 2014 số tiền nợ quá hạn khoảng 3,9 tỷ đồng, đến năm 2024, số nợ quá hạn chỉ còn 3,3 tỷ đồng).

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp Hội đã thực hiện đầy đủ nội dung ủy thác, phối hợp với NHCSXH TP. Cần Thơ làm tốt việc tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản, xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng trong thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Tuy số vốn hội viên vay không lớn (từ 20 - 100 triệu đồng/hộ) nhưng qua thời gian sản xuất, kinh doanh đã giải quyết được việc làm tại địa phương, hỗ trợ một phần khó khăn về tài chính cho nông dân, phụ nữ. Từ đó tạo giá trị gia tăng của đồng vốn vay, giảm được tình trạng “tín dụng đen”, góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm số hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó thể hiện tính nhân văn của Ðảng và Nhà nước cũng như nâng cao năng lực quản lý tài chính tín dụng của cán bộ Hội Nông dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Cần Thơ: Tăng kích cầu vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO