TP. Hồ Chí Minh đối thoại để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp

Nguyễn Đức Lệnh| 26/02/2023 12:08
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 28/2/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Hội nghị Đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp với chủ đề: “Ngành Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển”.

Đây là hành động cụ thể và khởi động cho hệ thống các giải pháp của UBND thành phố nhằm thực hiện chủ đề năm, để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thành phố đạt được mục tiêu đã đề ra theo kế hoạch. Hội nghị được tổ chức với nội dung đối thoại doanh nghiệp và kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm: Tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn trong quan hệ ngân hàng - khách hàng; Đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng.

Kết quả của hội nghị sẽ mang lại tác động lớn trên 3 phương diện chính sau:

Phát huy hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đây là mô hình điển hình về tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, thông qua việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, gắn với cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất nhằm mang lại lợi ích thiết thực cụ thể: đáp ứng tốt nhất nhu vốn, với lãi suất hợp lý và thủ tục thuận lợi… cho doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong giai đoạn khó khăn (như khủng hoảng kinh tế; thiên tai dịch bệnh…).

Chương trình là sự kết nối, sự đồng hành và chia sẻ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn với doanh nghiệp. Theo đó, riêng trong năm 2022, có 13 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói tín dụng ưu đãi, với quy mô gói đạt 434.280 tỷ đồng. Kết thúc năm, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã giải ngân đạt 568.340 tỷ đồng, bằng 131% gói tín dụng ưu đãi đăng ký từ đầu năm và tăng 16,6% so với năm 2021. Điều này mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhờ lãi suất cho vay thấp (ngắn hạn tiền đồng khoảng 6%/năm; trung, dài hạn khoảng 10%/năm).

Có được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực, trách nhiệm và sẻ chia của các TCTD trên địa bàn đi cùng sự chủ động, sáng tạo trong phối hợp tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Trong đó việc tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chuyên đề: hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã mang lại hiệu quả cao, tính lan tỏa và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đơn cử như việc ký kết trực tiếp tại hội nghị trên địa bàn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong năm 2022 đạt 11.416 tỷ đồng, gồm hỗ trợ vốn lãi suất thấp và cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn giúp doanh nghiệp tại các địa phương vượt qua khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19.

Đối thoại để nắm bắt thông tin và tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Việc đưa nội dung đối thoại, trao đổi và cung cấp thông tin về cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Trung ương (NHTW) tại chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là nội dung mới, sáng tạo không chỉ nâng cao hiệu quả của chương trình mà qua đó mang lại ý nghĩa to lớn trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, thông qua đối thoại nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, người dân trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, từ đó nhận diện khó khăn để tháo gỡ kịp thời, nhất là những khó khăn mang nội hàm của cải cách hành chính, do thủ tục, do yếu tố con người… các khó khăn này thường sẽ được xử lý ngay từ các cơ quan quản lý nhà nước, từ sở, ngành, quận, huyện và của chính ngành Ngân hàng Thành phố.

Thứ hai, qua đối thoại người dân, doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, phản biện chính sách… từ đó góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách.

Thứ ba, qua đối thoại cung cấp thông tin về cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHTW và UBND thành phố để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ chính sách hơn, chấp hành và thực hiện đúng quy định, nhờ vậy hạn chế được rủi ro phát sinh cũng như những phản ánh, phản hồi tới đúng địa chỉ, đúng đối tượng và trách nhiệm của các bên: TCTD; doanh nghiệp hay cơ quan quản lý… để có hướng giải quyết và xử lý kịp thời. Với ý nghĩa như vậy, nội dung đối thoại có hiệu ứng và tác động rất lớn, giải quyết nhanh chóng hơn, kịp thời hơn những khó khăn vướng mắc phát sinh, cũng như định vị trách nhiệm các bên, từ đó hiểu rõ chính sách, thực hiện đúng chính sách góp phần phát huy hiệu quả chính sách.

Riêng trong năm 2022, ngành Ngân hàng thành phố đã phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 12 hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Đồng thời tháo gỡ và xử lý trực tiếp cho 938 doanh nghiệp phản ánh khó khăn và có nhu cầu về vốn, nhưng tiếp cận vốn tín dụng gặp khó (số liệu lũy kế đến nay). Theo đó, đối với các đề nghị của doanh nghiệp, nếu các TCTD giải quyết, cho vay được thì hỗ trợ cho doanh nghiệp, không cho vay được thì trả lời rõ cho doanh nghiệp biết và lý do không cho vay được. Đây cũng là cách làm trách nhiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn cụ thể mà doanh nghiệp nêu ra.

Định hướng nhiệm vụ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp trong năm 2023 trên địa bàn thành phố. Định hướng nhiệm vụ của chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp và đối thoại doanh nghiệp về cơ bản tiếp tục phát huy những mặt được và hiệu quả của chương trình năm 2022. Tuy nhiên, sự khác biệt so với năm 2022 và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình này tập trung vào một số hoạt động chính sau:

Xây dựng và thực hiện chương trình hành động phối hợp 3 bên: Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh; Sở Công Thương thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố để thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, phân công cụ thể trách nhiệm các đơn vị, với nội hàm về triển khai nhiệm vụ giải pháp thực hiện chủ đề năm bao gồm các hoạt động về cải thiện môi trường đầu tư; về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cải cách hành chính. Giải quyết và xử lý kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như phối hợp nắm bắt, trao đổi và cung cấp thông tin, các công việc thực hiện của các đơn vị để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là điểm mới, là sự khác biệt so với các năm trước đây. Việc xây dựng và thực hiện chương trình này sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhờ gắn trách nhiệm cụ thể của cơ quan phối hợp. Khó khăn của doanh nghiệp sẽ có địa chỉ tháo gỡ cụ thể, rút ngắn thời gian xử lý và hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp.

Triển khai các gói tín dụng ưu đãi (về lãi suất) do các TCTD đăng ký và đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp; các chương trình tín dụng ưu đãi của NHTW, của Chính phủ và của UBND thành phố. Trong đó, tiếp tục làm tốt chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất ưu đãi cho 5 nhóm ngành lĩnh vực: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ;

Thực hiện các giải pháp: tiết giảm chi phí; đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ doanh nghiệp tốt nhất. Đồng thời tiết giảm chi phí dịch vụ; chi phí giao dịch cho doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp… để doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và thời gian giao dịch với ngân hàng. Tăng cường các hoạt động truyền thông chính sách. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan quản lý nhà nước (NHNN Chi nhánh tỉnh thành phố) mà cũng là nhiệm vụ của các TCTD với nội hàm thông tin tư vấn cho khách hàng về dịch vụ ngân hàng, về thủ tục giao dịch, điều kiện và hồ sơ khách hàng, các tiện ích mà ngân hàng cung cấp, xử lý được trên Web ngân hàng… để khách hàng nắm rõ thực hiện tốt cũng như giảm thời gian thực hiện thủ tục. Đồng thời, các TCTD phải thực hiện nghiêm cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất, có như vậy chính sách mới phát huy hiệu quả và doanh nghiệp mới thụ hưởng được chính sách. Yêu cầu này cần phải gắn với trách nhiệm TCTD, của ngành Ngân hàng thành phố với tinh thần nói và hành động.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh đối thoại để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO