Ngày 7/11/2024, tại tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị triển khai chương trình cho vay ưu đãi 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị do ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đồng chủ trì.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo UBND 12 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, đại diện sở, ban, ngành địa phương; lãnh đạo các vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp/hợp tác xã vùng ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và trong sản xuất lúa chất lượng cao nói riêng.
Hằng năm, NHNN Trung ương và các chi nhánh tại địa phương đều tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và các Hội nghị chuyên đề về tín dụng đối với ngành nông sản chủ lực và lúa gạo vùng ĐBSCL; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung cho vay, mở rộng hạn mức tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay... để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất (phân bón, giống, vật tư...) đến khâu chế biến, thu mua, tiêu thụ nông sản và lúa gạo; qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quan hệ tín dụng cho hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Đối với nhiệm vụ của NHNN được giao tại Đề án là: "Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp; thời gian triển khai từ 2025-2030", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và đơn vị liên quan xây dựng và có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg. Ngày 11/10/2024, NHNN đã có các văn bản gửi các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hướng dẫn triển khai Chương trình; Văn bản gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, địa phương để các TCTD có cơ sở thực hiện cho vay theo Chương trình.
Phó Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tham gia chương trình cho vay ưu đãi theo đề án. Trước tiên đã giao cho Agribank thực hiện giai đoạn thí điểm Chương trình cho vay ưu đãi 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 12 tỉnh/thành vùng ĐBSCL phải xác định danh sách chủ thể và định mức kinh tế kỹ thuật được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đó Agribank sẽ tiếp cận vốn tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1,0%/năm so với cho vay lãi suất thông thường.
Tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đã báo cáo tình hình chỉ đạo và tổ chức triển khai Chương trình cho vay ưu đãi 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo ngân hàng Agribank đã thông tin và hướng dẫn triển khai Chương trình cho vay thí điểm ưu đãi 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490 của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, theo các báo cáo, ý kiến tại hội nghị, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện Đề án và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận sau một năm triển khai.
Về phần mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương tích cực xây dựng và triển khai các hoạt động, trong đó xây dựng vùng tham gia Đề án và tổ chức triển khai các mô hình thí điểm trên địa bàn vùng ĐBSCL; tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới để xây dựng dự án nhằm huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật cho việc triển khai Đề án.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện 7 mô hình thí điểm được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Có 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè – Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 3-5 tấn CO2 tương đương trên một ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Các đại biểu đánh giá, việc phê duyệt và triển khai Đề án đã góp phần khẳng định: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, đã chủ động, tích cực triển khai các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án, nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm thực hiện, xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, nêu các đề xuất, kiến nghị để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra.
Nhiều chi nhánh ngân hàng tại ĐBSCL cho biết, nguồn vốn ưu đãi lãi suất để cho vay đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang rất dồi dào, chỉ chờ các địa phương phối hợp là có thể tiến hành tham gia cho vay và giải ngân vốn.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 8364/NHNN-TD, ngành Ngân hàng các địa phương khu vực phía Nam đã chủ động rà soát, tổng hợp số liệu cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo, đồng thời có kế hoạch chủ động làm việc với các sở, ngành địa phương để hợp tác, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tín dụng cho các bên tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở từng địa bàn cụ thể.
Ghi nhận nhanh tại tỉnh trồng lúa trọng điểm, như: Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ… cho thấy, hiện nay hệ thống các chi nhánh Agribank đều rất sẵn sàng trong việc cung ứng nguồn vốn tín dụng ưu đãi lãi suất và triển khai các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao (như triển khai các giải pháp thanh toán, quản lý dòng tiền).
Tại Đồng Tháp, thống kê đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt trên 15.200 tỷ đồng, tăng khoảng 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay lĩnh vực này, hiện đang rất tích cực giải ngân các khoản vay ưu đãi với lãi suất giảm 1-1,5%/năm.
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp cho biết, đơn vị đã tổng hợp báo cáo số liệu từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Sau đó, phối hợp làm việc với các sở ngành tại địa phương để ban hành văn bản, hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 8364/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước.
Tại tỉnh Kiên Giang, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết, dư nợ cho vay lúa gạo tính đến cuối tháng 9/2024 cũng đạt khoảng gần 10.400 tỷ đồng. Đa số các khoản vay đều áp dụng mức lãi suất ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2028/NĐ-CP với khoảng 4%/năm, thấp hơn 1,5-2%/năm so với các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn.
Tương tự tại TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang hiện nay dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đến cuối tháng 9/2024 đều có mức tăng trưởng mạnh nhất trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Tại TP. Cần Thơ, dư nợ cho vay lúa gạo tăng trưởng 13,6%, đạt mức gần 21.000 tỷ đồng. Còn tại tỉnh Hậu Giang, tăng trưởng tín dụng lúa gạo thậm chí đạt mức 18,25%, ngoài Agribank, các chi nhánh của VietinBank, Sacombank cũng cho vay hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực này với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,3 - 1,5%/năm so với các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn.
Theo nhận định của đại diện các chi nhánh Agribank khu vực ĐBSCL phát biểu tại hội nghị, việc triển khai cho vay đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng sẽ không gặp vướng mắc gì về nguồn vốn và lãi suất. Vì đến hiện nay, hầu hết các chương trình cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo đều áp dụng theo ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2028/NĐ-CP với mức lãi suất rất thấp. Các hộ gia đình, hợp tác xã cũng có thể vay vốn không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Các mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đang được vay không có tài sản bảo đảm ở mức 70% - 80% giá trị phương án, dự án. Trong khi nguồn vốn của các ngân hàng khá dồi dào và đang tập trung ưu tiên giải ngân mạnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đại diện lãnh đạo Agribank khu vực Tây Nam Bộ cho biết, ngân hàng này đã triển khai đến hệ thống chi nhánh ở 12 tỉnh thành khu vực ĐBSCL (trừ Bến Tre) để chuẩn bị các phương án, giải pháp hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án về chính sách, quy trình thủ tục, đồng thời nắm bắt nhu cầu vay vốn đề tổng hợp xây dựng chính sách sản phẩm tín dụng phù hợp nhất cho bà con triển khai Đề án.
Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú khẳng định, thời gian tới khi các địa phương hoàn thành việc công bố vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết lúa gạo trên địa bàn theo Quyết định 1490/QĐ-TTg, đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành xong định mức kinh tế kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao, cũng như công bố danh sách các vùng chuyên canh của Đề án thì các chi nhánh Agribank có thể tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay đối với từng mô hình. Song song đó, sẽ phối hợp với các sở, ngành và các chủ thể ở từng mô hình nhằm ghi nhận, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề vốn tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này.