(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, sau hơn 4 tháng Nghị quyết số 43/2022/QH15, đến nay mới chỉ thực hiện ở khâu Thủ tướng Chính phủ thông báo số vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai xây dựng, còn phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án là rất chậm.
Toàn cảnh phiên họp |
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tại khoản 4 Điều 6 của Nghị quyết, Quốc hội đã giao Chính phủ “khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn”. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 200/BC-CP, Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện việc “rà soát, hoàn thiện danh mục” nêu trên chưa phải là Tờ trình về danh mục các dự án để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phân bổ vốn. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây chỉ là báo cáo cung cấp thông tin về tình hình, tiến độ triển khai công việc của Chính phủ, chưa đủ điều kiện để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về tiến độ triển khai, theo Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 nhằm hỗ trợ kịp thời, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng Quốc hội thông qua Nghị quyết, đến nay mới chỉ thực hiện ở khâu Thủ tướng Chính phủ thông báo số vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai xây dựng, còn phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án là rất chậm.
Về số vốn thông báo, Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới được 84,77% so với số Quốc hội cho phép. Số còn lại chưa thông báo (trong đó gồm có lĩnh vực y tế và 4 dự án đường cao tốc). Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương thông báo hết số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chưa đủ điều kiện thông báo vốn, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Về danh mục dự án, đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, tất cả các dự án đều đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư nên Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện danh mục dự án sử dụng vốn của Chương trình để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đối với 3 dự án đường bộ cao tốc (Dự án cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) thuộc tiêu chí Dự án quan trọng Quốc gia, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các Dự án tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Số vốn dự kiến dành cho 3 dự án đã được Chính phủ báo cáo thống nhất, việc xác định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cho các dự án cao tốc từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là phù hợp với nguyên tắc tập trung vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Nghị quyết 43/2022/QH15.
Về danh mục các dự án thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho biết, qua rà soát, đối chiếu, Ủy ban nhận thấy, danh mục dự án được Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có một số điều chỉnh, thay đổi so với danh mục dự kiến của Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị, khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về danh mục dự án, Chính phủ cần giải trình rõ nguyên nhân thay đổi, tính hợp lý và bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc bố trí vốn theo quy định tại Nghị quyết 43.
Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, Báo cáo số 200/BC-CP của Chính phủ không phải là Tờ trình, danh mục dự án kèm theo chỉ là thông báo “số kiểm tra” để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa đủ điều kiện để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi phân bổ vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ khẩn trương thông báo số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư. Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. Đối với 3 dự án đường cao tốc (Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 2/1/2022 báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kèm theo danh mục nhiệm vụ, dự án và mức vốn dự kiến bố trí từ Chương trình để Quốc hội cho ý kiến.
Trên cơ sở kết quả rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 cho 113 nhiệm vụ, dự án (chưa bao gồm lĩnh vực y tế và 04 dự án đường cao tốc, quốc lộ thuộc lĩnh vực giao thông; các bộ, cơ quan trung ương đề xuất không bố trí vốn từ Chương trình nên không đủ điều kiện thông báo vốn) để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Luật Đầu tư công; đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải hoàn thành thủ tục đầu tư dự án chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo (không bao gồm dự án quan trọng quốc gia; dự án nhóm A của Bộ Giao thông vận tải), báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với danh mục nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư (đã phê duyệt chủ trương đầu tư) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Đối với khoản hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xây dựng phương án phân bổ chi tiết cho các ngân hàng thương mại theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giao thông chưa đủ điều kiện thông báo vốn nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát, đề xuất danh mục và mức vốn cụ thể có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phù hợp với mục tiêu, định hướng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và tiếp tục rà soát, cắt giảm số dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách, không hiệu quả để bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt, kéo dài; ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 – 2025; các dự án phải bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc quyết định danh mục và phân bổ mức vốn cho từng nhiệm vụ, dự án cụ thể thuộc Chương trình chỉ được thực hiện sau khi Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.