Trên bảng giá giao dịch vào rạng sáng ngày 25/12, toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng đều tăng giá, dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (24/12). Đáng chú ý, trên bảng giá giao dịch vào rạng sáng ngày 25/12, toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng đều tăng giá, dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường. Trong khi đó, thị trường kim loại diễn biến khá trầm lắng do ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, lượng giao dịch thấp hơn so với các phiên trước. Kết phiên, chỉ số MXV-Index tăng 0,8% lên 2.207 điểm.
Giá dầu đảo chiều hồi phục
Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh bao phủ hoàn toàn thị trường năng lượng, trong đó giá dầu thế giới hồi phục ngay sát kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, riêng dầu thô WTI chấm dứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp trước đó. Yếu tố đã kéo giá dầu quay đầu đi lên là dự báo tồn kho dầu thô và nhiên liệu Mỹ suy giảm cùng thông tin về việc Trung Quốc tăng cường biện pháp kích thích tài khóa nhằm vực dậy nền kinh tế thông qua đợt phát hành trái phiếu kỷ lục.
Phiên giao dịch ngày hôm qua kết thúc sớm để các sở giao dịch lớn trên thế giới nghỉ lễ Giáng sinh. Ghi nhận mức giá đóng cửa vào khoảng 2h sáng ngày 25/12 giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent đi lên 1,4%, đạt 73,65 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu thô WTI cũng tăng 1,24% lên 70,1 USD/thùng.
Giá dầu hôm qua được hưởng lợi từ việc tồn kho dầu thô và nhiên liệu tại Mỹ vào tuần trước giảm, phản ánh nhu cầu tiêu thụ gia tăng. Theo kết quả khảo sát của Reuters, trong tuần kết thúc ngày 20/12, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ ước tính giảm 1,9 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đi xuống lần lượt là 1,1 triệu thùng và 300.000 thùng. Báo cáo tồn kho hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được dời lịch công bố từ thứ Tư sang thứ Sáu (27/12) do nghỉ lễ.
Thêm vào đó, thị trường đón nhận tin vui về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc dự kiến được tung ra trong năm sau, tăng thêm hi vọng vào tình hình tiêu thụ cải thiện, từ đó hỗ trợ giá dầu trong phiên giao dịch hôm qua. Cũng theo Reuters, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý phát hành 3.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 411 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt vào năm tới. Đây sẽ là đợt phát hành cao nhất từ trước đến nay và gấp 3 lần so với đợt phát hành trong năm nay khi nước này đang tăng cường kích thích tài khóa để phục hồi nền kinh tế đang suy yếu.
Theo đó, 1.300 tỷ nhân dân tệ sẽ được phân bổ cho các chương trình trợ cấp đối với hàng hóa lâu bền, cho phép người tiêu dùng đổi ô tô hoặc các thiết bị cũ và mua mới với giá giảm, đồng thời hỗ trợ nâng cấp ở quy mô lớn đối với các thiết bị của doanh nghiệp. Ngoài ra, khoản hỗ trợ nói trên còn được dùng cho các dự án chiến lược quốc gia, như xây dựng đường sắt, sân bay, đất nông nghiệp, và tăng cường an ninh tại các lĩnh vực trọng yếu.
Hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ khác sẽ được đầu tư vào lực lượng sản xuất mới, bao gồm các ngành sản xuất xe điện, robot, chất bán dẫn, và năng lượng xanh. Phần còn lại của gói hỗ trợ sẽ được dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh lớn của nước này, trong bối cảnh các tổ chức này đang vật lộn với biên lợi nhuận bị thu hẹp, lợi nhuận suy yếu, và số lượng nợ xấu gia tăng.
Thị trường kim loại diễn biến trầm lắng
Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường kim loại diễn biến tương đối trầm lắng với lượng giao dịch thấp hơn so với các phiên trước do ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ Giáng sinh tại Mỹ. Thị trường đóng cửa sớm trong ngày nghỉ lễ, vì vậy giá các mặt hàng sẽ được tính đến 2h00 sáng ngày 25/12 theo giờ Việt Nam.
Đối với kim loại quý, giá bạc tăng khoảng 0,3% lên 30,28 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng hơn 1% lên 960,5 USD/ounce. Giá kim loại quý tiếp tục duy trì đà tăng sau khi số liệu lạm phát quan trọng công bố vào cuối tuần trước cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, theo dữ liệu Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, loại trừ biến động giá của năng lượng và thực phẩm, của nước này tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. So với tháng trước, chỉ số PCE lõi chỉ tăng 0,1% trong tháng 11, con số này thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và hạ nhiệt từ mức tăng 0,3% của tháng 10. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 7 tháng gần đây.
Việc thước đo lạm phát ưa thích của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ nhiệt nhanh hơn dự báo đã phần nào giúp xoa dịu bớt lo ngại gần đây rằng FED sẽ trì hoãn hạ lãi suất do lạm phát có dấu hiệu gia tăng trở lại. Điều này đã giúp dòng tiền dần quay lại nhóm kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá quặng sắt giảm 0,2% xuống 101,09 USD/tấn bất chấp việc Trung Quốc phát tín hiệu kích thích tài khóa thông qua kế hoạch phát hành 3.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu kho bạc đặc biệt vào năm tới.
Giá quặng sắt vốn rất nhạy cảm đối với các động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc, tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn giảm trong phiên hôm qua do chịu áp lực từ yếu tố tiêu thụ. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MPI), nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc dự kiến đạt 863 triệu tấn vào năm nay, tương đương giảm 4,4% so với năm ngoái. Sang năm sau, tiêu thụ thép sẽ tiếp tục giảm 1,5% xuống 850 triệu tấn. Triển vọng tiêu thụ thép giảm đã làm xấu đi triển vọng tiêu thụ quặng sắt, nguyên liệu thô đầu vào quan trọng cho sản xuất thép, qua đó gây áp lực lên giá quặng sắt trong phiên hôm qua.
Thêm nữa, báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel) cho thấy sản lượng thép toàn cầu đã giảm xuống 146,8 triệu tấn trong tháng 11, tương đương giảm 3% so với tháng trước.