Trước thềm cuộc họp cuối cùng của năm 2022, FED và phố Wall trái chiều trong quan điểm về lãi suất

Quỳnh Lê| 14/12/2022 07:39
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và các đồng nghiệp đang có sự khác biệt về mặt quan điểm với phố Wall về thời gian lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023.

Sau lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980, FED có vẻ như sẽ chỉ tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào thứ Tư tuần này, sau bốn lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát.

Khảo sát được Bloomberg thực hiện với các chuyên gia kinh tế cho thấy quan điểm đồng thuận, ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất lên phạm vi mục tiêu 4,25 - 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Bên cạnh đó, các nhà kinh tế học cũng dự báo một đợt nâng lãi suất 50 điểm cơ bản khác vào năm tới và kỳ vọng rằng một khi lãi suất đạt đỉnh thì nó sẽ được duy trì đến hết năm 2023.

Trong khi đó, giới đầu tư trên thị trường tài chính có quan điểm tương tự trong ngắn hạn, song lại cho rằng FED sẽ nhanh chóng hạ lãi suất sau khi đạt đỉnh vào cuối năm tới.

Cụ thể hơn, thị trường đặt kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức dưới 5% trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6, sau đó FED sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào khoảng tháng 11 và kết thúc vào năm tới ở mức khoảng 4,5%. Lộ trình điều chỉnh lãi suất dự kiến của FED sẽ đánh dấu một tuyên bố chiến thắng "nhanh chóng" đối với lạm phát hiện đang cao gấp ba lần so với mục tiêu 2%.

Sự bất đồng này có thể là do các nhà đầu tư kỳ vọng áp lực về giá cả sẽ giảm tốc nhanh hơn so với dự tính của FED, những người lo ngại lạm phát sẽ trở nên dai dẳng và dấu hiệu hạ nhiệt chỉ là nhất thời. Hoặc sự bất đồng cũng có thể phản ánh quan điểm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ trở thành mối lo ngại lớn hơn đối với FED.

Trung bình trong 3 tháng gần nhất, Mỹ tạo ra 272.000 việc làm mỗi tháng. Con số này thấp hơn so với mức bình quân 374.000 việc làm được tạo ra mỗi tháng trong ba tháng trước.

Cuộc họp tuần này tại Washington là một cơ hội mới để Chủ tịch Jerome Powell khẳng định quan điểm giữ lãi suất ở mức cao nhằm đẩy lùi lạm phát - như ông đã nói trong bài phát biểu hôm 30/11 khi nhấn mạnh chính sách sẽ thắt chặt “trong một thời gian”.

Số liệu cho thấy, trong 5 chu kỳ lãi suất gần đây, thời gian trung bình mà lãi suất giữ tại mức đỉnh là 11 tháng và đó là những thời kỳ lạm phát ổn định hơn.

Trong 5 chu kỳ gần nhất, trung bình mất 11 tháng tính từ thời điểm lãi suất đạt đỉnh đến thời điểm FED lần đầu tiên hạ lãi suất

Conrad DeQuadros, cố vấn kinh tế cấp cao tại Brean Capital LLC, cho biết: “FED đã đưa ra thông điệp rằng lãi suất chính sách có thể sẽ duy trì ở mức đỉnh trong một khoảng thời gian. Đó là một phần của thông điệp mà thị trường đã liên tục không lưu ý. Các ước tính về mức độ mà lạm phát sẽ giảm xuống là quá lạc quan”.

Bản chất đằng sau sự căng thẳng giữa truyền thông của FED và các nhà đầu tư phố Wall là hai tầm nhìn khác biệt về nền kinh tế sau đại dịch. Quan điểm trên thị trường cho thấy một ngân hàng trung ương đáng tin cậy nhanh chóng đưa lạm phát đến mục tiêu 2%, có thể với sự trợ giúp của một cuộc suy thoái nhẹ hoặc các nhân tố kiềm chế lạm phát đã giữ giá cả ở mức thấp trong suốt hai thập kỷ qua.

Scott Thiel, chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, thì bày tỏ: “Các thị trường tài chính chỉ đơn giản là đang định giá trong một chu kỳ kinh doanh bình thường”.

Một luận điểm khác cho rằng, những hạn chế về nguồn cung sẽ là một nguyên nhận gây ra lạm phát trong nhiều tháng và có thể nhiều năm, khi biến động chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nguồn đầu vào quan trọng, từ chip, nhân công giỏi, dầu mỏ và các hàng hóa khác.

Trong trường hợp này, các ngân hàng trung ương sẽ cảnh giác với tiến trình lạm phát, khi yếu tố này chỉ là tạm thời và có thể dễ bị tổn thương trước sự xuất hiện của những xung đột mới gây ra áp lực giá kéo dài.

Các quan chức FED lưu ý, về mặt lịch sử, lạm phát có tính chất cố định, nghĩa là phải mất một thời gian dài để loại bỏ nó khỏi hàng triệu quyết định về giá mà các doanh nghiệp và hộ gia đình đưa ra mỗi ngày. Họ cũng đang phải cân nhắc mục tiêu chính sách của mình là đảm bảo lạm phát 2% chứ không phải 3%, và có thể miễn cưỡng bắt đầu giảm chi phí đi vay nếu lạm phát bị mắc kẹt trên mục tiêu.

Tuy nhiên, FED vẫn chưa loại trừ hoàn toàn khả năng lạm phát giảm tốc nhanh chóng. John Williams, Chủ tịch FED chi nhánh New York cho biết, ông kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ giảm một nửa vào năm tới xuống còn khoảng 3 - 3,5%.

Theo Williams, ông không mong đợi bất kỳ sự cắt giảm nào đối với lãi suất cho đến năm 2024 mặc dù đưa ra dự đoán các biện pháp kiềm chế lạm phát sẽ được nới lỏng vào năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước thềm cuộc họp cuối cùng của năm 2022, FED và phố Wall trái chiều trong quan điểm về lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO