(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), việc rà soát đánh giá liên quan đến phương án sản xuất kinh doanh hay điều kiện nguyên tắc xác định đúng đối tượng… đang là những vướng mắc chính bên cạnh một số vấn đề khác khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp lúng túng khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền từ ngân sách nhà nước là 40.000 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) |
Phóng viên: Thưa ông, gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã triển khai được hơn 3 tháng. Ông đánh giá ra sao về việc triển khai gói hỗ trợ này tại các TCTD là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam?.
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngày 20/5/2022 (Nghị định 31); trong cùng ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM) hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31(Thông tư 03).
NHNN đã tổ chức tập huấn cũng như các cuộc họp có quy mô toàn quốc nhằm quán triệt, triển khai với các NHTM. Các cuộc họp này đều có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính Tổng kiểm toán… để cùng nhau phối hợp đưa ra các giải pháp triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất.
Trên cơ sở quy định tại Nghị định 31 và Thông tư 03, các TCTD đã khẩn trương ban hành các quy chế nội bộ, đồng thời chủ động về nhiều mặt như công nghệ, con người... để triển khai cho vay, đồng thời các TCTD cũng đã đăng ký hết hạn mức 40.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ lãi suất cho 2 năm 2022 - 2023.
Qua đó cho thấy, các TCTD đã chủ động triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và NHNN với mong muốn đưa dòng vốn ưu đãi lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước nhanh chóng đến tay các đối tượng thụ hưởng theo chương trình.
Phóng viên: Vậy nhưng sau hơn 3 tháng triển khai, tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất không được như kỳ vọng, theo ông đâu là những bất cập làm chậm tốc độ triển khai chương trình?.
TS Nguyễn Quốc Hùng: Dù đã vào cuộc tích cực và quyết liệt nhưng thực tế cho thấy, sau hơn 3 tháng kể từ khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất, tiến độ thực hiện không được như kỳ vọng. Số tiền thực hiện cho vay mới chỉ rất nhỏ so với nhu cầu thực tiễn.
Việc rà soát đánh giá liên quan đến phương án sản xuất kinh doanh, điều kiện nguyên tắc xác định đối tượng là khó khăn chính mà các TCTD gặp phải trong quá trình triển khai. Chính vì vậy, dù đã có sự quyết tâm cũng như chuẩn bị đầy đủ từ các TCTD song kết quả vẫn chưa như kỳ vọng.
Có thể nhận thấy, nhiều vấn đề bất cập đặt ra trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lần này, có thể kể đến như:
Về phía khách hàng:
Thứ nhất, các doanh nghiệp hầu hết kinh doanh đa ngành nghề nên rất khó xác định được đối tượng cho vay, hơn nữa nhiều doanh nghiệp cũng “ngại” khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này, bởi e dè về việc thanh tra, kiểm tra sau này. Chính vì vậy, số dư nợ cũ để hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ ngày 1/1/2022 đến ngày 20/5/2022 (lãi chưa trả) cũng không nhiều.
Thứ hai, khách hàng đủ điều kiện thì không muốn vay, mà khách hành muốn vay thì không đủ điều kiện; nhiều khách hàng đủ điều kiện đúng đối tượng nhưng không xác định được nguồn vốn vì hoạt động nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, nên cũng không muốn tiếp cận nguồn vốn này.
Về phía các tổ chức tín dụng:
Thứ nhất, việc rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; cũng như xác định các khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 rất khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp, tên doanh nghiệp có thể là đúng đối tượng nhưng đối tượng cho vay chưa chắc đã đúng.
Thứ hai, đối với cho vay mới, đến nay cũng chưa nhiều vì khoảng thời gian đó các TCTD đang trong quá trình chờ được NHNN điều chỉnh room tín dụng. Ngoài ra, để tránh những hệ lụy tiêu cực sau này, khi cho vay các TCTD đã phải sàng lọc rất kỹ khách hàng nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đồng thời không hạ chuẩn và điều kiện tín dụng khi cho vay.
Thứ ba, việc khoanh vùng đối tượng thụ hưởng cũng rất khó, đặc biệt đối với đối tượng cho vay là hộ nông dân hay hộ gia đình. Đây là điểm mà chính các TCTD cũng đang rất lúng túng khi triển khai xác định đối tượng để cho vay hỗ trợ lãi suất.
Thứ tư, đây là nguồn vốn ngân sách nhà nước nên các TCTD đã rất cẩn thận trong quá trình triển khai, do đó, khách hàng phải đáp ứng đủ điều kiện, có tài sản bảo đảm, sử dụng vốn đúng mục đích, có phương án kinh doanh rõ ràng đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.
Thứ năm, trong bối cảnh làn sóng nhiều dịch bệnh có nguy cơ xảy ra và sự thiếu ổn định của kinh tế thế giới nói chung, các TCTD lại càng e ngại, bởi cho vay mới mà phát sinh nợ xấu, không thu hồi được nợ thì các TCTD sẽ là đối tượng chịu trách nhiệm sau cùng.
Tóm lại, việc rà soát đánh giá liên quan đến phương án sản xuất kinh doanh, điều kiện nguyên tắc xác định đối tượng là khó khăn chính mà các TCTD gặp phải trong quá trình triển khai. Chính vì vậy, dù đã có sự quyết tâm cũng như chuẩn bị đầy đủ từ các TCTD song kết quả vẫn chưa như kỳ vọng.
Phóng viên: Trước thực tế như vậy, với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có những kiến nghị gì nhằm tháo gỡ những khó khăn này để đưa chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả hơn?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Rất khó có thể đưa ra giải pháp vẹn toàn. Song có thể nhận thấy, nếu các khó khăn/vướng mắc trên không được giải quyết thỏa đáng thì dù các TCTD có đặt quyết tâm cao đến mấy cũng sẽ rất khó triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh và kinh tế thế giới hiện nay, tôi cho rằng, vẫn còn nhiều rủi ro đang hiện hữu. Do đó, để triển khai gói hỗ trợ, các TCTD cần tiếp tục rà soát chặt chẽ đối tượng thụ hưởng để tránh những hệ lụy tiêu cực sau này.
Để triển khai hiệu quả dòng vốn có ưu đãi lãi suất này, tôi cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã đến lúc nên nghĩ đến hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trực tiếp từ nguồn ngân sách thông qua Bộ Tài chính - có nghĩa là Bộ Tài chính sẽ căn cứ số thuế các doanh nghiệp trước đây đã nộp ngân sách thì nay hỗ trợ trực tiếp lại bằng việc hỗ trợ lãi suất đối với số dư nợ đang vay ngân hàng/hoặc giảm trực tiếp thuế phải nộp trong năm 2022-2023. Đồng thời nên xem lại việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các NHTM, đây là việc mà cách đây hơn 10 năm chúng ta đã làm song đến nay vẫn còn những tồn tại chưa xử lý được.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Xem tiếp bài 4: Khơi thông gói hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp đề nghị mở rộng đối tượng