Chuyên đề: Gỡ "nút thắt" để gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai có hiệu quả (Bài 1)

Ngô Hải - Minh Ngọc| 15/09/2022 15:48
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã chủ động, tích cực triển khai hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng theo đúng quy định.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định 31). Theo Nghị định 31, các khách hàng có đề nghị hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), sẽ được hưởng mức lãi suất hỗ trợ là 2%. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho chương trình này 40.000 tỷ đồng.

Cũng ngay trong ngày 20/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NH-CP. Để triển khai nhanh và có hiệu quả chương trình hỗ trợ đầy nhân văn và ý nghĩa này, NHNN cũng liên tiếp ban hành các chỉ thị/văn bản như: Chỉ thị số 03/2022/CT-NHNN (ngày 18/8), Văn bản số 6221/NHNN-TD (ngày 6/9), yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương, tích cực, triển khai cho vay, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước. Xen kẽ với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên, NHNN cũng liên tiếp tổ chức 3 hội nghị lớn ở quy mô toàn quốc trong các ngày 27/5, 6/7, 26/8 để phổ biến quy định chính sách, giải đáp và bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai.

Các ngân hàng đã vào cuộc tích cực, chủ động; khẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; chủ động thông tin, tuyên truyền trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế đã có nhiều khó khăn/vướng mắc phát sinh khiến tiến độ giải ngân chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Nhằm tìm hiểu và làm rõ những khó khăn/vướng mắc các ngân hàng đang gặp phải, đồng thời đề xuất một số giải pháp để góp phần triển khai nhanh và có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn vốn ngân sách nhà nước Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả chùm 6 bài viết chuyên đề: Gỡ "nút thắt" để gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai có hiệu quả.

Hình minh họa - Nguồn: Vietcombank

Bài 1: Ngân hàng quyết liệt triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước

Tích cực, chủ động triển khai gói hỗ trợ

Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (gói hỗ trợ lãi suất 2% có quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và được triển khai trong vòng 2 năm (2022 – 2023). Ngay trong ngày hôm đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 30/2022/TT-NHNN hướng dẫn NHTM hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.

Trước yêu cầu triển khai nhanh để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn sau đại dịch, ngày 16/8/2022, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 03/2022/CT-NHNN yêu cầu các NHTM khẩn trương, tích cực, triển khai cho vay, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước.

Tiếp đến, ngày 6/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục ban hành Văn bản số 6221/NHNN-TD về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại tập trung thực hiện và triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước.

Xen kẽ với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, NHNN cũng đã liên tiếp tổ chức 3 hội nghị lớn ở quy mô toàn quốc trong các ngày 27/5, 6/7, 26/8 để phổ biến quy định chính sách, giải đáp và bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai. Qua đó, thống nhất cách hiểu, đảm bảo chính sách hỗ trợ lãi suất được triển khai đồng bộ, đồng thuận trong toàn quốc.

Những việc làm trên cho thấy sự quyết liệt khẩn trương, thể hiện quyết tâm cao của ngành Ngân hàng trong việc điều hành, triển khai thực hiện chính sách lớn của Chính phủ một cách hiệu quả nhất.

Về phần thực thi, các NHTM cũng đã vào cuộc tích cực, chủ động như: khẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; chủ động thông tin, tuyên truyền trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất…

Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, ngay sau khi có Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, BIDV đã thực hiện rà soát các đối tượng được thụ hưởng và có thống kê sơ bộ khách hàng để gửi đến NHNN cấp hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 – 2023. Cùng với đó, BIDV cũng xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện từ hội sở xuống các đơn vị, đồng thời xây dựng phần mềm hỗ trợ lãi suất, tổ chức truyền thông triển khai Nghị định 31 và Thông tư 03.

Thời gian qua, BIDV đã tổ chức 2 hội nghị (1 trực tiếp, 1 trực tuyến) với khoảng 9.000 người tham gia. Các hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt nội dung và cách làm, cũng như giải đáp các vướng mắc của các chi nhánh trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất này.

Xác định gói hỗ trợ lãi suất là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngay khi Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN được ban hành, trong cùng ngày 20/5/2022,  Agribank đã ban hành Quy định 968 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời, Agribank đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai nội dung chương trình hỗ trợ lãi suất đến toàn bộ gần 2.300 điểm giao dịch trên cả nước; tổ chức tập huấn cho 26.000 cán bộ trong đó có 14.000 cán bộ tín dụng và hơn 10.000 giao dịch viên…; chỉ đạo rà soát dư nợ, các khoản giải ngân trong 6 tháng đầu năm đối với các khách hàng thuộc ngành nghề được hỗ trợ lãi suất; truyền thông rộng khắp về chương trình hỗ trợ lãi suất đến với khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% là điều vô cùng quan trọng, góp phần giúp doanh nghiệp, hộ gia đình… giảm chi phí đầu vào, cũng như có thêm nguồn lực hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước khắc phục khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Từ nhận thức đó, ông Nguyễn Việt Cường thông tin, ngay sau khi Nghị định và Thông tư được ban hành, Vietcombank đã tích cực, đẩy mạnh tập huấn trong toàn hệ thống, xây dựng hệ thống công nghệ riêng để tìm và xác định đối tượng khách hàng cần hỗ trợ…. Vietcombank thực hiện rà soát lại toàn bộ đối tượng khách hàng trong diện xác định được thụ hưởng từ chương trình. Đến nay, ngân hàng đã chủ động truyền thông về hướng dẫn hồ sơ thủ tục cho khoảng 2.200 khách hàng là đối tượng được hưởng hỗ trợ gói lãi suất 2%.

Một đại diện Ngân hàng ACB cho biết, sau khi được NHNN thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất năm 2022, đầu tháng 6/2022, ACB đã ban hành công văn hướng dẫn nội bộ để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên toàn hệ thống. Trong 2 tuần cuối tháng 6, ACB đã tổ chức kiểm tra thủ tục cho tất cả các chức danh nhân viên tham gia hỗ trợ lãi suất tại 90 chi nhánh và 290 phòng giao dịch trên toàn hệ thống.

Cùng với đó, ACB cũng đã chủ động, tích cực triển khai các kế hoạch truyền thông, cụ thể: ưu tiên thông tin về chương trình hỗ trợ lãi suất trên website của ngân hàng với tần suất và vị trí ưu tiên để có thể truyền tải thông điệp tới nhiều khách hàng nhất có thể.

Những con số “biết nói”

Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, sau 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, đến nay doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng khoảng 13,5 tỷ đồng. Thực tế số liệu này còn có thể cao hơn nếu tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022 (ngày 26/8).

Tính đến ngày 25/8, thông tin từ ông Phan Đức Tú, BIDV đã tiếp nhận 348 hồ sơ khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, trong đó đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 20 khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ là 4.650 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất là 6,6 tỷ đồng.

Với sự khẩn trương, vào cuộc tích cực, tại Agribank theo ông Phạm Toàn Vượng, tính đến ngày 22/8/2022, dư nợ của các hợp đồng tín dụng ký kết từ ngày 1/1/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát, nhận diện tại ngân hàng là 40.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Toàn Vượng cho biết, đến thời điểm ngày 26/8, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng (ngày 31/7/2022 là 837 triệu đồng). “Dự kiến trong tháng 9/2022, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Phạm Toàn Vượng chia sẻ.

Còn tại Vietcombank, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, số lượng khách hàng đang tiếp cận khoảng 52 khách hàng, với tổng dư nợ xấp xỉ 400 tỷ đồng, trong đó: khoảng 20 khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất.

VietinBank cũng triển khai được khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng cho 171 khách hàng; hay tại ACB cũng triển khai hỗ trợ lãi suất cho 63 khách hàng với dư nợ là 244 tỷ đồng…

Với Sacombank, theo ông Đào Nguyên Vũ, Phó Tổng Giám đốc đến ngày 26/8 Sacombank đã nhận được đề nghị vay vốn hỗ trợ lãi suất của 40 khách hàng. Qua xét duyệt, chỉ có 29 khách hàng đủ điều kiện vay với dư nợ 325 tỷ đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, đến nay, các chi nhánh của TPBank đã tiếp cận được gần 500 khách hàng thuộc đối tượng của chương trình, tuy nhiên, số khách chính thức gửi hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất khá thấp. Trong đó, số khách hàng chính thức gửi hồ sơ và được ngân hàng đang xem xét đến nay có khoảng gần 30 khách hàng, ngân hàng đã hỗ trợ được 3 khách hàng, có 6 khách hàng bị từ chối vì không đúng đối tượng.

Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, tổ chức cuối tháng 8/2022, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, chương trình hỗ trợ lãi suất nhận được sự quan tâm rất lớn của rất nhiều cấp lãnh đạo, cũng nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Với những kết quả ban đầu có thể thấy ngành Ngân hàng đã có sự vào cuộc rất quyết liệt từ các đơn vị triển khai và các tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở các hành lang pháp lý là Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN”.

Xem tiếp Bài 2: Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vì sao tiến độ chưa như ý?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên đề: Gỡ "nút thắt" để gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai có hiệu quả (Bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO