Tin Hiệp hội Ngân hàng

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Sự phối hợp giữa Viện Kiểm sát và Tòa án góp phần hạn chế nhiều sai sót trong giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng  

P.V 21/04/2023 09:26

Phát biểu chào mừng Hội thảo: “Hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 21/4, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sự phối hợp giữa Viện Kiểm sát và Tòa án góp phần hạn chế nhiều sai sót trong giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng. 

Hội thảo có sự tham dự và chỉ đạo của: ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao; ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

ttk-phat-bieu.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu khai mạc hội thảo

Cùng tham dự hội thảo về phía VKSND Tối cao có: ông Lê Tiến – Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10); bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14); ông Hồ Đức Anh, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3); ông Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Vụ 15); ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11); Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND Tối cao, các VKSND cấp cao và VKSND 31 tỉnh, thành phố.

Về phía Ngân hàng Nhà nước có: ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; bà Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ truyền thông; cùng đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan TTGSNH, Vụ Chính sách tiền tệ….

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Ủy ban Pháp luật,  Ủy ban Kinh tế (Quốc hội); Đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân tối cao; đại diện Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Vụ NV 1 - Tổng cục Thi hành án dân sự,  Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; đại diện Bộ Công an; đại diện Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có: TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký; cùng đại diện CLB Pháp chế, CLB Xử lý nợ, các tổ chức tín dụng (TCTD) là hội viên…

Phát biểu chào mừng hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, cùng với sự phát triển nền kinh tế, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, theo đó tranh chấp Hợp đồng tín dụng ngày càng phát sinh nhiều, với diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô. Để giải quyết hiệu quả tranh chấp Hợp đồng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu lựa chọn biện pháp tố tụng thông qua Tòa án.

Sự phối hợp tốt giữa Viện Kiểm sát và Tòa án cũng như giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán đã góp phần hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Đánh giá về hoạt động tư pháp, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thời gian qua, VKSND các cấp đã phối hợp với Tòa án Nhân dân các cấp về cơ bản giải quyết các Vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng đúng pháp luật, kịp thời; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Sự phối hợp tốt giữa Viện Kiểm sát và Tòa án cũng như giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán đã góp phần hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các TCTD hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp về tín dụng tại Tòa án liên quan Viện Kiểm sát còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập do khác biệt về nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng. Có thể kể đến như: việc kiểm tra, giám sát thời hạn giải quyết vụ án, thi hành án; việc thu thập tài liệu, chứng cứ, giám sát việc thực hiện công khai chứng cứ cho các đương sự; việc kiểm tra, giám sát quá trình thi hành án, giải quyết khiếu nại của Tòa án; việc áp dụng quy định pháp luật khi xác định mức phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng; việc xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp; xác định hiệu lực của Hợp đồng thế chấp và xác định TCTD là bên thứ ba ngay tình trong giao dịch thế chấp tài sản; trường hợp giao dịch thế chấp tài sản của đất hộ gia đình khi các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất không tham gia đầy đủ vào giao dịch; về thủ tục xác minh địa chỉ của bị đơn (khách hàng vay)…

toan-canh-hoi-thao.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các TCTD hội viên của Hiệp hội Ngân hàng có cơ hội trao đổi, thảo luận với các cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ tại các TCTD trên cơ sở đó thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng.

Trên tinh thần đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nội dung hội thảo sẽ tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, trao đổi thảo luận về thực tiễn hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Thứ hai, nhận diện một số vi phạm trong hoạt động ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng, hợp đồng bảo đảm tài sản giữa ngân hàng với người đi vay hoặc bên thứ ba (bên có tài sản bảo đảm) dẫn đến tranh chấp.

Thứ ba, kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét có giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết các tranh chấp về tín dụng ngân hàng.

Đánh giá nội dung hội thảo hết sức quan trọng với hoạt động của các TCTD, TS. Nguyễn Quốc Hùng hy vọng, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ được trao đổi, lắng nghe những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hoạt động của các TCTD và các cơ quan tố tụng, các đề xuất, kiến nghị, qua đó giúp nâng cao hiệu quả xử lý tranh chấp Hợp đồng tín dụng tại Tòa án, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu của các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Hội thảo đã lắng nghe tham luận của các đại diện đến từ: VKSND Tối cao, VKSND cấp cao, VKSND tại một số tỉnh/thành phố, Tòa án Nhân dân tối cao, Vụ Pháp chế (NHNN), Câu lạc bộ Pháp chế VNBA, Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp)…. và phần trao đổi, thảo luận đến từ các TCTD. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Sự phối hợp giữa Viện Kiểm sát và Tòa án góp phần hạn chế nhiều sai sót trong giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO