TS. Vũ Đình Ánh: Năm 2021, kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, chứng khoán để tránh “bong bóng”

Bảo Đăng (ghi)| 16/02/2021 07:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong năm 2021 có thể hình thành “bong bóng” chứng khoán, bất động sản, thậm chí là tiền kỹ thuật số,... do dòng tiền có xu hướng dịch chuyển mạnh từ sản xuất, tiêu dùng sang tài sản tài chính, phi tài chính. Ngân hàng cần kiểm soát và hướng dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giúp giảm thiểu rủi ro “bong bóng” tài sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2020 chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, song ngành Ngân hàng đã mạnh mẽ vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành điểm sáng trong bức tranh chung với những kết quả rất tích cực và ấn tượng. Trước hết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã sớm chủ động và kịp thời triển khai nhiều chính sách tiền tệ (CSTT) tín dụng hợp lý hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19, góp phần quan trọng vào thành tích tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới năm 2020.

TS. Vũ Đình Ánh

Thông tư 01/2020/NHNN-TT quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được đánh giá là một trong những phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời và phù hợp với thực tế thị trường tài chính tín dụng của nước ta dưới ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính đến cuối năm 2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng, đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng và đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400 nghìn khách hàng.

Bên cạnh đó, riêng trong năm 2020, NHNN đã chủ động giảm 3 lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm, trở thành một trong những quốc gia có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực ASEAN, vừa tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN, vừa tạo lập cơ sở điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất tương thích với diễn biến lạm phát.

Kết quả nổi bật nhất của ngành Ngân hàng năm 2020 về mặt vĩ mô chính là trong điều kiện cực kỳ khó khăn và tình huống bất ngờ song các chỉ tiêu tiền tệ cơ bản đều không biến động quá mạnh. Cụ thể, tính đến ngày 21/12/2020; tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,1%, đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,26% so với cuối năm 2019); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,14% và đến ngày 31/12/2020, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12,13% so với cuối năm 2019).

Về mặt vi mô, ấn tượng đặc biệt chính là kết quả kinh doanh khá tích cực của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM). Những kết quả đó còn đáng trân trọng hơn nữa khi biết rằng nhiều ngân hàng như: BIDV đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo định hướng, chỉ đạo của NHNN; Vietcombank đã chủ động chia sẻ cùng doanh nghiệp và người dân gần 4.000 tỷ đồng thông qua 5 đợt hạ lãi suất hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, còn con số này tại VietinBank là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2021 đều rất lạc quan bất chấp tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến khó lường. Tăng trưởng kinh tế thế giới có thể lên tới 4% sau khi đã sụt giảm 4,3% năm 2020 còn Việt Nam thậm chí tăng trưởng từ 6 - 8% trong năm 2021. Như vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Ngân hàng là phải đảm bảo đủ vốn cho sự phục hồi kinh tế và tăng trưởng với tốc độ cao khi phần lớn nguồn lực tài chính cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Ngành Ngân hàng hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa nếu triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021, tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Theo đó, mặc dù năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12% và mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% song rất cần sự chủ động và linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với đảm bảo chất lượng tín dụng, cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng theo hướng tập trung vào sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Năm 2021 cũng sẽ là năm ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nhất là các TCTD yếu kém, đồng thời tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Dự báo nợ xấu hệ thống ngân hàng sẽ tăng dần trong năm 2021 sau khi chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ được điều chỉnh.

Dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy số hóa nền kinh tế, trong đó ngành Ngân hàng đóng vai trò tiên phong và trung tâm. Năm 2021 sẽ chứng kiến sự tăng tốc và đột phá trong thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển hệ thống thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán,...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Vũ Đình Ánh: Năm 2021, kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, chứng khoán để tránh “bong bóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO