Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[1]. Người cũng nhận định: “Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần cù, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn được giữ vững và phát triển”[2].
Những thắng lợi đầu tiên
Vừa mới ra đời ngày 22/12/1944 thì đến ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tập kích diệt đồn Phai Khắc thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26/12/1944, Đội đánh Đồn Nà Ngần (cách Phai Khắc 15 km về phía Đông Bắc).
Ngày 15/4/1945, Đảng ta hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Chiều ngày 16/8/1945, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), mở màn cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khen rằng: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tầy, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”[3].
Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950
Sau 29 ngày đêm chiến đấu quả cảm, oanh liệt (16/9/1950-14/10/1950), 3 vạn chiến sĩ Quân ta đã làm nên sự toàn thắng của Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên địch, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đây là thất bại chưa từng có trong chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tính đến thời điểm lúc bấy giờ.
Quân ta cũng giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất quan trọng suốt dải biên cương dài 750 km, gồm 35 vạn dân. Địa bàn căn cứ địa Việt Bắc được rộng mở, nối liền với các vùng miền trong nước (đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4) và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Thực dân Pháp đã bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ với 49 cứ điểm đề kháng mạnh với 3 phân khu liên hoàn. Tổng số binh lực lúc cao nhất của địch tại đây là 16.200 quân, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay (12 chiếc), 1 đại đội vận tải. “Canh bạc Điện Biên Phủ” đã tiêu tốn hơn 40% quân số viễn chinh của thực dân Pháp ở Đông Dương. Các tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều cho rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”.
Tổng quân số của Quân ta được điều động tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lên đến 55.000 chiến sĩ, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân dân ta đã giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954).
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève (21/7/1954) và đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta (1945-1954).
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã mở màn vào đêm 30 rạng ngày 31/1/1968. Quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ - ngụy bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không chỉ có ở Tết Mậu Thân, mà trên thực tế đây chỉ là đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968.
Kết quả trong năm 1968, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20/12/1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, ngụy và quân của các nước đồng minh Mỹ; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.
Đánh giá về thắng lợi này, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng sau ngày toàn thắng (1976) đã nêu rõ: “Thắng lợi rất oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris”.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972
Đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai để thực hiện chiến dịch tập kích đường không chiến lược đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương vào những ngày cuối tháng 12/1972.
Đế quốc Mỹ đã sử dụng 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 (chiếm gần 50% số B-52 Mỹ có lúc đó) với tần suất 663 lần chiếc; cùng 1.077 chiếc máy bay chiến thuật (chiếm hơn 1/3 số máy bay chiến thuật Mỹ), với tần suất 3.920 lần chiếc. Bên cạnh đó, đế quốc Mỹ còn huy động số lượng lớn máy bay gây nhiễu điện tử từ xa, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay trinh sát không người lái tầng thấp, máy bay có người lái trinh sát tầm cao, máy bay trinh sát không người lái tầng cao…
Đồng thời, nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân, hiện đại đã được đế quốc Mỹ sử dụng để phục vụ cho chiến dịch này. Các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines cũng làm việc hết công suất đến phục vụ chiến dịch ném bom chiến lược này. Để chỉ huy thống nhất, đế quốc Mỹ lập Bộ chỉ huy lâm thời đóng ở căn cứ Utapao (Thái Lan) đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy không quân chiếc lược Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, trải qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F111, 21 máy bay F4, 12 máy bay A7, 1 máy bay F105, 4 máy bay AD6, 1 máy bay trực thăng HH-53, 1 máy bay không người lái, bắt sống nhiều giặc lái. Trong đó, quân dân Hà Nội lập công to lớn hơn cả với thành tích bắn rơi 32 chiếc máy bay (trong đó có 25 máy bay B-52).
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã mở Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến ngày 3/4/1975), giành thắng lợi vẻ vang. Chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên đã xóa sổ hoàn toàn Quân đoàn 2, Quân khu 2 của ngụy Sài Gòn, giải phóng địa bàn chiến lược Tây Nguyên và một số tỉnh Trung Bộ, làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng, thế chiến lược giữa ta và địch, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành tổng tiến công trên toàn miền Nam Việt Nam.
Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Chiến dịch Trị Thiên-Huế (từ ngày 5 đến ngày 26/3/1975) và Chiến dịch Đà Nẵng (từ ngày 26 đến ngày 29/3/1975) được tiến hành. Ngày 26/3/1975, Huế được giải phóng và ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng đã khiến toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1, Quân khu I của ngụy Sài Gòn bị tiêu diệt và tan rã.
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp, nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”.
Xuân Lộc là một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60km về phía Đông Bắc là phòng tuyến trọng tâm để địch ngăn Quân ta cơ động theo Đường 1 và Đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Từ ngày 9 đến 16/4/1975, ta mở chiến dịch Xuân Lộc. Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” phía Đông, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông.
Ngày 4/4/1975, Quân uỷ Trung ương giao cho Khu 5 và lực lượng hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Từ ngày 14 đến ngày 29/4/1975, toàn bộ các đảo trên được giải phóng.
Ngày 21/4/1975, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức để cao chạy xa bay. Trong một bài nói chuyện tại Trường Đại học Tunale vào ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã nêu rõ: “Cuộc chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ”.
Ngày 26/4/1975, Quân ta bắt đầu mở Chiến dịch Hồ Chí Minh với lực lượng áp đảo, gấp 3 lần lực lượng quân đội ngụy tại Sài Gòn. Tham gia chiến dịch có 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Binh đoàn cánh Tây Nam (tương đương quân đoàn) cùng lực lượng vũ trang địa phương và Nhân dân trên địa bàn chiến dịch. Về binh khí, kỹ thuật, Quân ta đã tập trung được 516 khẩu pháo mặt đất, 550 tên lửa và pháo phòng không, 1 đại đội máy bay A37, 320 xe tăng, xe thiết giáp, 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải, 60.000 tấn vật chất (15.000 tấn đạn)… Năm cánh quân của Quân ta vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch. Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sài Gòn được giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đánh dấu sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược cùng ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam.