(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 6/1, phát biểu thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV về sửa đổi khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc sửa đổi này nhằm huy động mọi nguồn lực để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn” để giải toả công suất cho các dự án điện, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành.
Các đại biểu tham gia thảo luận tổ về Luật Điện lực sửa đổi, sáng 6/1. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, sửa đổi lần này cho phép xã hội hoá để tư nhân đầu tư vào truyền tải điện nhằm giải toả công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, không để lãng phí nguồn lực xã hội khi đã đầu tư các nhà máy điện.
Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Trong 5 năm qua, khi có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, tăng trưởng điện tái tạo này rất lớn. Tuy nhiên, những nơi có tiềm năng lớn về điện tái tạo thì phụ tải (tiêu thụ điện) rất thấp (chỉ 4-6%), còn lại 94% điện ở khu vực này phải truyền tải điện ở cấp điện cao áp và siêu cao áp.
“Khai thác năng lượng tái tạo rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi mà tiềm năng về thuỷ điện lớn đã hết, dư địa phát triển thuỷ điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế, đầu tư năng lượng tái tạo với hệ thống truyền tải và tích điện/ lưu trữ điện năng sạch của các nhà máy điện tái tạo rất cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.
Theo đó, mục tiêu sửa đổi này là để tư nhân đầu tư trạm và đường dây từ 220 kV trở xuống, tuân thủ quy định về vận hành, điều độ, giá truyền tải điện do Tổng công ty truyền tải điện quốc gia quy định. Về quyền đấu nối, với các nhà đầu tư phải đạt các tiêu chuẩn của ngành điện.
Như vậy, Nhà nước vẫn giữ độc quyền cho điều độ điện, Trung tâm điều độ điện quốc gia tới đây tách khỏi EVN và đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ Công Thương để bảo đảm tính khách quan. Qua đó, cân đối vùng miền và an ninh năng lượng quốc gia. Nhà nước kiểm soát thông qua điều hành hệ thống điện, quản lý về tiêu chuẩn đầu tư.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề, ngành điện là ngành bình ổn giá nhưng lợi nhuận định mức chỉ được 3%, trong khi với ngành khác thì lợi nhuận do thị trường quyết định. Việc này cần làm rõ, bởi nếu như vậy thì có thu hút được nhà đầu tư không? Nhất là khi nhà đầu tư xây dựng nhà máy phát điện rồi liệu có đấu nối vào với hệ thống truyền tải điện hay không?.
Báo cáo ngày 5/1 của Bộ Công Thương gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hoạt động kiểm soát của Nhà nước và những vấn đề đặt ra trong tổ chức quản lý, vận hành lưới điện truyền tải của một số dự án điện của nhà đầu tư tư nhân đã được Chính phủ cho phép thực hiện, đấu nối với hệ thống điện quốc gia, bảo đảm hiệu quả và an toàn hệ thống điện, quốc phòng an ninh.
Các dự án điện do tư nhân hay Nhà nước đầu tư đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, điện lực và quy định khác có liên quan.
Tại khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực quy định về chính sách phát triển điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia”. Như vậy, về điều độ hệ thống điện, Nhà nước vẫn là chủ thể thực hiện.
Nội dung đề xuất sửa đổi khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực đang mở rộng cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do Nhà nước đầu tư.
Bộ Công Thương cũng cho biết, trong đề xuất sửa đổi các quy định khác tại Luật Điện lực đang triển khai, Bộ Công Thương đã bổ sung chính sách về hoàn thiện các quy định về quản lý, vận hành hệ thống điện và bảo đảm chất lượng điện năng.